4 bước dạy con xử lý mâu thuẫn cá nhân hiệu quả

(Yeutre.vn) Hàng ngày chơi với nhau, trẻ rất khó tránh khỏi những lúc tranh cãi, thậm chí đòi… đánh nhau. Ba mẹ cần học cách giúp trẻ vượt qua khi giữa chúng không may xảy ra “chiến tranh giữa các vì sao”!

banner ads

7355-yeutrevn-danh-nhau.jpg

Khi chiến tranh xảy ra giữa những đứa trẻ, ba mẹ nên bình tĩnh giúp trẻ giải quyết

7 nguyên nhân thường gặp khiến trẻ xung đột với nhau

- Mâu thuẫn lợi ích như giành đồ chơi, bánh kẹo.

- Bất hòa và đối lập về tình cảm, hành động.

- “Đụng độ” về tính cách.

- Khác biệt về suy nghĩ, thói quen, thái độ.

- Không thích nhau.

- Có thể mâu thuẫn khi ganh đua một chức vụ hay quyền lợi gì đó.

- Giao tiếp không hiệu quả.

Với những xung đột, mâu thuẫn nhẹ của trẻ, ba mẹ có thể làm ngơ, để trẻ tự giải quyết. Đó cũng là một cơ hội đề trẻ học được kinh nghiệm hay về cách giải quyết mâu thuẫn. Ngược lại, khi trẻ xung đột ở mức độ căng thẳng, ba mẹ cần can thiệp để giúp trẻ hoà giải trên tinh thần tôn trọng, hiểu vấn đề của trẻ, giúp trẻ xác lập quan điểm để có thể tự giải quyết.

4 bước giúp trẻ xử lý xung đột

Ra quyết định “đình chiến”

Thông thường các xung đột của trẻ khó có thể giải quyết được ngay, dù mâu thuẫn nhỏ. Tuy nhiên trẻ lại chưa có khả năng tuyên bố và thuyết phục đối phương “đình chiến”. Vì vậy trẻ cần ba mẹ giúp trẻ chấm dứt ngay xung đột và đưa ra các yêu cầu đối với các bên, thông báo thời hạn giải quyết.

Tìm hiểu thông tin liên quan

Trong quá trình đứng ra làm trọng tài giữa các trẻ, ba mẹ cần:

- Lắng nghe hai bên trình bày quan điểm

- Đặt câu hỏi: Tại sao anh/chị/em/bạn con lại có quan điểm như vậy?

- Hãy xem xét kỹ lợi ích của cả hai bên trong “vụ xung đột”.

- Gợi mở cho trẻ đánh giá về bên kia như thế nào, tìm ra lý do có thể giải thích được vì sao trẻ lại có sự đánh giá như vậy.

Tìm gốc rễ của vấn đề

Trò chuyện nhiều hơn, tỉ tê tâm sự với trẻ để tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi vì sao, giúp trẻ đi đến tận cùng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó giúp trẻ tự phát hiện cách giải quyết phù hợp.

7356-yeutrevn-tre-danh-nhau.jpg

Trường hợp trẻ ẩu đả nhau, ba mẹ nên tách chúng ra rồi trò chuyện với từng trẻ

Lựa chọn chiến lược giải quyết xung đột

Ở bước này, ba mẹ cần cùng con lựa chọn một chiến lược phù hợp, với ba hướng: Chiến lược thắng – thua; Chiến lược thua – thua; Chiến lược thắng - thắng. Và thượng sách rõ ràng nên là thắng - thắng, tức làm thế nào giải quyết mâu thuẫn, xóa đi mối xung đột, khắc phục hậu quả mà hai bên đều cảm thấy hài lòng, không bị tổn thương. Muốn giúp con trẻ, cùng con chọn chiến lược này, ba mẹ phải đảm bảo các bước trên, phải hiểu đúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con.

Với những trường hợp khi trẻ ẩu đả nhau thì ba mẹ nên tách trẻ ra rồi trò chuyện với từng trẻ giúp chúng lấy lại bình tĩnh và hiểu ra sự việc.

Công thức vàng cho ba mẹ

Khi cùng con đứng trước những xung đột cần giải quyết, dưới đây là công thức vàng cho ba mẹ:

Quan tâm + trầm tĩnh + kiên nhẫn + tôn trọng.

Để mắt đến con nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ để kịp thời nhận ra những chuyển biến tâm lý của trẻ. Có thái độ bình tĩnh, không gấp gáp truy vấn trẻ, không chủ quan, không nóng vội đưa ra những cách giải quyết, những hình phạt khi chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Chịu khó kiên trì khai thác thông tin, kiên nhẫn với những thái độ nhất thời của con, có thể nhờ quyền trợ giúp từ những người trẻ yêu mến.

Thừa nhận trẻ là một chủ thể trong mối quan hệ, trẻ phải tự mình chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra và cách giải quyết sắp tới, vì vậy cần tôn trọng quan điểm, nhận định, đánh giá của trẻ, không áp đặt và không gây áp lực cho trẻ.

Mẹo giúp ba mẹ ngăn chặn xung đột giữa các trẻ

- Thiết lập những giá trị và quy tắc trong gia đình hay trong nhóm bạn thân của trẻ: Không chấp nhận sự bắt nạt.

- Bản thân ba mẹ cũng không có những hành xử hung hăng, côn đồ, đặc biệt là trước mặt bọn trẻ.

- Đánh giá cao những biểu hiện tích cực và lòng tốt giữa các anh chị em/bạn bè của trẻ.

- Ghi nhận và khen ngợi những đặc điểm cá nhân của mỗi trẻ.

- Không thể hiện thái độ thiên vị hay phân biệt yêu quý giữa các trẻ

- Cho trẻ thời gian “nghỉ giải lao” trong các cuộc xung đột để xoa dịu tình huống.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI