Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Cửa mới... hé!

Một trong những điểm mới và khá táo bạo của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

banner ads

Trước thềm luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2015), nhiều người trong cuộc đã gửi đến Báo Phụ Nữ những nỗi niềm băn khoăn, trăn trở; mong chờ, hy vọng lẫn yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ thông tin. Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ được chấp nhận cho mang thai hộ sẽ rất hạn chế so với nhu cầu bởi cánh cửa pháp lý quá hẹp.

6593-5-1.jpg

Điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh minh họa

Thận trọng quá mức?

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có nhiều bước tiến nhưng vẫn “bó tay” với những trường hợp phụ nữ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân: không có tử cung, cơ thể mắc nhiều chứng bệnh mà nếu mang thai có thể bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc đe dọa tính mạng, nạo phá thai - sẩy thai nhiều lần… Luật đã mở ra một cơ hội mới cho các cặp vợ chồng: trường hợp người vợ không thể mang thai thì họ vẫn thực hiện được thiên chức thiêng liêng, có được đứa con mang cốt nhục của chính mình.

Tuy trên thực tế nhu cầu nhờ mang thai hộ (MTH) là không nhỏ, nhưng theo tiên lượng của ThS-BS Hồ Mạnh Tường (Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - Hosrem), trong năm đầu tiên khi áp dụng luật, số ca MTH được thực hiện thành công trên cả nước sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có được đứa bé chào đời nhờ kỹ thuật MTH, cặp vợ chồng phải vượt rất nhiều ải. Nhiều người có nhu cầu sẽ bị loại từ “vòng gửi xe” vì không đủ điều kiện theo quy định của luật (điều 95); nhiều người sẽ bỏ cuộc nửa chừng trước thử thách quá lớn về tiền bạc, công sức, tâm lý, sự đồng lòng, kiên nhẫn; hoặc thực hiện nhưng thất bại…

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết, trong việc MTH, kỹ thuật y tế rất đơn giản nhưng lại khá phức tạp về mặt xã hội - pháp lý. Trong lịch sử y học, chưa bao giờ có một kỹ thuật mà trước khi thực hiện lại cần chữ ký của nhiều người, nhiều ban bệ đến thế (tối thiểu năm chữ ký). Một kỹ thuật xuất hiện và được áp dụng để đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người nhưng sự thận trọng quá mức của nhà làm luật dễ khiến nhiều người vỡ mộng. Sự thận trọng này là do sức ép của dư luận xã hội, lo ngại việc luật tiếp tay cho nạn buôn bán trẻ em, cho những người phụ nữ muốn có con nhưng ngại mang thai và những người sẵn sàng cho thuê… bụng để trục lợi.

Đừng bỏ quên chúng tôi!

Là người muốn nhờ MTH nhưng có nguy cơ bị loại từ đầu, chị Thúy Hồng (Q.Bình Thạnh) gửi đến Báo Phụ Nữ lá thư đẫm nước mắt: “Nghe luật mới cho phép MTH, vợ chồng tôi mừng đến phát khóc. Nhưng, tìm hiểu thì thấy thất vọng vì vợ chồng tôi đã có con chung - một bé gái tám tuổi bị bại não, không biết tự ăn uống, đi vệ sinh, chỉ nằm oặt ẹo trên giường. Tôi không may bị u xơ tử cung mà lại có đến ba khối u, vài lần liều mang thai nhưng thai cứ bị chết lưu, may mà còn cứu kịp tôi. Hằng đêm, nằm bên con, vợ chồng tôi ngậm ngùi hỏi nhau: “Mai này mình qua đời, con sẽ sống sao đây?”.

Với một số trường hợp vướng điều kiện từ phía cặp vợ chồng nhờ MTH nói chung, trường hợp chị Hồng nói riêng, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan (giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội) phân tích: “Luật quy định, vợ chồng nhờ MTH phải đang không có con chung, điều kiện này dẫn đến cách hiểu rằng nếu vợ, chồng đã có con riêng nhưng đang không có con chung thì vẫn thuộc trường hợp được nhờ MTH. Trong khi đó, nếu vợ chồng không có con riêng nhưng có con chung, con chung đó đã cho người khác nhận nuôi hoặc mắc những căn bệnh đặc biệt… thì không thuộc diện được nhờ MTH”.

Tiến sĩ Lan góp ý, nên chăng, việc xây dựng các văn bản dưới luật cần đưa ra các trường hợp ngoại lệ khi một cặp vợ chồng không có con riêng, có một con chung mà người con đó bị mắc một số bệnh nhất định, người vợ rơi vào trường hợp không thể mang thai thì họ cũng được nhờ người khác MTH. Việc này không gây ảnh hưởng gì đến quyền lợi của đứa con chung bị mắc bệnh, mà ngược lại, có thể tạo ra động lực mạnh mẽ cho cặp vợ chồng đương đầu với cuộc sống, thậm chí có thể cứu vãn được nhiều quan hệ hôn nhân đang bên bờ vực thẳm.

Dù hy vọng mong manh nhưng vợ chồng chị Thúy Hồng cũng quyết theo đuổi. Chị không đành lòng bỏ cuộc khi các điều kiện còn lại đã sẵn sàng: có điều kiện kinh tế, em gái ruột đã chấp nhận MTH. Chị Hồng tha thiết: “Pháp luật điều chỉnh toàn xã hội nhưng đừng bỏ quên những người bất hạnh như chúng tôi. Chúng tôi muốn có thêm con cũng vì mục đích nhân đạo và hoàn toàn chính đáng. Không phải vì có thêm đứa con lành lặn mà chúng tôi lại hắt hủi, bỏ rơi đứa con khuyết tật. Ngược lại, chúng tôi “kiếm em” cho cháu lớn để cháu không phải đơn độc, bơ vơ trong cuộc sống, không trở thành gánh nặng của xã hội. Ai thương và lo cho cháu bằng em ruột của cháu?”.

Tắc… bụng

Trường hợp của vợ chồng chị Hoàng Yên (41 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) lại vướng ở chiều ngược lại, không biết “nhờ bụng” của ai. Chị Yên không thể mang thai vì niêm mạc tử cung mỏng. Vợ chồng chị thèm tiếng khóc trẻ thơ nhưng bốn năm chạy chữa khắp nơi xem chừng đã tuyệt vọng. Mẹ chồng “thèm cháu” cứ hối thúc chị, có khi còn xúi con trai "ra ngoài kiếm". Chồng chị dù thương vợ nhưng nhiều lúc cũng buồn chán, ức chế. Cơ hội làm mẹ cuối cùng và cũng là chiếc phao neo giữ hạnh phúc gia đình chị là nhờ người MTH. Một người em kết nghĩa, cũng là bạn thân thiết từ thuở nhỏ của chị tình nguyện giúp.

Ngặt nỗi pháp luật quy định người MTH phải là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc chồng nhờ MTH. Gia đình chị lại neo người, chỉ có chị ruột bị bệnh tâm thần, chị họ đã già yếu, em gái họ sống độc thân và lại chơi hàng “đá”. Chị băn khoăn: Dù không ruột rà máu mủ nhưng cô em kết nghĩa luôn yêu thương, chia bùi sẻ ngọt, hoạn nạn có nhau, người này có vị trí rất quan trọng đối với cuộc sống của người kia thì có được xem là người thân thích? “Tại sao những người phụ nữ vô sinh đã thiệt thòi lại không được trợ giúp, họ phải dành cả đời để khát khao một điều mặc nhiên có ở những người khác? Thật không thể cam lòng hy sinh thiên chức làm mẹ chỉ vì cách định nghĩa bó hẹp về ba chữ người thân thích” - chị Yên bức xúc.

Điều kiện khá khắt khe đối với người MTH nhằm đảm bảo cho tính nhân đạo được thực hiện một cách nghiêm túc nhất nhưng cũng dẫn đến quyền được làm cha mẹ của cặp vợ chồng vô sinh bị bó hẹp. Với chính sách kế hoạch hóa gia đình trước nay, trong nhiều trường hợp, cặp vợ chồng vô sinh không có chị em gái ruột và chị em gái họ để nhờ MTH. Hơn nữa, người MTH phải đáp ứng điều kiện đã từng sinh con, đủ sức khỏe… và nếu người MTH có chồng thì việc MTH còn phụ thuộc vào ý chí của người chồng. Với quan điểm sống truyền thống và tâm lý chung của các gia đình Việt Nam hiện nay, đây là một rào cản lớn cho những cặp vợ chồng mong con.

Thực tế, việc người nhờ MTH có thể đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

Thận trọng nhưng phải linh hoạt, đảm bảo tính nhân văn

Trái với nhận định “cánh cửa hẹp” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan hay Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến (Phó cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp) lại khẳng định: “Sự thận trọng, dè dặt trong thời gian này là phù hợp và cần thiết vì vấn đề MTH còn quá mới ở nước ta. Quy định chặt chẽ tránh việc bị lạm dụng, lợi dụng, thương mại hóa hay tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, pháp luật không quá cứng nhắc mà có thể linh hoạt, uyển chuyển. Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo thông tư hướng dẫn cụ thể các trường hợp.

Đối với trường hợp cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị bại não, không có tương lai thì vẫn còn khả năng được xem xét việc MTH, đảm bảo tính nhân văn của điều luật này. Cùng với đó là những tình huống khác, chẳng hạn bạn bè có thể nhờ MTH được hay không, trường hợp nào không cần có chữ ký của chồng người MTH trong cam kết… tất cả có thể được đặt ra với tính chất khuyến cáo, đề xuất, góp ý xây dựng hành lang pháp lý. Sự dè dặt của các quy định về MTH là cần thiết nhưng chỉ nên tồn tại trong một thời gian nhất định. Qua thực tiễn, những bất cập khi thực thi, sẽ có những bổ sung, điều chỉnh các quy định ở thời điểm phù hợp, tạo hạnh phúc thực sự cho các gia đình”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan chia sẻ thêm, pháp luật cần dự liệu những hệ quả có thể xảy ra trên thực tế. Người nhờ MTH có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, phải gánh chịu những tổn hại trước sự uy hiếp của người MTH vì nhiều mục đích khác nhau. Thậm chí, vì sự an toàn của đứa con tương lai, họ có thể bị phụ thuộc hoàn toàn vào người MTH hoặc những người liên quan. Người MTH có thể phải đối mặt với nguy cơ người nhờ MTH bỏ đứa con từ trước hoặc sau khi sinh do hôn nhân của họ rơi vào tình trạng trầm trọng, ly hôn, hoặc khi họ chết. Nhà nước và xã hội có thể phải gánh chịu thêm trách nhiệm đối với những đứa trẻ vô thừa nhận. Cũng có thể xảy ra trường hợp bên MTH không tuân thủ quy định về thăm khám định kỳ.

Nếu khi sàng lọc trước sinh, thai nhi có vấn đề bất thường và cơ sở y tế chỉ định phải đình chỉ thai kỳ, bên nhờ MTH đồng ý nhưng bà bầu lại muốn giữ thai thì giải quyết như thế nào? Nếu văn bản thỏa thuận của hai bên bị coi là vô hiệu thì giải quyết hậu quả ra sao, đặc biệt là đối với đứa trẻ? Với hàng loạt những vấn đề có thể phát sinh, các văn bản dưới luật cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết để việc thực thi thông suốt, dễ dàng. Bên cạnh đó, công tác tư vấn luật, y tế, tâm lý phải tiến hành đầy đủ, kỹ lưỡng, rõ ràng và chi tiết để các bên hình dung hết những vấn đề có thể xảy ra.

Theo PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI