Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc hay nhất

Có thể nói, truyện cổ tích Việt Nam là món ăn tinh thần trong đời sống hằng ngày của biết bao thế hệ người Việt. Có ai lớn lên mà chưa từng nghe qua những câu chuyện cổ tích bắt đầu bằng "ngày xửa ngày xưa". Đó là vùng ký ức tuổi thơ đẹp nhất, sâu lắng nhất. Và trên tất cả, truyện cổ tích còn mang đến những bài học sâu sắc trong cuộc sống, hướng con người đến các phẩm chất tốt đẹp.

banner ads
kho tang truyen co tich viet nam
Truyện cổ tích Việt Nam là món ăn tinh thần của đại đa số người Việt. Ảnh: Internet

1. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

1.1. Truyện cổ tích Việt Nam là một phạm trù Văn hóa

Hẳn bạn cũng biết, truyện cổ tích nói chung tồn tại theo dòng thời gian được xem là một phạm trù Văn hóa. Dù mang nhiều yếu tố không có thực, song nội dung truyền tải rất nhiều nét đẹp trong cuộc sống. Đó là ước mơ của con người, là những lời răn dạy. Qua đây, chúng ta nhận được bài học ý nghĩa nhất định và khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Truyện cổ tích Việt Nam có nhiều thể loại phong phú. Truyện có thể là về loài vật, những truyện thần kỳ xảy ra trong cuộc sống con người. Hay, truyện được xây dựng từ thế giới thực nhưng đan xen những yếu tố ly kỳ, hài hước,...Trong đó, thế giới nhân vật được chú trọng, được mượn để truyền tải những đề tài ý nghĩa phong phú liên quan đến cuộc sống.

Như vậy, truyện cổ tích Việt Nam có những giá trị đáng quý. Chúng có thể được dùng để làm truyện kể giải trí, song cũng có nhiều tác dụng liên quan đến giáo dục. Chẳng hạn, giáo dục về phẩm chất, nhân quả, hướng thiện, cảm thông,...và nhiều điều khác nữa. Qua thời gian có khá nhiều sách truyện cổ tích Việt Nam được xuất bản, chúng trở thành kho tàng truyện cho trẻ em và rất nên có trong tủ sách của các gia đình. 

1.2. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Nguyễn Đổng Chi

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có rất nhiều tác giả, trong đó Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Nguyễn Đổng Chi là một trong những tác phẩm được biết đến là đầy đủ và chi tiết nhất.

Tác phẩm được chia thành 3 phần. Ở phần 1, tác giả đã đi tìm hiểu về bản chất, lai lịch cũng như lịch sử của truyện xưa nói chung và truyện cổ tích nói riêng. Phần 2 là những truyện cổ tích Việt Nam đã được chọn lọc và sắp đặt một cách có hệ thống. Và cuối cùng, ở phần 3 tác giả đã khái quát lại và đánh giá về truyện cổ tích Việt Nam một lần nữa.

truyen co tich nguyen dong chi
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của tác giả Nguyễn Đổng Chi được đánh giá là đầy đủ và chi tiết nhất. Ảnh: Internet

Riêng phần 2, phần sưu tầm về những câu chuyện cổ tích khắp mọi miền đất nước, mặc dù chỉ với 5 tập nhưng tác giả đã giới thiệu được đến 120 truyện với đầy đủ những chủ đề sau: nguồn gốc sự vật; sự tích đất nước Việt Nam; sự tích các câu ví; thông minh, tài tử và sức khỏe; sự tích anh hùng nông dân; truyện phân xử; truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép.

Ở dưới mỗi một câu chuyện, tác giả còn giới thiệu thêm nhiều dị bản khác để người đọc có cách nhìn khách quan và hiểu thêm được nhiều khía cạnh khác của từng nhân vật xuất hiện trong câu chuyện cổ tích đó. Chẳng hạn như ở truyện Nói dối như Cuội, ở phần Khảo dị tác giả đã giới thiệu thêm 24 dị bản khác, hay truyện Ba chàng thiện nghệ cũng có đến 30 dị bản khác nhau.

Điều này cho thấy, tác giả đã bỏ rất nhiều công sức vào quá trình tìm tòi, tuyển chọn để kể lại một cách khách quan và đầy đủ nhất. Chính vì vậy mà Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi đã mang lại giá trị tiêu biểu bậc nhất cho thể loại truyện cổ tích Việt Nam.

Đặc biệt, Kho tàng truyện cổ tích Nguyễn Đổng Chi còn thu hút người đọc bởi lời văn kể chuyện rất giản dị và dí dỏm. Ngôn ngữ mà tác giả sử dụng không cầu kỳ, hoa mỹ, nó mang đậm màu sắc dân gian, gần gũi và truyền tải vô cùng, giúp người đọc dù ở thế hệ nào thì vẫn cảm nhận và hình dung được màu sắc dân gian rõ nét.

Tác phẩm thật sự là kho tàng, là nơi lưu giữ những giá trị tốt đẹp để thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát huy. 

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Nguyễn Đổng Chi
Kho tàng truyện cổ tích Nguyễn Đổng Chi còn thu hút người đọc bởi lời văn kể chuyện rất giản dị và dí dỏm. Ảnh Fahasa 

2. Vai trò của truyện cổ tích trong việc giáo dục trẻ

2.1. Truyện cổ tích cho các bé có ích lợi như thế nào?

Truyện cổ tích là thế giới muôn màu sắc, mặc dù có sự hư cấu nhưng mỗi câu chuyện đều mang giá trị nhân văn sâu sắc. Không chỉ giúp trẻ em có thể phát huy tối đa trí tượng tượng, khả năng sáng tạo mà truyện cổ tích còn góp phần định hình tư duy lành mạnh, trong sáng, hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống.

Khi hòa mình vào những câu chuyện cổ tích, trẻ em cũng sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc buồn, vui, lo lắng, hồi hộp như trong truyện. Tình cảm vì thế cũng được bộc lộ một cách tự nhiên, không che giấu. Đặc biệt, truyện còn giúp các bé hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, từ hào về nơi mình đã được sinh ra.

2.2. Đọc truyện cổ tích cho con cũng cần nỗ lực và nhiệt tình của cha mẹ

Ngay từ nhỏ, bố mẹ nên thường xuyên đọc truyện cổ tích cho con nghe. Không phải mọi trẻ được sinh ra đều thích nghe kể chuyện, đọc truyện. Đấy là lý do, phụ huynh đều được khuyên nên kể chuyện bé nghe trước khi đi ngủ. Thói quen đọc sách hay nghe truyện đọc truyện ở trẻ phải được khơi mở từ cha mẹ, anh chị. Thậm chí, chính người lớn xung quanh trẻ còn nên làm gương yêu thích, mới trở thành sự khích lệ với trẻ. Và, trẻ cần được làm quen, luyện tập để có thói quen tuyệt vời rất có ích này. Do đó, muốn trẻ yêu thích truyện cổ tích Việt Nam nói riêng, truyện cổ tích và đọc truyện nói chung, cha mẹ cần nỗ lực, nhiệt tình trong công việc truyền tải, khích lệ trẻ. 

Với những bố mẹ quá bận rộn, không có nhiều thời gian, bố mẹ vẫn có thể mở truyện cổ tích audio, truyện cổ tích Mp3 hoặc phim truyện cổ tích Việt Nam cho bé xem. Ngoài ra, cuối tuần bạn có thể dẫn bé đến nhà sách, chọn mua những tập vẽ tranh minh họa truyện cổ tích để khơi gợi sự hiếu kỳ và yêu thích ở trẻ.

Việc trẻ tiếp xúc những câu chuyện cổ tích càng sớm sẽ càng có lợi cho sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Những nhân vật sống tốt, chân thành, luôn giúp đỡ kẻ yếu hơn mình trong truyện,... sẽ in sâu vào tâm trí, quyết định lớn đến sự lương thiện, lòng nhân ái, cảm xúc của con trong tương lai. 

Để bé tiếp xúc sớm với truyện cổ tích
Trẻ tiếp xúc những câu chuyện cổ tích càng sớm sẽ càng có lợi cho sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Ảnh Internet 

3. Truyện cổ tích Việt Nam và các cách truyền tải tiếp cận

Cuộc sống hiện đại tân tiến cho phép chúng ta được tiếp cận nhiều phương thức truyền tải truyện cổ tích Việt Nam hơn. Như đã đề cập ở trên đó là những bản audio, phim truyện và tranh minh họa. Làm cha mẹ , bạn hoàn toàn có thể tận dụng các điều kiện này một cách khoa học để các con yêu thích truyện cổ tích hơn.

3.1. Truyện cổ tích audio

3.1.1. Về truyện cổ tích audio

Có lẽ cũng có không ít phụ huynh thắc mắc về truyện cổ tích audio và MP3 ngày nay có khác biệt thế nào. Nó có lợi ích gì đối với trẻ không. Công nghệ âm thanh ngày nay cho ra đời nhiều định dạng chất lượng đáp ứng nhu cầu nghe của chúng ta. Audio truyện cổ tích được xem như sách nói vậy. Sách nói có lợi ích là giọng đọc truyền cảm để trẻ thêm hứng thú nghe, nhưng trẻ không tiếp cận hình ảnh như video.

Bản truyện cổ tích hay truyện cổ tích Việt Nam audio bạn có thể cùng nghe với trẻ cũng khá thú vị. Hoặc bạn cho trẻ nghe khi bản thân bận rộn không có thời gian đọc cho trẻ. Và bản audio có thể sử dụng định dạng âm thanh khác nhau có thể là MP3 hay MP4 hoặc định dạng khác.

3.1.2. Về truyện cổ tích MP3

Truyện cổ tích Việt Nam hiện nay có nhiều truyện đã có bản MP3. Đây là một định dạng âm thanh sử dụng trong audio. Định dạng MP3 được xem là tiêu chuẩn cho các phần mềm âm thanh. Bạn sử dụng hệ điều hành hay thiết bị nào cũng có thể nghe được. Thậm chí nếu bạn muốn có thể nén các file truyện cổ tích MP3 gồm các truyện mà con yêu thích để làm thành bộ sưu tập cho con nghe.

3.2. Phim truyện cổ tích Việt Nam

Ngoài bản audio, truyện cổ tích Việt Nam còn được xây dựng thành phim và phim hoạt hình. Đây cũng là một cách tiếp cận tuyệt vời và sinh động với kho tàng truyện cổ tích mà bạn có thể mang lại cho con cái. Phim truyện cổ tích Việt Nam chuyển thể khá nhiều truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc. Hầu hết khi chuyển thể thành phim đều được khán giả yêu thích trong đó không chỉ có trẻ nhỏ mà còn cả người lớn nữa.

Xen lẫn với sách truyện cổ tích Việt Nam, nghe sách nói, phụ huynh có thể xen kẽ cho các bé xem phim truyện cổ tích Việt Nam để con giải trí và có mở rộng nhân sinh quan phong phú của mình qua thế giới nhân vật, hình ảnh sinh động thật.

3.3. Vẽ tranh minh họa truyện cổ tích

Ngoài sách, bản audio và phim, hiện nay truyện cổ tích Việt Nam còn có tranh vẽ cũng không kém phần thu hút. Tranh vẽ truyện cổ tích có tranh tô màu cho trẻ hoặc vẽ tranh minh họa truyện cổ tích,  giúp trẻ rèn luyện thêm về mỹ thuật.

Điều lý thú và loại tranh này vừa giúp trẻ cảm nhận về câu truyện kể có ý nghĩa giáo dục, vừa góp phần phát triển năng khiếu mỹ thuật. Chúng rất có ích, nhất là với những trẻ yêu thích hoặc có năng khiếu vẽ nhưng lại không thích sách, thì đây là cách tiếp cận tuyệt vời ba mẹ có thể khuyến khích con.  

Nếu bố mẹ có các bé nhỏ thì có thể chọn tranh tô màu các truyện cổ tích cho con. Với trẻ lớn, bố mẹ có thể chọn các bài hướng dẫn vẽ tranh minh họa truyện cổ tích để con học vẽ theo bố cục và nội dung. Hiện nay các bài hướng dẫn và tài liệu cũng khá sẵn dễ tìm. 

Tranh vẽ minh họa truyện cổ tích Việt Nam
Tranh vẽ minh họa truyện cổ tích Việt Nam rất có ích cho các bạn nhỏ. Ảnh Youtube 

4. Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất

Ở những mục trên, chúng ta đã bàn qua về truyện cổ tích Việt Nam nói chung, cũng như các cách tiếp cận truyện cổ tích Việt Nam đa dạng không chỉ dừng lại ở việc đọc. Đề cập đến truyện cổ tích Việt Nam, không thể gói gọn câu truyện chỉ trong một bài viết. Cũng như, kho tàng truyện phong phú không để kể hết trong một lần chia sẻ.

Vậy nên, trong phạm vi bài viết hôm nay, Chuyên mục Bí quyết làm cha mẹ của Yeutre.vn sẽ giới thiệu đến bạn những truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, phổ biến nhất như dưới đây. Mỗi một câu chuyện đều chứa đầy những bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái giữa người với người,...Phụ huynh có thể bắt đầu hành trình cùng trẻ khám phá kho tàng truyện cổ tích qua những câu truyện này. Bố mẹ cũng có thể thử nghiệm sau khi đọc thì có thể cho con nghe bản audio và vẽ tranh để con thêm yêu truyện cổ tích Việt Nam bố mẹ nhé. 

4.1. Truyện cổ tích Tấm Cám

Tấm Cám là một trong những câu chuyện cổ tích quen thuộc nhất với tuổi thơ của mỗi người. Nội dung xuyên suốt câu chuyện chính là quá trình giữ gìn hạnh phúc và đấu tranh với cái ác của một nàng Tấm xinh đẹp, giỏi giang, hiền lành.

co tich tam cam
Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích điển hình nói về hai mặt thiện ác trong cuộc sống. Ảnh: Internet

Tấm có một hoàn cảnh khá đáng thương, cha mẹ mất sớm phải sống với mẹ con dì ghẻ độc ác. Cuộc sống của Tấm chính là những ngày tháng sống dưới sự đàn áp, bóc lột của mẹ con Cám. Đi ra sông bắt tép thì bị Cám lừa lấy hết giỏ tép. Vì tính tình lương thiện, Bụt đã hiện lên cho Tấm một con cá bống. Chẳng nỡ ăn, Tấm giữ lại nuôi trong giếng để bầu bạn. Vậy mà dì ghẻ và Cám cũng lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa, ở nhà bắt cá bống lên làm thịt.

Hay vào ngày vua cha mở tiệc, vì không muốn Tấm đi dự hội, mẹ con Cám đã trộn thóc với gạo, bắt Tấm nhặt sạch mới được đi. Cứ mỗi lần Tấm gặp nạn, Bụt lại hiện lên giúp đỡ, và lần này cũng đã kịp thời đưa Tấm đi dự hội, trở thành hoàng hậu.

Ngày Tấm về giỗ cha, khi trèo hái cau, mụ dì ghẻ đã chặt cây. Tấm té chết và biến thành chim vàng anh. Từ đây, Cám thay Tấm vào làm hoàng hậu trong cung vua. Còn Tấm lần lượt từ chim vàng anh, biến thành cây xoan đào, khung cửi rồi quả thị và cuối cùng trở thành con của bà lão hàng nước.

Trong một lần nọ, nhà vua tình cờ nghỉ chân tại hàng nước của bà cụ, nhìn thấy miếng trầu được têm đặc biệt tỉ mỉ, từ đó nhận ra Tấm là vợ mình. Cuối cùng, cả hai được đoàn tụ và sống hạnh phúc trọn đời. Còn mẹ con Cám bị trừng phạt bằng cái chết.

Truyện cổ tích Tấm Cám không chỉ phản ánh được xung đột giữa cuộc sống dì ghẻ con chồng ngày xưa mà còn mang ý nghĩa cao hơn, đó là chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Và trên tất cả mọi thứ, niềm tin vào công lý, chính nghĩa sẽ mang lại kết quả hạnh phúc. Chính vì mang lại nhiều bài học sâu sắc mà Tấm Cám còn được làm thành phim truyện cổ tích Việt Nam.

4.2. Truyện cổ tích ăn khế trả vàng

Truyện cổ tích ăn khế trả vàng còn gọi là sự tích cây khế, một trong những câu chuyện được nhiều độc giả nhỏ tuổi đón nhận. Truyện kể về hai anh em trong một gia đình nọ, cha mẹ mất sớm, để lại một khối gia tài lớn nhưng vợ chồng người anh tham lam đã lấy đi toàn bộ, chỉ để lại cho vợ chồng người em một cây khế.

su tich cay khe
Sự tích cây khế không chỉ răn dạy về tình anh em mà còn phản ánh bản tính tham lam của bộ phận người. Ảnh: Internet

Mỗi năm vào mùa, cây khế cho rất nhiều quả. Và năm nay cũng không khác biệt. Thế nhưng vào một hôm nọ, có con chim lạ đến ăn rất nhiều khế, lại chọn những quả to và ngon nhất. Người em than khóc, thế là con chim bảo người em may túi 3 gang và đưa đến đảo vàng để trả ơn. Nhờ đó mà người em trở nên giàu có.

Người anh biết tin, bàn bạc với vợ và quyết định đưa hết gia tài cho người em, chỉ đổi lấy một cây khế. Đến mùa khế chín, chim lạ lại đến ăn và cũng bảo người anh may túi 3 gang để trả ơn, thế nhưng người anh vì tham lam nên may túi to hơn, vì thế mà trên đường về, vàng quá nặng, chim đả thả người anh lẫn vàng xuống biển.

Mặc dù chỉ là một câu chuyện ngắn nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là giữa anh em ruột thịt phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Không vì cái lợi trước mất mà làm những việc tổn thương đến người thân. Và đó còn là bài học về việc đền ơn đáp nghĩa, ở hiền nhất định sẽ gặp được những điều may mắn trong cuộc sống.

4.3. Truyện cổ tích Thạch Sanh

Người Việt xưa nay luôn có niềm tin vào nhân quả, cái thiện chắc chắn bao giờ cũng chiến thắng cái ác, đặc biệt còn yêu chuộng hòa bình. Và truyện cổ tích Thạch Sanh chính là nơi gửi gắm những lý tưởng này của họ.

truyen thach sanh
Thạch Sanh chính là hình tượng người anh hùng xả thân vì chính nghĩa. Ảnh: Internet

Truyện kể, ở quận Cao Bình, có vợ chồng tuổi đã cao nhưng chưa có con. Ngọc Hoàng thấy họ tốt bụng, hiền lành nên đã sai Thái Tử xuống đầu thai làm con. Thế nhưng vừa chào đời, cha mẹ đều mất hết, để lại chàng mồ côi, sống dưới gốc đa và gia tài chỉ có một chiếc rìu của người cha.

Trong suốt những năm tháng trưởng thành, Thạch Sanh được các thiên thần do Ngọc Hoàng phái xuống dạy đủ các loại võ nghệ và tinh thông mọi phép thần thông. Vì tính tình hiền lành nên Thạch Sanh đã bị tên Lý Thông trong làng lừa gạt. Ngoài miệng hắn muốn kết nghĩa anh em với chàng nhưng thật chất là muốn lợi dụng sức vóc của Thạch Sanh để làm giàu cho chính mình.

Cũng vì thế mà Thạch Sanh đã bị mẹ con Lý Thông lừa hết lần này đến lần khác. Lần đầu là cướp công giết chằn tinh, lần thứ 2 là cướp công cứu công chúa. Sau đó, Thạch Sanh còn bị Lý Thông nhốt dưới hang sâu. Nhưng nhờ vào tài trí của mình, Thạch Sanh đã cứu thoát bản thân và cứu luôn con trai của vua Thủy Tề. Vua Thủy Tề trả ơn, nhưng chàng chỉ nhận 1 niêu cơm và 1 cây đàn.

Sau này, chàng lại rơi vào nghịch cảnh, bị nhốt trong ngục do hồn của chằn tinh và đại bàng vu oan. Trong ngục, Thạch Sanh vô tình gãy đàn, tiếng đàn chữa được bệnh câm cho công chúa, nhờ vậy mà chàng cũng được minh oan và được nhà vua gả công chúa cho. Mẹ con Lý Thông bị trời trừng phạt, hóa thành con bọ hung.

Ở một tình huống khác, vì thái tử ở 18 nước chư hầu không được vua cha gả công chúa đã kéo quân sang đánh nước ta. Nhờ vào tiếng đàn và niêu cơm, Thạch Sanh đã thu phục được 18 nước chư hầu mà không cần phải đổ máu.

4.4. Truyện cổ tích Thánh Gióng

Có thể nói, Thánh Gióng là một trong những hình tượng nghệ thuật dân gian đẹp nhất về tấm lòng yêu nước, căm thù giặc mà không phải truyện cổ tích Việt Nam nào cũng có có được. Thế nên, dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, câu chuyện về Thánh Gióng, về làng Phù Đổng vẫn mang đầy đủ giá trị giáo dục về lòng yêu nước mạnh mẽ.

truyen thanh giong
Thánh Gióng là hình tượng nghệ thuật dân gian đẹp đẽ về tấm lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Ảnh: Internet

Truyện bắt đầu từ đời vua Hùng thứ 6, tại làng Gióng, xã Phù Đổng có cặp vờ chồng già nổi tiếng phúc đức nhưng chưa có con. Một hôm người người vợ ra đồng, thấy một dấu chân to liền ướm thử. Không ngờ về lại thụ thai và 12 tháng sau sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Thế nhưng một điều kỳ lạ là cậu bé đã lên 3 tuổi nhưng lại chẳng biết đi cũng chẳng biết nói cười.

Khi giặc Ân đang xâm phạm bờ cõi, mở rộng lạnh thổ, thấy thế giặc mạnh, vua Hùng sai sứ giả đi tìm người tài. Nghe tiếng rao, cậu bé cất tiếng nói đầu tiên và xin được đi đánh giặc. Cậu bé nhờ sứ giả về tâu với vua, làm cho cậu một con ngựa sắt, một áo giáp sắt và 1 roi sắt.

Từ ngày xin đi đánh giặc, cậu bé bỗng chốc lớn nhanh như thổi. Sau khi dùng hết bảy nong cơm và ba nong cà từ hàng xóm gom góp, cậu vươn vai trở thành tráng sĩ, trên người mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và cầm roi sắt xông ra giết giặc. Trong lúc đánh, roi sắt bị gãy, Gióng đã nhổ bụi tre ven đường để làm vũ khí.

Sau khi đánh đuổi được giặc Ân, Gióng cưỡi ngựa đến đỉnh núi và bay lên trời. Để tưởng nhớ, người dân đã lập đền thờ và mở hội làng hàng năm vào mùng 9 tháng 4 Âm lịch.

4.5. Truyện cổ tích Hồ Ba Bể

Truyện cổ tích Việt Nam không chỉ hướng con người tới cái thiện, tới lòng hiếu thảo và tình nghĩa gia đình, mà ở đó còn là sự tương thân tương ái giữa những người chẳng cần đến quan hệ huyết thống. Điều này được thể hiện rất rõ trong truyện cổ tích Hồ Ba Bể.

su tich ho ba be
Sự tích Hồ Ba Bể là một trong những truyện cổ tích Việt Nam hay nói về tinh thần tương thân tương ái. Ảnh: Internet

Ngày xửa ngày xưa, vì muốn thử lòng mọi người mà thần Giao Long đã biến thành bà lão ăn mày già nua. Bà đi đến đâu thì bị mọi người xa lánh đến đó. Một lần bà tìm đến nơi tổ chức lễ hội, ai nấy đều mặc đẹp đứng thắp hương cầu thần linh, Trời Phật phù hộ, ban phước. Mọi người ai cũng nói đến chuyện lễ nghĩa thế nhưng lại từ chối, xua đuổi khi bà lão cất tiêng van xin.

Đến tối, bã lão vào túp lều cũ, ở đây bà được mẹ con góa phụ nghèo chia cho một bát cơm nguội và một manh chiếu rách. Trong khi họ phải nhịn đói và nằm trên đất lạnh. Thấy vậy, bà lão ăn mày cảm động và cho mẹ con góa phụ một gói tro và một chiếc vỏ trấu.

Bà lão ăn mày biến mất, hóa thành Giao Long. Thần Giao Long làm phép khiến đất sụt, nước phun, lũ lụt làm nhiều người bị cuốn đi. Mẹ con góa phụ làm theo lời dặn, thả tro xung quanh túp lều nên nước không tràn vào được. Vỏ trấu thả xuống nước hóa thành chiếc thuyền độc mộc, nhờ đó mà hai mẹ con thoát chết và còn cứu thêm được nhiều người.

Nơi thần Giao Long làm sụt biến thành một cái hồ lớn, người ta gọi đó là hồ Ba Bể. Giữa hồ nổi lên một cái gò cao, được người dân gọi là gò Bà Góa như một phần nhớ đến công ơn của hai mẹ con.

4.6. Truyện cố tích Cóc Kiện Trời

Thuở xưa, những việc trên trời, dưới đất đều do Ngọc Hoàng cai quản. Và để duy trì sự sống của muôn loài, Ngọc Hoàng đã giao cho Thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa. Thế nhưng, đã ba năm trôi qua mà nhân gian không có lấy một giọt mưa nào. Khắp nơi cỏ cây đều héo khô, đất nứt nẻ, muôn thú cũng chết dần.

truyen coc kien troi
Truyện Cóc kiện Trời lý giải một hiện tượng tự nhiên là khi cóc nghiến thì trời sẽ mưa. Ảnh: Internet

Một hôm, các con vật họp bàn lại với nhau và quyết định cử Cóc đi lên trời gặp Ngọc Hoàng, theo đó là Cáo, Gấu và Cọp. Đến nơi, trước cửa trời có đặt cái trống rất to, Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn mình thì đứng ra đánh trống inh ỏi.

Một thiên thần ra xem, thấy Cóc chỉ là con vật bé xíu, xấu xí nên tỏ ra khinh thường. Thiên thần vào bẩm báo lại với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng tức giận sai Gà ra mổ Cóc. Lúc này Cóc ra hiệu cho Cáo nhảy ra vồ Gà. Tiếp đến, Ngọc Hoàng lại sai Chó ra, ngay lập tức đã bị Gấu chộp. Và cuối cùng là một toán lính cũng bị Cọp quật chết không sót một người.

Không ngờ Cóc tuy nhỏ bé nhưng lại khó trị như vậy. Ngọc Hoàng bèn cho người mời Cóc vào. Cóc kiện trời đã 3 năm mà không cho nhân gian một hạt mưa nào. Thấy thế Ngọc Hoàng gọi Thần Mưa đến hỏi tội thì mới hay là vì Thần Mưa vì ham chơi, ngủ quên nên không làm mưa.

Ngọc Hoàng sau khi trách mắng Thần Mưa thì dặn dò Cóc, sau này chỉ cần nghiến răng là sẽ sai Thần Mưa làm mưa ngày, không cần phải kiện trời nữa. Vì thế mà dân gian ngày nay còn lưu truyền "Con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho".

Cóc kiện trời là câu chuyện giải thích một hiện tượng tự nhiên, khi cóc nghiến răng trời sẽ mưa. Thế nhưng trên tất cả, truyện còn đề cao tinh thần đoàn kết và lòng chính nghĩa. Đồng thời còn khuyên răn mọi người không nên đánh giá một người qua vẻ ngoài của họ.

4.7. Truyện cổ tích chú Cuội

Cuội là một chàng tiêu phu nghèo nhưng rất tốt bụng. Trong một lần vào rừng đốn củi, Cuội bị một con hổ con xông đến, không kịp tránh, anh đành phải dùng rìu đánh nhau với hổ, hổ con bị Cuội bổ một rìu nên lăn ra đất. Cùng lúc đó, hổ mẹ vừa về nên Cuội chỉ kịp leo tót lên cây để trốn.

truyen chu cuoi
Truyện thể hiện phần nào ước muốn khám phá mặt trăng của con người. Ảnh: Internet

Từ trên cao, Cuội nhìn thấy hổ mẹ đến bụi cây gần đó, cắn một ít lá, nhai vài cái rồi đắp vào vết thương của hổ con. Chỉ một lát sau, hổ con quẫy quẫy đuôi và tỉnh dậy. Biết là cây thuốc quý nên chờ hai mẹ con hổ đi, Cuội đến đào gốc cây đem về nha trồng.

Nhờ có cây thuốc quý mà Cuội đã cứu được rất nhiều người, trong đó có con gái của phú ông và được ông gả cho. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc. Nhưng trong một lần không may, vợ Cuội té vỡ đầu, có dùng lá thuốc như thế nào cũng không khỏi. Thương vợ, Cuội nặn thử bộ óc bằng đất rồi để vợ dùng lá thuốc. Không ngờ người vợ tỉnh dậy, nhưng lại mắc chứng hay quên.

Một lần vì quên lời chồng dặn, người vợ đem nước giải tưới cây, cây thuốc từ từ bay lừng lững lên trời. Cuội thấy vậy, túm vào rễ cây để kéo lại nhưng cây thuốc cứ bay và kéo Cuội lên tít cung trăng. Chính vì vậy mà cứ vào mỗi đêm trăng sáng, người ta sẽ thấy chú Cuội đang ngồi dưới gốc cây thuốc quý, đám trẻ con sẽ hát với nhau rằng "bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ..."

Sự tích chú Cuội cung trăng là truyện cổ tích cho bé rất được yêu thích. Câu chuyện là lời giải thích của người xưa về hiện tượng những vệt đen trên mặt trăng có hình dáng giống cây đa. Và hình ảnh chú Cuội, cây đa còn gợi lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Ngoài ra, đây còn thể hiện ước mơ được khám phá mặt trăng của loài người. 

Truyện cổ tích Việt Nam luôn mang lại ý nghĩa giáo dục rất lớn. Mỗi một câu chuyện đều hướng con người làm những việc thiện, tránh xa cái ác. Vì thế ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ hãy cho con tiếp xúc với thế giới truyện cổ tích, bắt đầu từ những truyện cổ tích hay nhất , để ký ức tuổi thơ của con được thêm phần trọn vẹn.

Mỹ Lệ

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI