Làm bạn cùng con trai, được con trai tâm sự mọi điều là mong ước của mọi người cha. Đây cũng là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất giúp người cha nuôi dạy con mình nên người ngay từ độ tuổi bắt đầu có nhận thức về cuộc sống, 12 - 18 tuổi.
1. Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Cha hãy đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề
Điều này có nghĩa người cha nên tự hạ mình hoặc phải nâng con lên để cha và con có thể gần gũi, thoải mái trò chuyện với nhau. Người cha không nên nhìn xuống con trai theo đường chéo với kiểu người lớn - con nhỏ. Đây là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để nói chuyện với con, bởi ba con có hợp phong cách thì mới có thể “chơi” với nhau được. Tất nhiên, đặt ngang bằng không có nghĩa là “cá mè một lứa”, mà ở đây chính là bạn đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
2. Không chỉ trích, la mắng con
Trong cuộc sống, trước một việc gì đó mà con trai làm sai, người cha thường mô tả, chỉ trích, bình luận, nhận định mà ít đưa ra giải pháp, chia sẻ cùng con. Điều này không mang lại lợi ích nào cho con trẻ, chưa kể sẽ còn khiến con trai tách xa ba mình hơn. Thay vì chê con học dốt thế, điểm kém, bạn nên nghĩ ra giải pháp giúp con điểm cao hơn, học khá hơn.
3. Đôi khi cũng nên giả vờ “ngu ngơ”
Để chơi được với con, đôi khi người cha cũng nên giả vờ “ngu ngơ”, coi mình không biết. Nếu muốn khai thác một thông tin nào đó từ con trai, tại sao bạn không giả vờ như mình như chưa biết gì: “Con trai ơi, chỉ cho bố chơi game này đi”, đảm bảo bé nhà bạn sẽ rất hào hứng chia sẻ cùng bạn. Thử nghĩ, nếu muốn chơi với con mà lúc nào bạn cũng khiến con bị lép vế, thì con có thích không?
4. Dành thời gian chơi với con
Khác với mẹ, người cha thường có vẻ xa cách, lạnh lùng trước con cái. Điều này càng khiến người cha khó thân thiết với con trai. Vì vậy, người cha dù bận rộn thế nào cũng nên thường xuyên dành thời gian vui chơi, trò chuyện với con. Không chỉ là dạy con học bài, cùng con ngồi ăn, xem ti vi…, người cha còn phải đưa con đi chơi, chịu khó tìm hiểu con để gợi mở những câu chuyện mà con quan tâm, giúp con giải quyết.
5. Biết lắng nghe con
Hãy lắng nghe con để con thấy mình được tôn trọng
Khi người cha có một cuộc trò chuyện với con trai, hãy chắc chắn rằng bạn không buộc tội và áp đặt con. Hãy để cho con “thẩm thấu” những gì bạn nói và trình bày ý kiến của mình. Đừng vội ngồi xuống và bắt đầu giáo huấn con về những điều nhỏ nhặt. Vì có thể có những điều mà thậm chí một người từng trải như bạn cũng không thể có cảm xúc chính xác như con nhỏ. Khi con trai cảm thấy mình được ba tôn trọng, lắng nghe, chúng sẽ càng thích nói chuyện với ba mình hơn và sẽ ngày càng gắn bó.
6. Tạo ký ức đẹp cho con
Phần lớn người cha đều cố căng mình làm việc và tiết kiệm nhằm để lại tài sản, ép con học hành để sau này con có thể thành công, nhất là con trai mà quên mất việc cho con những ký ức đẹp. Thường những trẻ có ký ức đẹp sau này sẽ sống tình cảm và nhân hậu hơn, kể cả con trai. Người cha muốn tạo ký ức đẹp với con cần phải sống mẫu mực, không rượu chè cờ bạc. Đây cũng là các để con trai cảm thấy gần gũi, thân thiết với ba mà không phải là cảm giác lo sợ, né tránh ba mình.
Yeutre.vn