Theo Julie Burn – một chuyên gia dinh dưỡng và là mẹ của 3 đứa trẻ sinh 3 - 7 tuổi, cũng là tác giả của 15 mẹo hay mà chúng ta sắp theo dõi sau đây - thì việc làm sao để cả 3 đứa trẻ kén ăn nhà cô ăn tốt là một công việc đầy thử thách. Thậm chí, điều này còn khó hơn việc thuyết phục một cầu thủ bóng rổ cao kều, hay một hậu vệ rằng, đồ ăn vặt có hại cho anh ta (Julie là người hướng dẫn các vận động viên chuyên nghiệp của đội Chicago Bears và Chicago Bulls cách cải thiện chế độ ăn của họ).
Vấn đề đối với việc ăn uống của ba đứa trẻ nhà Julie là chúng có thói quen ăn uống rất khác nhau. Trong khi Kathleen bị dị ứng nặng (đến mức độ đe dọa tính mạng) đối với trứng, đậu phộng và hạt cây, thì Julia không ăn trái cây tươi; một điều may mắn là cậu con trai Marty lại có thể thử bất cứ loại đồ ăn nào.
Các bà mẹ liên tục nói với Julie rằng, họ cảm thấy có lỗi về chế độ ăn uống của con họ, dù họ biết được tầm quan trọng của việc cho trẻ ăn những loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, nhưng họ lại không biết làm như thế nào. Ngay cả với bản thân Julie, dù có nền tảng nhất định về dinh dưỡng, cô cũng đã phải trải qua không ít thử nghiệm và sai lầm với bộ ba của mình. Dưới đây là 15 điều cô rút ra được, và chắc chắn là chúng có thể giúp bạn hướng dẫn con ăn uống tốt hơn.
1. Hãy lên lịch trình ăn uống cho con
Thông thường, trẻ cần được ăn, uống sau mỗi 3 đến 4 tiếng gồm 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ và nhiều chất lỏng. Nếu bạn lên kế hoạch cho tất cả những bữa ăn này, bạn sẽ làm cho chế độ ăn của trẻ cân bằng hơn nhiều. Bé cũng sẽ bớt cáu kỉnh hơn vì không bị đói. Khi ra ngoài, bạn có thể chuẩn bị một thùng làm mát chứa cà rốt, bánh quy, sữa chua và nước (hoặc một số loại đồ ăn nhẹ lành mạnh khác) để trẻ có thể ăn khi đói, như vậy bạn sẽ không bị phụ thuộc vào thức ăn nhanh bên ngoài.
2. Hãy lên kế hoạch cho bữa tối
Nếu việc suy nghĩ về một thực đơn cho cả tuần là quá khó khăn, bạn có thể sắp xếp thực đơn cho 2-3 ngày 1 lần. Một bữa tối ngon miệng không cần phải cầu kỳ nhưng nên cân bằng. Bạn có thể dùng: bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, gạo hoặc mì ống, một loại trái cây hoặc một loại rau, và 1 loại thực phẩm cung cấp protein như thịt nạc, phô mai hoặc đậu. Julie thường làm trước một món súp đơn giản và để đông lạnh. Đến bữa ăn, cô sẽ rã đông nó, bổ sung thêm bánh mì nguyên hạt và một bát táo hoặc dưa cắt nhỏ để hoàn thành bữa ăn.
3. Đừng cố trở thành một đầu bếp ngắn hạn
Hãy chuẩn bị bữa ăn theo kiểu gia đình để mọi thành viên đều có thể ăn được. Vì việc chuẩn bị những món ăn theo sở thích của mỗi người sẽ dễ dàng làm bạn mệt mỏi. Đơn cử như trường hợp của Julie. Có một thời gian, cô đã mắc phải một thói quen xấu đó là thường nấu gần như 2 bữa tối, một cho bọn trẻ và một cho hai vợ chồng cô. Việc đó làm Julie kiệt sức. Sau này Julie chuẩn bị bữa ăn tối chung cho mọi người, bọn trẻ có thể chọn món ăn mà chúng thích. Trẻ em thường bắt chước hành vi của cha mẹ, nên đến một ngày, chúng đã ăn hầu hết những món mà Julie nấu.
4. Hãy cố gắng “giữ im lặng”
Mặc dù việc giữ im lặng trước việc ăn uống của con cái thực sự rất khó, nhưng bạn hãy cố gắng thực hiện. Bạn hãy cố gắng không bình luận gì về những gì hoặc bao nhiêu đồ ăn con bạn đang ăn. Hãy trung lập nhất có thể. Hãy nhớ rằng, bạn đã hoàn thành công việc của bậc cha mẹ đó là chuẩn bị cho con những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, và trách nhiệm của con là ăn chúng với lựa chọn và số lượng mà trẻ muốn. Nếu bạn áp đặt trẻ (ví dụ như ra lệnh “Ăn món rau của con đi”) trẻ sẽ tỏ thái độ phản đối (mặc dù có thể không phải trẻ không muốn ăn), đó là cách bọn trẻ thường phản ứng với đồ ăn.
5. Hãy giới thiệu những loại thực phẩm mới một cách chậm rãi
Nỗi ám ảnh về “món ăn mới” được xem như phản xạ tự nhiên của hầu hết trẻ em. Vì vậy, bạn hãy giới thiệu món mới một cách chậm rãi và kiên nhẫn đến khi trẻ chấp nhận.
Julie nói với con cô ấy rằng vị giác của chúng đôi khi phải làm quen với một hương vị mới trước khi chúng thích nó. Lắm lúc, một chút ngưỡng mộ đối với thần tượng của trẻ có thể giúp con thử và thích một món mới. Marty (cậu con trai của Julie) từ chối nếm thử đậu Hà Lan, cho đến khi cô nói với cậu bé rằng Michael Jordan ăn đậu Hà Lan để được to lớn và luôn mạnh mẽ. Bây giờ thì lúc nào Marty cũng có thể ăn đậu Hà Lan.
6. Hãy thử ngâm, nhúng loại thực phẩm mà trẻ không thích trong một loại nước sốt
Nếu con bạn không chịu ăn rau, bạn hãy thử trộn chúng với gia vị và nước sốt. Đây là một cách giải quyết cực kỳ hiệu quả. Kathleen (con gái của Julie) đã ăn món rau đầu tiên khi Julie cắt mỏng cà rốt và rưới một ít nước sốt rau. Bọn trẻ nhà cô cũng thích sốt cà chua, hummus (một món ăn dạng nước sốt làm từ gà, đậu, dầu, vừng, chanh và tỏi), salsa (một loại nước sốt Mexico làm từ cà chua, hành tây, ớt và gia vị), và nước sốt sữa chua. Bạn có thể chọn một số loại nước sốt bán sẵn như Simply Heinz Ketchup.
7. Hãy chú ý đến bữa sáng
Hầu như rất nhiều người không ăn đủ chất xơ hàng ngày và bữa sáng là thời gian lý tưởng để bổ sung. Bạn có thể tìm một số loại ngũ cốc giàu chất xơ cho bữa sáng. Hoặc làm theo Julie: chuẩn bị những chiếc bánh kếp làm từ ngũ cốc nguyên hạt và bột bánh quế.
Công thức đơn giản để làm một mẻ bánh cho 5 người ăn như sau: Rây 2 chén bột mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt cùng 1/4 muỗng cà phê bột nở, ½ muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh đường. Sau đó, bạn trộn thêm 2 muỗng canh bột lanh, 2 tách nước, 3 muỗng canh dầu anola, ¼ muỗng cà phê vani và 2 muỗng canh nước cốt táo.
8. Hãy dùng sữa đậu nành
Dù con bạn không bị dị ứng sữa , thì sữa đậu nành vẫn là một nguồn tuyệt vời chứa phytochemical lành mạnh (hóa chất tự nhiên). Con bạn có thể không thích sữa đậu nành, nhưng chúng sẽ không để ý khi bạn sử dụng chúng trong một công thức nấu ăn nào đó. Julie thường dùng loại sữa đậu nành ít béo, tăng cường canxi trong món bột yến mạch, khoai tây nghiền hay nước sốt.
9. Hãy rắc một ít đường
Quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe của trẻ nói riêng và người lớn nói chung. Tuy nhiên, một chút đường để làm tăng hương vị và màu sắc cho những món ăn lành mạnh như trái cây hoặc nước ép thì có thể chấp nhận được.
Julia (con gái của Julie) ăn cà rốt nấu chín với một chút đường nâu và uống soda mận làm từ nước ép mận và một chút xá xị. Trong khi đó, Kathleen và Marty thì ăn trái cây với một ít đường rắc bên trên.
10. Hãy để trẻ tham gia việc nấu nướng
Nếu trẻ được tham gia vào việc nấu nướng, chúng sẽ hào hứng hơn trong việc thưởng thức những món ăn chúng đã góp công tạo nên. Bạn hãy cho trẻ đi cùng đến cửa hàng để lựa chọn nguyên liệu. Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể cho con cắt rau củ cho món salad đơn giản. Đối với Julia (con gái của Julie), dù không thích ăn trái cây nhưng khi cùng mẹ làm món bánh muffin chuối hoặc táo, bé luôn ăn chúng sau khi nướng xong.
11. Hãy cắt giảm tối đa các loại thức ăn kém dinh dưỡng
Bạn cần nhớ rằng chính bạn chứ không phải trẻ - là người quyết định những thực phẩm nào sẽ được tiêu thụ và dự trữ trong nhà. Vì vậy, hãy cắt giảm tối đa các loại “thực phẩm rác” (những loại thực phẩm kém dinh dưỡng nhưng lại nhiều đường, mỡ, chất béo, muối có hại cho sức khỏe) khỏi tủ đồ ăn và thực đơn của gia đình. Bằng việc loại bỏ những loại thực phẩm này, bạn “buộc” được trẻ ăn nhiều hơn những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các chế phẩm từ sữa…
12. Hãy chiêu đãi trẻ
Thỉnh thoảng cho phép trẻ được dùng một số thực phẩm ít lành mạnh, giữ nhóm thực phẩm này không bị liệt vào dạng bị “cấm cản”, như vậy trẻ sẽ không còn thấy chúng quá hấp dẫn mà tìm cách “ăn lén” hoặc ăn nhiều hơn khi không có sự giám sát của bạn nữa.
Julie thường chỉ mua những loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe như Cheerios và Raisin Bran. Nhưng cô cho phép bọn trẻ được ăn ngũ cốc có đường khi đến nhà ông bà hoặc khi cả nhà đi nghỉ. Cô cũng thường dẫn các con đến Mc Donald để ăn trưa.
13. Hãy tạo sự vui vẻ
Đồ ăn được trang trí càng sáng tạo, bữa ăn càng vui vẻ thì trẻ càng ăn được nhiều và ngon miệng hơn. Bạn hãy cố gắng “đầu tư” về mặt trình bày hoặc mô tả một cách vui nhộn, để giúp trẻ thấy vui vẻ hào hứng hơn khi ăn.
Julie và bộ ba thường tạo mặt cười cho những chiếc bánh kếp, hay đặt những cái tên ngớ ngẩn, vui nhộn cho đồ ăn. Ví dụ như bông cải xanh là “bé cây” hay “thức ăn khủng long”. Bất cứ thứ gì nhỏ nhắn cũng luôn luôn là một điều thú vị. Cô thường dùng khuôn bánh quy để cắt bánh mì thành hình ngôi sao và trái tim, và bọn trẻ rất thích.
14. Hãy làm gương cho con
Hãy xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh để làm gương cho con. Nếu bạn thường xuyên ăn kiêng hoặc ăn uống thất thường, trẻ sẽ nghĩ đó là bình thường. Hãy thành thật với con về các thông điệp, về đồ ăn mà bạn muốn gửi đi. Hãy tin tưởng vào cơ thể bạn về các tín hiệu đói và no, và trẻ sẽ học được cách thực hiện tương tự.
15. Hãy điều chỉnh thái độ của bạn
Vấn đề ăn uống của con là quan trọng, nhưng cũng có những thứ là thú vui cuộc sống mà trẻ nên được tận hưởng, ví dụ như ăn bỏng ngô khi xem phim hay thưởng thức một cây kem mát lạnh…Nếu trẻ thích nước trái cây, hãy cân nhắc lựa chọn cho con loại ít đường…
Miễn là bạn cân bằng được những thú vui đó với những lựa chọn thực phẩm thông minh và hoạt động thể chất vui chơi ngoài trời điều độ, con bạn vẫn sẽ ổn.
Qua 15 mẹo hữu ích trên, hy vọng nỗi băn khoăn "làm gì khi trẻ biếng ăn" không còn là câu hỏi khiến các bậc cha mẹ phải lao tâm khổ tứ nữa. Khi bạn kiên trì và linh động, thì chặng đường khuất phục sự biếng ăn của con sẽ đạt được kết quả tốt. Hãy cố gắng làm cho việc ăn uống trở thành niềm vui, chứ không phải là nỗi ám ảnh của con, các mẹ nhé.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch