Khắc phục tình trạng ho khò khè, khó thở do đờm gây ra bằng 3 cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh này sẽ làm tan biến nỗi lo lắng của các bà mẹ. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, việc nắm sơ qua tình trạng bị đờm của trẻ như thế nào cũng khá cần thiết.
1. Nguyên nhân gây ra đờm ở trẻ sơ sinh là gì?
Trước hết chúng ta hãy xem xét và tìm hiểu nguyên nhân gây ra đờm chủ yếu xuất phát từ đâu. Thông thường, trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, rất dễ bị ốm và mắc các bệnh cảm cúm, gây ra dịch nhầy trong cổ họng. Tuy nhiên, vì còn quá nhỏ và khi ho trẻ không có đủ lực để đẩy đờm ra ngoài nên thường có đờm trong mũi hoặc trong họng.
Việc bị đờm lâu ngày không khỏi rất dễ dẫn đến trẻ quấy khóc, khó thở, biếng ăn và mệt mỏi. Thậm chí nếu để lượng đờm quá nhiều trong cổ họng sẽ gây nôn trớ ở trẻ. Chính vì vậy, việc chữa đờm cho sẻ sơ sinh cần được thực hiện càng sớm càng tốt để hạn chế được nhiều ảnh hưởng, thậm chí hậu quả về sau.
Điều trị bằng thuốc đương nhiên không phải là phương pháp tốt nhất lúc này. Các bà mẹ nên chú ý đối với trẻ sơ sinh cơ thể còn non nớt vì thế, mẹ không nên lạm dung kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào nếu như không có chỉ định của bác sĩ.
Ngày nay, xu hướng sử dụng các loại thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian là một phương pháp khá phổ biến để trị đờm cho trẻ sơ sinh. Phương pháp này vừa hiệu quả lại vừa an toàn, không gây những phản ứng phụ và các biến chứng ngoài mong muốn. Dù có rất nhiều cách chữa hay bài thuốc dân gian để trị đờm cho trẻ, nhưng phổ biến và dễ dáp dụng hơn cả là 3 cách dưới đây.
2. 3 cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh hiệu quả theo dân gian được áp dụng phổ biến
2.1. Sử dụng lá hẹ, gừng và mật ong
Đây có thể coi là một trong những cách chữa đờm phổ biến và hữu dụng nhất được áp dụng từ lâu. Chính vì thế các mẹ cứ yên tâm áp dụng để chữa đờm cho bé yêu của mình nhé.
- Cách làm : Cách làm vô cùng đơn giản. Đầu tiên, lấy một vài lá hẹ rồi rửa sạch. Gừng rửa sạch loại bỏ hết đất và chất bẩn sau đó cắt nhỏ. Hẹ tươi và gừng được thái nhỏ đem đi hấp cách thủy chắt lấy nước cốt vào bát nhỏ. Khi đã có được nước cốt hẹ và gừng tươi rồi bạn hãy cho thêm 1- 2 thìa mật ong vào, sau đó khuấy đều.
- Cách dùng : Cho trẻ uống 2 lần 1 ngày, mỗi lần từ 1/2 -1 hoặc 1-2 thìa cà phê (tùy độ tuổi của trẻ). Duy trì sử dụng 1-2 tuần để đạt được kết quả tốt nhất. Như vậy, chỉ với các nguyên liệu đơn giản và vài bước thực hiện là bạn có thể giúp bé tiêu đờm một cách dễ dàng.
- Lưu ý : Để an toàn cho trẻ thì mẹ chỉ nên áp dụng bài thuốc dân gian này cho trẻ trên 6 tháng tuổi, tốt nhất là từ 1 tuổi, thậm chí là từ 2 tuổi. Khi cho trẻ uống nếu có bất cứ biểu hiện nào phản ứng lại với bài thuốc này, mẹ cần ngưng ngay và đưa bé đi bác sỹ nhé.
2.2. Dùng tinh dầu tràm
Đây cũng là một nguyên liệu tự nhiên mà khá nhiều mẹ tin dùng. Được chiết xuất từ cây tràm gió, tinh dầu tràm được sử dụng với rất nhiều mục đích từ làm đẹp cho chị em phụ nữ đến chữa trị một số triệu chứng như đau đầu, sổ mũi, ho. Đặc biệt, đây là một sản phẩm quen thuộc đối với trẻ em và bà bầu vì có nhiều tác dụng tích cực.
Có vô vàn cách để các mẹ có thể dùng tinh dầu tràm để chữa đờm cho trẻ sơ sinh . Cách tiện dụng nhất là nhỏ một vài giọt tinh dầu tràm lên trên khăn yếm của bé rồi đeo vào cổ. Bằng cách này, các phân tử tinh dầu tràm sẽ đi vào trong mũi trẻ một cách nhanh nhất. Việc này sẽ khiến cho bé cảm thấy dễ chịu và đờm cũng sẽ dần biến mất.
Hoặc các bà mẹ có thể nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào nước tắm cho bé. Đặt bé ngâm mình trong nước ấm với tinh dầu tràm là một phương pháp tốt để khuếch tán mùi hương của tinh dầu tràm.
Dùng tinh dầu tràm để trị đờm theo cách này áp dụng được cho các bé kể cả dưới 6 tháng tuổi.
2.3. Phương pháp “vỗ rung long đờm”
Một trong những cách có thể trị đờm cho bé được các bác sĩ và y tá sử dụng là “vỗ rung long đờm”, đây là phương pháp vật lý trị liệu đem lại kết quả nhanh chóng, áp dụng được cho các bé dưới 1 tuổi. Tuy nhiên phụ huynh không nên tự thực hiện phương pháp này tại nhà nếu không hiểu rõ cách thực hiện hoặc nếu không có sự giám sát, hướng dẫn của các bác sĩ hay chuyên viên y tế.
Trên đây là những cách để trị đờm cho trẻ sơ sinh hiệu quả các mẹ nên biết. Ngoài ra, để hạn chế đờm, với các bé dưới 6 tháng mẹ nên cho be bú nhiều hơn. Còn, với bé trên 6 tháng đã ăn dặm, các mẹ nên cho trẻ uống nước ấm nhiều hơn đồng thời hạn chế các loại thức ăn có thể gây ra nhiều đờm nhớt hơn ở cổ họng của trẻ như sữa chua, pho mát, bơ…
Qua 3 cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh mà Chuyên mục Có con 0-12 tháng chia sẻ ở trên, hẳn các ông bố bà mẹ đã có thể bỏ túi thêm mẹo hay giúp đẩy lùi chịu chứng ho đờm hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các phương pháp trên mà trẻ vẫn khò khè, khó ngủ, sụt cân thì cần phải đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và có biện pháp điều trị thích hợp bố mẹ nhé.
Phụng Nguyễn tổng hợp