1. Kể truyện cổ tích cho bé là một trong những điều tuyệt vời
Như bạn cũng biết, kể truyện cổ tích cho bé nghe ngày càng được phụ huynh chú ý. Vì đây là một hoạt động tuyệt vời có nhiều tác dụng, lợi ích và ý nghĩa.
Khi chúng ta kể các câu truyện cổ tích cho bé nghe, con sẽ mở rộng trí tưởng tượng của mình. Truyện cổ tích cũng khiến cho bé phát triển hơn về nhận thức qua ý nghĩa truyện được giải thích. Nhất là khi cha mẹ có lối kể sinh động, ví von, cắt nghĩa phù hợp, trẻ học được nhiều bài học từ truyện mình đã nghe được.
Ngoài ra, kể hay đọc truyện cho bé còn là hoạt động mang tính gắn kết giữa bố mẹ và con cái. Điều này cũng rất có lợi về mặt cảm xúc của trẻ.
Liên quan đến việc kể chuyện cho bé, để điều này tăng hiệu quả và lợi ích bạn cần lưu ý các điểm sau:
1.1. Chọn thể loại truyện kể và hình thức kể cho bé
Thế giới sách truyện và truyện cổ tích cực kỳ phong phú. Do vậy, để tăng lợi ích từ hoạt động kể chuyện hay đọc sách truyện, bạn cần lưu ý chọn thể loại và hình thức phù hợp với các bé. Bé cũng hứng thú hơn và yêu thích hoạt động này hơn.
- Về thể loại truyện cổ tích : Bạn hãy dựa theo độ tuổi và lĩnh vực con yêu thích để chọn cho phù hợp. Ví dụ các bé độ tuổi dưới 3 tuổi bạn nên chọn các truyện cổ tích nhẹ nhàng, vui nhộn và ngắn gọn để bé tiếp thu được. Với bé từ 4 tuổi trở lên, bạn có thể chọn các câu truyện cổ tích dài hơn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc hơn. Như thế sẽ góp phần giúp con trau dồi không chỉ về mặt ngôn từ, sự tưởng tượng mà còn về tính cách, cảm xúc của mình.
- Về hình thức : Bạn có thể chọn sách truyện kết hợp, sách có hình để cùng con xem. Bạn cũng có thể chọn thể loại sách nói và nghe cùng bé. Bên cạnh đó, trong một số hoàn cảnh thích hợp bạn cũng có thể chọn phim truyện cổ tích để cùng con hoặc cả gia đình cùng xem.
1.2. Truyện cổ tích cho bé nghe
Có khá nhiều bé thích nghe đọc sách truyện. Cũng có nhiều gia đình có thói quen đọc vào một khung giờ nhất định trong ngày hoặc trong tuần. Hoạt động này thay cho chọn lựa trò chơi hay giải trí khác.
Bạn cũng có thể tập cho bé thói quen đọc nghe bằng cách chọn khoảng 15-20 phút vào một số ngày trong tuần hoặc cuối tuần. Kết hợp với đó là xem hình, tranh vẽ minh họa hoặc kết hợp xem phim chẳng hạn.
1.3. Truyện cổ tích cho bé ngủ
Có lẽ đa phần chúng ta đều biết, kể chuyện bé nghe trước khi ngủ hay đọc sách cho con ngủ là lựa chọn của hầu hết các phụ huynh. Đây là một hoạt động khá phổ biến với mục đích góp phần giúp bé ngủ ngon.
Truyện cổ tích cho bé ngủ nên được chọn các truyện nhẹ nhàng. Các câu truyện cổ tích thần tiên, công chúa, hoàng tử thường được ưu tiên. Vì thế giới đẹp lung linh này giúp con có sự tưởng tượng đẹp đẽ, tươi vui để giấc ngủ được ngon hơn.
Tuy nhiên, một số truyện cổ tích cho bé nghe có ích lợi về giáo dục, bài học nào đó cũng có thể được kể. Nếu bố mẹ cần nhắn nhủ và muốn dạy con một điều gì cần ghi nhớ từ trải nghiệm trong ngày, lúc này có thể chọn các truyện cổ tích có tính gần gũi với cuộc sống để kể. Như vậy, truyện kể cho con sẽ có tác dụng phù hợp hơn.
2. Truyện cổ tích cho bé 4 tuổi có ý nghĩa sâu sắc nhất
Trẻ 4 tuổi đã phát triển khá nhiều kỹ năng. Con cũng có những nhìn nhận riêng theo tư duy duy ở độ tuổi của mình. Vì vậy, bố mẹ có thể kể truyện cổ tích cho bé có ý nghĩa sâu sắc. Khi được giải thích cắt nghĩa, chắc chắc truyện cũng dạy bé không ít điều. Vậy truyện cổ tích cho bé 4 tuổi điển hình nhất bố mẹ kể cho bé là những truyện nào? Dưới đây là gợi ý 4 truyện rất ý nghĩa, bố mẹ cùng tham khảo để kể cho con nghe nhé.
2.1. Cậu bé Tích Chu - truyện cổ tích cho bé nghe về yêu thương và việc vâng lời
Hẳn với nhiều người chưa nghe qua truyện Cậu bé Tích Chu. Đây là truyện cổ tích Việt Nam khá hay, ý nghĩa về tình thương yêu, đùm bọc và sự nhân hậu. Bạn có thể kể cho trẻ nghe về câu chuyện này để dạy con về tình thương yêu ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống.
Tích Chu là câu chuyện kể về cậu bé có tên là Tích Chu sớm mồ côi cha mẹ, ở với bà của mình. Để nuôi cậu khôn lớn, người bà đã phải làm việc quần quật ngày đêm. Thương cháu còn nhỏ đã mồ côi nên bà hết sức cưng chiều, có thức ăn gì ngon cũng nhường hết phần cho.
Tích Chu càng lớn, lại càng trở nên không hiểu chuyện, thường xuyên đi chơi với bạn bè, để bà ở nhà một mình. Vì cuộc sống quá khổ cực, thêm tuổi đã cao nên người bà bị sốt nặng. Bà gọi Tích Chu nhờ cậu lấy dùm ly nước nhưng gọi mãi mà chẳng thấy trả lời.
Khi Tích Chu trở về nhà thì bà của cậu đã hóa thành chim bay mất. Tích Chu buồn bã, ngồi khóc nức nở và ân hận vô cùng. Bà Tiên hiện ra, bảo với cậu rằng, nếu muốn cứu bà thì phải đi lấy nước suối Tiên rất xa. Thế nhưng Tích Chu chẳng chần chừ, lập tức lên đường ngay.
Vượt qua bao nhiêu núi rừng hiểm trở, cuối cùng Tích Chu cũng đến được suối Tiên và lấy nước về cho bà. Thế là người bà trở lại thành người. Tích Chu mừng rỡ, ôm lấy và xin lỗi bà. Từ đó, Tích Chu đã hết lòng yêu thương và chăm sóc cho bà.
Câu chuyện chính là tình cảm thiêng liêng mà người bà dành cho Tích Chu. Dù Tích Chu có lầm lỗi, bà vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ khi cậu bé nhận ra sai lầm của mình. Và ở nhân vật Tích Chu, người ta vừa giận lại vừa thương. Giận vì cậu chẳng biết yêu thương bà, chỉ mải ham chơi. Nhưng cũng thương vì cậu đã nhận ra lỗi lầm và sẵn sàng sửa chữa.
Đặc biệt, truyện còn cho thấy được sức mạnh của tình yêu thương. Nó có thể biến thành động lực để con người vượt qua mọi khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.
2.2. Sọ Dừa - truyện cổ tích cho bé 4 tuổi ý nghĩa sâu sắc
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam , truyện Sọ Dừa nằm trong top truyện quen thuộc nhất với hầu hết chúng ta. Bạn cũng có thể kể cho bé nhà mình bắt đầu với truyện cổ tích này. Ý nghĩa của truyện khá hay và sâu sắc về tấm lòng đẹp và vẻ bề ngoài không phải là tất cả. Cuộc sống hiện đại hào nhoáng khiến nhiều trẻ từ rất sớm đã quen với việc chỉ quan tâm bề ngoài. Mượn câu chuyện Sọ Dừa để dạy con không quá quan trọng hình thức chắc chắn là rất phù hợp.
Bắt đầu bằng "ngày xửa ngày xưa", truyện Sọ Dừa đưa người đọc đến một thế giới xưa cũ. Ở đó, có đôi vợ chồng già hiếm muộn, đi ở cho nhà một phú ông. Một hôm người vợ vào rừng đốn củi, uống một ngụm nước trong cái sọ dừa, không lâu sau về nhà lại mang thai và đẻ ra một đứa trẻ không chân, không tay, cả người tròn như quả dừa.
Thương con, lại thấy đứa trẻ biết nói nên bà giữ lại nuôi và đặt cho cái tên là Sọ Dừa. Mặc dù chẳng có được thân thể trọn vẹn như bao người nhưng Sọ Dừa lại rất yêu thương mẹ và biết gánh vác gia đình. Cậu nhận chăn đàn bò nhà phú ông, sau một thời gian con nào cũng béo tốt nên phú ông rất hài lòng.
Trong thời gian này, ba người con gái của phú ông thay nhau lần lượt đem cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị vì vẻ ngoài xấu xí của Sọ Dừa mà ghét bỏ, hắt hủi, chỉ riêng cô gái út là đối đãi với cậu tử tế. Và lâu dần, hai người bắt đầu đem lòng yêu thương nhau.
Sọ Dừa đã nhờ mẹ đến nhà phú ông để hỏi cưới. Phú ông vì không đồng ý nên đã đưa ra lễ thách cưới thật to, thế nhưng Sọ Dừa đều đáp ứng được. Vậy là cô út chính thức được gả đi. Ngày cưới, Sọ Dừa hóa thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, không còn là cái Sọ Dừa với vẻ ngoài xấu xí.
Điều này khiến hai cô chị cực ký căm ghét. Trong lần Sọ Dừa được nhà vua cử đi sứ nước ngoài do đỗ trạng nguyên, hai cô chị đã tìm cách hãm hại, đẩy cô út xuống biển để cướp đoạt chồng em. May sao trước khi đi vắng, Sọ Dừa đã đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà phòng tai họa nhờ đó mà cô út thoát chết và được Sọ Dừa cứu trên đường đi sứ về. Hai vợ chồng đoàn tụ sống hạnh phúc. Còn hai cô chị vì quá xấu hổ mà bỏ đi biệt xứ.
Truyện cổ tích Sọ Dừa không chỉ thể hiện được những mặt thiện ác trong cuộc sống mà còn khẳng định, cái thiện bao giờ cũng sẽ chiến thắng được cái ác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời, truyện còn đề cao vẻ đẹp bên trong. Giữa người với người không nên dựa vào vẻ bên ngoài mà tùy tiện đánh giá một con người. Thế nên, khi lựa chọn kể truyện cổ tích cho bé nghe thì Sọ Dừa sẽ là một câu chuyện đầy ý nghĩa.
2.3. Cây Vú Sữa - truyện cổ tích cho bé nghe ý nghĩa về lòng hiếu thảo
Chuyện kể về một cậu bé vì được mẹ cưng chiều mà trở nên nghịch ngợm, không biết nghe lời và rất ham chơi. Trong một lần bị mẹ mắng, cậu đã tức giận bỏ nhà đi. Cậu la cà khắp nơi và dường như quên luôn đường về nhà, quên luôn người mẹ yêu thương mình.
Người mẹ thì lo lắng, ngày ngày ngồi ở trước sân nhà mỏi mòn trông ngóng con trở về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, người mẹ mất.
Cậu bé không biết đã đi được bao lâu, trong một lần bị những đứa trẻ lớn ăn hiếp, vừa đói lại vừa rét nên cậu mới nhớ đến mẹ và quay về nhà.
Cảnh vật trong nhà vẫn như xưa nhưng mẹ cậu thì chẳng thấy đâu cả. Cậu gọi to rồi ôm một gốc cây xanh trong vườn bật khóc. Điều kỳ lạ là cây xanh bỗng run rẩy rồi trổ ra những chùm hoa trắng xóa, chẳng mấy chốc những chùm hoa đó tàn và kết thành trái to, da xanh căng mịn.
Một quả mọng rơi vào tay cậu bé, cậu cắn một miếng thật to và thốt lên chát quả. Đến quả thứ 2, cậu bé lại nói cứng quá. Và cuối cùng đến quả thứ 3, cậu dùng tay bóp nhẹ quanh quả, quả nứt ra một khe nhỏ, dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu bé nhớ mẹ, rồi ôm lấy thân cây mà khóc. Cây xòa cành ôm lấy cậu vỗ về, tựa như bàn tay âu yếm của mẹ thuở nào. Sau này, cậu đã kể cho nhiều người nghe về loại cây kỳ lạ này và nỗi ân hận khi không nghe lời mẹ.
Vì trái thơm ngon nên người dân xung quanh rất thích, đem hạt gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.
Câu chuyện là bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo. Làm con phải biết đặt chữ Hiếu làm đầu. Những điều cha mẹ trách mắng cũng chỉ vì muốn con được tốt hơn. Khi con hiếu thảo với cha mẹ, đồng nghĩa con cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh.
Và hơn hết, câu chuyện còn nói về tấm lòng vị tha của cha mẹ, dù thế nào cũng sẽ bao dung và yêu thương con cái. Chính vì mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc nên Cây Vú Sữa sẽ rất phù hợp khi kể truyện cổ tích cho bé nghe.
Truyện cổ tích bao giờ cũng mang lại những bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, lòng nhân ái, bao dung,... Vì thế mà dù có bận rộn đến mấy, bố mẹ cũng nên dành thời gian để kể truyện cổ tích cho bé nghe, bố mẹ nhé.
Mỹ Lệ