1. Từ chối chơi với con
Ông bố tốt không từ chối chơi cùng con.
Không đứa trẻ nào không muốn được ở cùng bố mẹ. Chúng sẽ thực sự cảm thấy mình bất hạnh vô cùng khi cha chúng không tiếc thời gian cho công việc, cho những trò chơi trên smartphone nhưng lại dè sẻn thời gian để chơi cùng chúng. Hãy thực hiện trách nhiệm của một ông bố vì trên hết chúng là mục đích sau cùng của tất cả những nỗ lực mà bạn đang cố gắng.
2. Nói mà không làm
Nếu bạn không muốn các con của mình vặn vẹo “sao bố bảo con làm thế này mà bố lại làm thế khác” thì tốt nhất nên làm theo đúng những gì mình đã nói. Bạn có đáng cho con cái noi theo hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn làm và nói những gì. Đừng để đến lúc con cái trở thành bản sao méo mó của chính mình.
3. Đánh đòn
Bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ hằn sâu trong tâm trí con những ký ức ám ảnh. Hãy dẹp bỏ những chiếc roi sang một bên và bắt đầu thay đổi bản thân. Kỷ luật không phải là điều không thể nếu thiếu đi một chiếc roi. Đôi khi lời răn đe đến từ một cha đáng kính còn có sức thuyết phục gấp trăm lần so với những đòn roi của một ông bố tồi.
4. Quên những sự kiện quan trọng
Ông bố tốt không bỏ mặc con trong những sự kiện quan trọng.
Một trận bóng ra mắt, một buổi họp phụ huynh, một đêm diễn văn nghệ… đều có thể là những sự kiện đáng nhớ trong ký ức của các bé. Hơn ai hết, chúng mong muốn những người quan trọng nhất cuộc đời mình là cha, là mẹ sẽ có mặt trong những sự kiện ấy. Bạn cứ thử nghĩ lại xem mình đã thất vọng và buồn bã ra sao khi bố mẹ bạn đã từng bỏ lỡ những dịp quan trọng như thế trong đời bạn để hiểu rằng các con của bạn cũng sẽ chịu những tổn thương tương tự khi bạn bỏ mặc chúng.
5. Chỉ trích con một cách không công bằng
Bạn nóng tính phải không? Mọi người không trách cứ quá nặng nề khi bạn là đàn ông. Nhưng nếu sự nóng giận khiến bạn buông ra những lời chỉ trích bất công với các con của mình thì sao nhỉ? Đáng để trách đúng không? Sự thật, trong các lần mắng vốn của hàng xóm bởi những hành động có vẻ không đúng của các bé luôn có một nguyên nhân dẫn dắt. Tại sao bạn không thử hỏi các con xem điều gì khiến chúng hành động như thế trước khi trách phạt chúng vì những gì chúng không sai.
6. Để mối quan hệ của vợ chồng ảnh hưởng đến cách đối xử với con cái
Thật khó tránh khỏi những xung đột trong hôn nhân. Tuy nhiên, nếu là một người cha biết nghĩ cho con cái bạn nên giải quyết mọi việc thẳng thắn với chính người vợ ở một nơi chỉ có hai người thay vì để mọi chuyện phơi bày trước mặt con trẻ. Những hình ảnh đổ vỡ của bố mẹ luôn hằn những vết thương khó phai mờ trong tâm trí các bé và phần lớn sẽ ảnh hưởng đến hành vi đạo đức trong quá trình hình thành nhân cách.
7. Thể hiện sự thiếu tôn trọng
Sẽ thật dại dột khi bạn thể hiện mình là một người không biết tôn trọng người khác. Thật đơn giản vì bạn cũng sẽ được đối xử tương tự bởi chính đứa con ruột rà của mình. Hãy luôn nhớ nhân cách và hành vi của trẻ là tấm gương phản chiếu gia đình của chính nó.
8. Độc đoán
Hãy để trẻ được bộc lộ bản thân và chính bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ điều ấy.
Không phải lúc nào bạn cũng đúng. Vì thế, những suy nghĩ độc đoán và hành động khắc nghiệt sẽ khiến các con của bạn rơi vào cảm giác lạnh lẽo ngay chính mái ấm nuôi dưỡng chúng khôn lớn. Hãy để trẻ được bộc lộ bản thân theo cách của chúng dưới sự hướng dẫn của bạn để chính bạn cũng học được những bài học ở đời quý giá cho chính mình.
9. Khước từ con
Đừng bao giờ cảm thấy ngại hoặc phiền hà khi con cái gõ cửa phòng lúc bạn đang làm việc hoặc ngủ. Bạn nghĩ rằng chúng không biết điều và vô ý ư? Sự thật là đôi khi chúng vẫn hiểu bạn cần có thời gian riêng nhưng có những lúc chúng cần đến sự giúp đỡ thực sự mà chỉ có những ông bố mới có thể ra tay. Đừng để sự việc không may xảy đến khiến bạn phải ân hận.
10. Nói dối con
Lời nói dối cũng như con dao nguy hiểm làm sứt mẻ tình cảm bố con. Khi đã hứa với con điều gì hãy cố gắng thực hiện chúng. Nếu có việc đột xuất, bạn phải xin lỗi chúng và cố gắng bù đắp lại bằng những dịp thuận tiện khác. Đó là lúc mà chính bạn thực hiện trách nhiệm của một ông bố và trở nên một người đàn ông đáng kính trong mắt các con của mình.
11. Không cho con biết bạn yêu chúng
Yêu thương không chỉ còn là hành động.
Yêu thương không chỉ còn là hành động. Sẽ chẳng mất mát gì khi bạn thổ lộ với con rằng bạn yêu chúng vô cùng. Với nhiều đứa trẻ, lời nói đó được xem như tấm vé không giới hạn để rồi trong bất cứ việc gì chúng làm đều cảm thấy tự tin và vững chãi vì mình có một chỗ dựa thực sự. Ngay cả khi hôn nhân đổ vỡ, tình yêu thương ấy vẫn là một sự vỗ về vô cùng lớn lao trong biển mất mát và tổn thương không hề nhỏ.
Yeutre.vn