1. Lựa chọn củ ba kích và loại rượu để ngâm
- Hiện nay, trên thị trường có 3 loại ba kích chính là ba kích tự trồng, ba kích rừng và ba kích phơi khô. Để phân biệt, mọi người nhận dạng ba kích rừng thường nhỏ hơn so với ba kích tự trồng, có lớp vỏ sần sùi, nhiều hốc nhỏ và rất hiếm nên được nhiều người săn đón.
- Nếu là ba kích tự trồng, bạn nên chọn củ to bằng ngón tay trỏ dài, mịn, có màu sắc hơi trắng sáng. Tránh mua củ ba kích to bằng ngón tay cái, có chút gân, màu ngả vàng vì có thể đã bị bơm thuốc.
- Liên quan đến củ ba kích phơi khô, hHiện nay, đa phần củ ba kích phơi khô đều được sơ chế bằng cách hấp cách thủy rồi bóc lõi. Việc làm này khiến các chất có dược tính bị mất đi. Do đó, nếu lựa chọn loại sản phẩm này để ngâm thì tốt nhất là nên mua ở các đơn vị sơ chế bằng tay và sấy bằng máy sấy dược liệu.
- Rượu để ngâm ba kích phải là loại có nồng độ từ 40 - 45 độ. Tốt nhất là nên chọn rượu nếp để thành phẩm có mùi thơm và đạt chất lượng hơn. Bên cạnh đó, bạn chuẩn bị thêm chum sành hoặc bình thủy tinh để ngâm rượu.
2. Cách ngâm củ ba kích
2.1 Cách ngâm củ ba kích tươi
- Bạn đem củ ba kích ngâm với nước trong một khoảng thời gian nhất định để trôi hết phần đất bám, rửa sạch, vớt ra rổ, để ráo nước, dùng tay rút bỏ hết lõi, chỉ lấy phần thịt.
- Sau đó, bạn cho ba kích vào bình ngâm, thêm một thìa muối nhỏ, đổ rượu lên sao cho ngập mặt củ ba kích với tỷ lệ cứ 1kg ba kích thì dùng khoảng từ 3 - 4 lít rượu.
- Tiếp theo, bạn đậy kín nắp, ngâm khoảng 20 ngày thì dùng đũa gỗ khuấy đều, đậy kín lại, ngâm thêm 2 tháng nữa là sử dụng được.
- Sau 20 ngày, rượu sẽ dần chuyển sang màu tím nhạt và sau 30 ngày thì chuyển hẳn sang màu tím đậm với mùi thơm dễ chịu, vị thanh ngọt.
2.2 Cách ngâm củ ba kích khô
- Bạn bắc một cái chảo lên bếp, bật lửa nhỏ rồi đổ ba kích vào, sao đều trong khoảng 15 phút, tắt bếp và để nguội.
- Bình ngâm được rửa sạch, phơi khô, cho ba kích đã sao vào, đổ rượu vào với tỷ lệ 1kg ba kích khô thì dùng khoảng từ 8 - 9 lít rượu.
- Bạn đậy kín nắp bình, ngâm trong thời gian trên 3 tháng là có thể sử dụng được. Việc ngâm rượu càng lâu sẽ cho ra thành phẩm càng thơm ngon.
- Rượu ba kích khô khi ngâm không có màu tím mà mang màu trắng của rượu nếp nhưng hơi đục.
2.3 Cách ngâm củ ba kích theo phương pháp Đông Y
- Ba kích tươi rửa sạch, để ráo, dùng dao thái thành từng khúc có độ dài từ 4 - 5cm. Sau đó, bạn cho ba kích lên thớt, dùng chày đập một lực vừa đủ sao cho ba kích hơi dập, không nát.
- Bạn đem phơi củ ba kích dưới nắng khoảng 5 - 6 tiếng, dùng tay tút phần lõi bên trong ra, chỉ lấy phần thịt. Tiếp theo, ba kích được cho vào bình ngâm đã làm sạch và khô, đổ rượu vào ngâm khoảng 3 tháng là có thể sử dụng được.
3. Cách sử dụng rượu ba kích
- Bạn uống mỗi lần một ly rượu nhỏ, ngày uống 2 lần. Lưu ý là không được dùng quá nhiều, chỉ khoảng 100 - 150ml/ngày.
- Những người mới lần đầu uống rượu ba kích thì sẽ cảm thấy hơi khó uống. Lúc này, bạn có thể cho thêm 1 - 2 chén mật ong nhỏ vào bình rượu ngâm để dễ uống hơn.
4. Tác dụng của rượu ba kích
- Đối với đàn ông, rượu ba kích có tác dụng bổ thận, tráng dương, kiện gân cốt và làm giảm đau lưng do phong hàn. Đối với phụ nữ, loại rượu này có tác dụng trị chứng kinh nguyệt không đều, tử cung bị lạnh.
- Đối với người lớn tuổi, rượu ba kích có tác dụng trị chứng tiểu tiện nhiều lần do thận khí hư và chân tay yếu mỏi, tê cứng. Ngoài ra, rượu ba kích còn có nhiều công dụng khác như trị bệnh huyết áp cao, chân tay lạnh, bệnh phong thấp...
Với 3 cách ngâm củ ba kích đơn giản trên, bạn có thể mua ngay ba kích về để ngâm rượu. Ba kích ngâm rượu không chỉ có mùi thơm, vị ngọt thanh mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, cả phụ nữ và đàn ông, lẫn người lớn tuổi đều có thể dùng được.
Hà Vy tổng hợp