1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn hoặc cản trở người khác kết hôn, ly hôn tự nguyện có thể bị phạt tù đến 3 năm
Từ phản ánh của báo chí cho đến đời sống xung quanh, nếu chú ý chúng ta sẽ thấy những câu chuyện về ép buộc, cản trở người khác kết hôn, ly hôn không còn quá xa lạ. Ví dụ bố mẹ ép con cái phải kết hôn với người này, đưa ra yêu sách để con phải lấy người mà bố mẹ “chấm”, trong khi con cái không chấp nhận. Hoặc có trường hợp, vợ muốn ly hôn nhưng chồng không chấp nhận, ép buộc sống chung trong đau khổ. Chính từ đây, luật pháp Việt Nam đã đưa ra quy định cụ thể để xử phạt những người đang cướp đi tự do trong hôn nhân của người khác.
Trong danh sách 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình thì tội đầu tiên được nhắc đến là việc cản trở hoặc cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn. Cụ thể, luật nêu rõ việc kết hôn hay ly hôn phải nằm trên sự tự nguyện của mỗi người, cấm con người vi phạm nguyên tắc này bằng các hành động như hành hạ, uy hiếp, đưa ra yêu sách hay ngược đãi người khác bằng những thủ đoạn tinh vi. Và nếu ai vi phạm tội phá hoại hạnh phúc gia đình này thì sẽ bị xử phạt ở nhiều mức, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng hơn sẽ cảnh cáo hoặc có thể phạt tù bằng cải tạo, và mức cao nhất là giam giữ từ 3 tháng đến 3 năm.
2. Ngoại tình là tội phá hoại hạnh phúc gia đình có thể bị phạt tù
Ngoại tình, chuyện rất quen và rất cũ. Nhưng phạt tù kẻ ngoại tình thì lại là chuyện rất mới. Ít ra là mới trong suy nghĩ của nhiều người, bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn nghĩ rằng ngoại tình dẫn đến hậu quả… đánh ghen chứ không phải đi tù. Điều này hoàn toàn sai, vì hiện nay trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ có 2 trường hợp khiến người ngoại tình phải đi tù.
- Với những người đã có gia đình mà vẫn đi kết hôn hoặc chung sống với người khác như hai vợ chồng.
- Với người chưa có gia đình nhưng lại đi kết hôn, hoặc chung sống với người mà đã có gia đình.
Nếu một trong hai trường hợp này mà dẫn đến hậu quả là gia đình chia rẽ, ly hôn thì sẽ bị xử phạt hành chính. Sau đó, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị phát mức cảnh cáo, hoặc nặng hơn sẽ phạt bằng hình thức cải tạo không giam giữ 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Ở một mức cao hơn, nếu thuộc trường hợp người ngoại tình khiến cho vợ, chồng, con của người khác phải tự sát trong khi đã có quyết định cấm chung sống như vợ chồng từ tòa án, thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bạn thấy đấy, ngoại tình cũng là một tội mà bấy lâu nay chúng ta chỉ lo luận bàn, thương cảm, phẫn nộ nhưng có lẽ rất hiếm khi luận bàn theo góc nhìn có tính nghiêm mình từ pháp luật. Vì vậy, nếu bạn có thể đang vướng vào một chuyện tình tay ba, có dính líu đến những người có gia đình, hay bạn chuẩn bị kết hôn hoặc đang sống đời sống hôn nhân hãy có cái nhìn thật tỉnh táo về điều này nhé. Nguyên tắc duy trì hạnh phúc gia đình cũng chính nhờ sự tỉnh táo rất cần này.
3. Tảo hôn cũng là một tội phá hoại hạnh phúc gia đình
Theo luật pháp nhà nước Việt Nam thì nam giới phải đủ 20 tuổi, nữ giới đủ 18 tuổi trở lên thì mới được phép kết hôn. Nếu kết hôn trước hai tuổi trên thì vi phạm pháp luật, gọi là tảo hôn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người vẫn cố lách qua quy định này bằng các hình thức khác nhau. Để ngăn chặn tình trạng “cưới chưa đủ tuổi” pháp luật Việt Nam đã quy định chi tiết hơn trong Bộ Luật hình sự năm 2015.
Điều này được xem là một trong 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình mà có thể bị xử phạt từ hành chính cho đến phạt cải tạo. Cụ thể, những người đứng ra tổ chức việc tảo hôn lần đầu sẽ bị xử phạt hành chính, nếu còn tái phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, hoặc nặng hơn sẽ phạt cải tạo nhưng không giam giữ trong 2 năm.
4. Trong 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình có tội loạn luân
Ai cũng biết rõ loạn luân sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc như thế nào. Thế nhưng, do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết lẫn sự răn đe cần thiết mà trên thực tế vẫn xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến loạn luân. Để hạn chế những nỗi đau không đáng có đó, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định rất cụ thể về tội phá hoại gia đình này.
Loạn luân là một trong những tội có mức phạt cao nhất trong 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình. Cụ thể, với hành vi này Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định mức phạt tù từ 1 đến 5 năm.
5. Trong danh sách 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình có mức phạt dành cho tội ngược đãi người thân
Con đánh cha mẹ, anh chị em hành hạ nhau, cháu chửi mắng ông bà - những câu chuyện quá đau lòng này vẫn xảy ra mỗi ngày trong đời sống. Vậy làm thế nào để có thể giảm thiếu những hành vi ngược đãi người thân? Câu trả lời cần đưa vào luật để răn đe những đối tượng khi cần thiết.
Cụ thể luật ghi rõ các hành vi hành hạ về thể xác lẫn tinh thần các thành viên trong gia đình như ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt hoặc với những người có công dưỡng dục đều bị xử phạt thích đáng từ mức phạt hành chính cho đến cảnh cáo hoặc các hình thức xử phạt cao hơn là cải tạo, phạt tù mức cao nhất từ 6 tháng đến 3 năm.
Về tội danh này, Bộ luật Hình sự cũng ghi rõ một số trường hợp phạm tội ngược đãi nhưng sẽ được giảm nhẹ hơn xuống mức phạt tù từ 2 đến 5 năm. Những trường hợp này gồm người phạm tội dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người già sức khỏe yếu, người khuyết tật nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
6. Trốn tránh cấp dưỡng sẽ bị phạt tù cao nhất là 2 năm
Chồng không chịu cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn vợ, con cái không chịu cấp dưỡng nuôi bố mẹ dù đã có quyết định từ tòa án - đây là một thực tế đang diễn ra hằng ngày ở nước ta. Điều này phản ánh thực tế nhiều người vẫn nghĩ chuyện cấp dưỡng là có thể “từ chối”, “trốn tránh”, tuy nhiên luật pháp Việt Nam đã quy định rất chi tiết.
Những người mà có quyết định của tòa án phải cấp dưỡng cho người khác thì phải thực hiện quyết định này. Trong trường hợp người phải cấp dưỡng tìm cách từ chối, trốn tránh nghĩa vụ, khiến cho người được cấp dưỡng bị ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc nặng nhất là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
7. Trong 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình cần chú ý tội mang thai hộ vì thương mai
Luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng không cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại. Do đó, Bộ luật Hình sự nước ta quy định những ai mang thai hoặc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có các mức phạt khác như cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ở mức độ cao hơn, với những người phạm tội hai lần, hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức nào đó để tái vi phạm thì bị xử phạt tù 1 đến 5 năm.
Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về 7 tội phá hoại hạnh phúc gia đình. Những điều trong Bộ luật Hình sự này được ghi rõ, chi tiết hơn nên dễ dàng áp dụng vào cuộc hiện nay hơn. Do đó, Chuyên mục Chuyện gia đình của Yeutre.vn cho rằng, với tất cả chúng ta trước hết cần phải tìm hiểu và sẵn sàng cho tâm thế thượng tôn pháp luật, tránh tình trạng không biết rõ dẫn đến việc phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
Đức Lộc tổng hợp