Trò chơi trẻ em - giải pháp đơn giản giúp bé phát triển vượt trội

Trò chơi trẻ em không chỉ giúp bé thư giãn đầu óc mà còn tăng cường sức khỏe rất hiệu quả. Mọi trẻ nhỏ đều thích được vui chơi thỏa thích mà không bị ngăn cấm bởi bố mẹ. Vậy đâu là trò chơi mà bố mẹ nên khuyến khích bé chơi, để con có thể vừa giải trí lành mạnh, vừa phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ? Bố mẹ hãy cùng tham khảo chia sẻ ngay dưới đây của Yeutre.vn, chắc chắn bố mẹ sẽ giải được nhanh chóng câu hỏi này.

banner ads
Trò chơi trẻ em
Có rất nhiều trò chơi trẻ em tốt cho trẻ mà bố mẹ có thể tham khảo. Ảnh Internet

1. Các trò chơi trẻ em dân gian - giải pháp đơn giản dễ thực hiện nhưng rất hiệu quả

1.1 Chi chi chành chành

1.1.1 Đặc điểm

Đây là trò chơi tập thể, rèn luyện tính nhanh nhẹn, phản xạ nhanh cho trẻ. Dành cho trẻ từ 12 tháng. Chi chi chành chành là một trò chơi không đòi hỏi bé phải vận động nhiều nhóm cơ, chỉ cần bàn tay khéo là đủ.

1.1.2 Cách chơi

Một người đứng xòe bàn tay ra, các người khác cho một ngón tay trỏ ra đặt vào lòng bàn tay đó, người đó đọc nhanh:

  • "Chi chi chành chành
  • Cái đanh thổi lửa
  • Con ngựa chết trương
  • Ba vương ngũ đế
  • Chấp dế đi tìm
  • Ù à ù ập."

Đến chữ "ập" thì người đó nắm tay lại, còn mọi người thì cố gắng rút tay thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì bị bắt phải thay thế người bị, xòe tay ra, đọc câu đồng dao cho người khác chơi.

chi chi
Chi chi chành chành trò chơi dân gian đơn giản và có thể cho trẻ chơi ở nhiều nơi khác nhau. Ảnh Internet

1.2 Cá sấu lên bờ

1.2.1 Đặc điểm

Luyện tập sự nhanh nhẹn cho bé.

1.2.2 Cách chơi
  • Cô giáo vạch 2 đường vạch cách nhau từ 3m trở lên tùy thuộc vào độ tuổi của nhóm trẻ chơi làm bờ. Trẻ nào “bị” sẽ làm cá sấu đi lại ở giữa 2 vạch đó và tìm bắt người ở dưới nước hay có một chân ở dưới nước.
  • Những người còn lại đứng ngoài 2 bên vạch, có nghĩa là đứng trên bờ vừa chọc cá sấu bằng cách đợi các sấu ở xa thì thò một chân xuống nước vừa vỗ tay hát “cá sấu, cá sấu lên bờ”.
  • Khi nào cá sấu quay lại thì trẻ lại nhảy lên bờ. Trẻ nào nhảy lên không kịp mà bị cá sấu bắt được phải thay làm các sấu. Nếu cá sấu bắt được một lúc 2 người, thì 2 người đó sẽ xác định ai sẽ làm cá sấu bằng cách oẳn tù tì.
  • Nếu cá sấu không nhanh nhẹn khi bắt người khác thay thế thì bị làm cá sấu tiếp tục.
cá sấu lên bờ
Trẻ em ở độ tuổi sau khi biết đi đều có thể chơi trò chơi dân gian cá sấu lên bờ này. Ảnh Internet

1.3 Mèo đuổi chuột

1.3.1 Đặc điểm

Rèn luyện sức khỏe cho bé.

1.3.2 Cách chơi

Trò chơi này ít nhất là 5-7 người chơi và chơi càng đông càng vui. Một trẻ được chọn làm mèo và một trẻ được chọn làm chuột. Những người khác đứng thành vòng tròn, mèo và chuột đứng vào giữa, quay lưng vào nhau. Mọi người quanh vòng tròn tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu rồi hát:

  • Mèo đuổi chuột
  • Mời bạn ra đây
  • Tay nắm chặt tay
  • Đứng thành vòng rộng
  • Chuột luồn lỗ hổng
  • Mèo chạy đằng sau
  • Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo
  • Co cẳng chạy theo, bắt mèo hóa chuột.

Khi những trẻ khác hát thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Nhưng mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo bắt được chuột thì mèo thắng, sau đó trẻ đổi vai mèo chuột cho nhau rồi chơi tiếp.

mèo bắt chuột
Trò chơi mèo đuổi chuột kích thích trẻ vận động và giúp trẻ nhanh nhẹn hơn. Ảnh Internet

1.4 Trò chơi Ô Ăn Quan

Bạn cần vẽ lên nền đất/sân một hình chữ nhật với chiều dài được chia đôi, chiều rộng được ngăn thành 5 cột với khoảng cách bằng nhau. Trong hình chữ nhật có tổng cộng 10 ô vuông nhỏ và có thêm hai đầu của chiều rộng là vòng cung được gọi là ô quan lớn. Trong mỗi ô vuông chúng ta đặt 5 viên sỏi. Trò chơi ô ăn quan dành cho nhóm 2 người.

Cách chơi
  • Mỗi người ngồi một bên, người bắt đầu sẽ nắm cả 5 viên sỏi ở 1 trong 5 ô bất kỳ của nhà mình và trải đều mỗi ô một viên sỏi lần lượt, khi kết thúc ô cuối cùng ta tiếp tục nắm lấy ô tiếp theo và tiếp tục đi quan. Đến khi viên sỏi mà dừng cách một khoảng trống mới đến ô có sỏi thì khi đó bạn đã được ăn toàn bộ số sỏi trong ô bên cạnh đó và đến lượt của người chơi đối diện.
  • Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi.
  • Người chơi ô ăn quan giỏi là người tính toán được hướng đi sao cho người đối diện phải thua cuộc.
trò ô ăn quan
Ô ăn quan cho trẻ rèn luyện suy nghĩ, bé nào chơi trò này giỏi chứng tỏ bé đó rất biết cách tính toán. Ảnh Internet

2.5 Trò chơi Cướp Cờ

Đây là trò chơi dân gian tập thể rất được yêu thích của các bạn nhỏ.

2.5.1 Cần chuẩn bị
  • Một chiếc khăn.
  • Một vòng tròn.
  • Kẻ một vạch xuất phát cũng làm điểm đích.
2.5.2 Cách chơi
  • Người tổ chức trò chơi chia nhóm tham gia thành hai đội có số lượng bằng nhau, mỗi đội có từ 5-6 bạn, xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát của đội của mình. Đặt số thứ tự cho từng bạn và bạn đó phải nhớ chính xác số của mình.
  • Sau đó, quản trò (người tổ chức) sẽ bắt đầu gọi tên số bất kỳ, hai bạn cùng số trong hai đội sẽ chạy đến vòng tròn và cướp lấy cờ.
  • Tiếp đến quản trọ gọi số thứ tự nào thì số đó phải chạy về, quản trò được quyền gọi nhiều số cùng một lúc.
2.5.3 Luật chơi
  • Người đã bắt được cờ nếu bị bạn cùng số của đội khác vỗ vào người sẽ thua cuộc.
  • Khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người, thắng cuộc.
  • Người chơi không được ôm, giữ nhau cho bạn cướp cờ.
  • Người chơi tìm cách lừa đối phương để mang cờ về, chỉ được cướp cờ trong vòng tròn.
  • Khoảng cách cờ đến hai đội phải tương đương.
trò chơi cướp cờ
Cướp cờ khi bé tham gia sẽ có sự nhanh nhẹn và có tinh thần đồng đội hơn. Ảnh Internet

2.6 Đua thuyền trên cạn

2.6.1 Cách chơi
  • Cô giáo hãy chia trẻ thành các nhóm nhỏ (mỗi nhóm có khoảng 7 – 8 trẻ).
  • Cô cho trẻ ngồi thành hàng dọc theo từng nhóm, trẻ ngồi sau cặp chân vào hết vòng bụng của trẻ ngồi trước để tạo thành một chiếc thuyền đua.
  • Khi nghe hiệu lệnh của cô, tất cả các thuyền đua dùng sức 2 tay của tất cả các thành viên trong nhóm nâng cơ thể lên và tiến về phía trước cho đến đích.
2.6.2 Yêu cầu
  • Các thuyền đua phải cố gắng bám thật chặt vào nhau để không bị đứt thuyền trong khi đang di chuyển.
  • Cô giáo có thể chuẩn bị các giải thưởng để thưởng cho các đội về 1, 2, 3 để tăng tính hấp dẫn, tạo sự phấn khởi cho trẻ khi tham gia trò chơi.
đua thuyền trên cạn
Trò đua thuyền này xuất hiện rất nhiều ở các tập thể và đặc biệt là rất hay xuất hiện vào các lễ hội. Ảnh Internet

2.7 Bịt mắt bắt dê

2.7.1 Đặc điểm

Rèn luyện thính giác, óc phán đoán cho trẻ. Cần một sân rộng vừa đủ cho số lượng người chơi

2.7.2 Cách chơi thứ nhất
  • Cho trẻ chơi trò tay trắng tay đen trước để cuối cùng ra 2 người. Và 2 trẻ bị loại sẽ chơi oẳn tù tì, người thua sẽ bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê.
  • Những trẻ còn lại thì đứng thành vòng tròn. Những trẻ làm dê phải luôn miệng kêu “be, be” và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. ”Những con dê” không được chạy ra khỏi vòng tròn, nếu phạm luật thì sẽ bị tahy thế người đang bịt mắt. Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người khác.
2.7.3 Cách chơi thứ hai

Người chơi cũng phải oẳn tù tì như ở cách 1 để tìm ra người bị bịt mắt đi tìm dê và người làm dê.

Sau khi dùng khăn tay bịt mắt, ”những con dê” sẽ chạy xung quanh người bịt mắt bằng cách đập vào vai hay vuốt má người bị bịt mắt rồi chạy trước khi người đó chụp mình. Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, phải đoán và nói tên của người đó. Nếu nói đúng thì người bị bắt sẽ bị bịt mắt, còn nếu nói sai trò chơi tiếp tục như cũ.

bịt mắt bắt de
Trò chơi bịt mắt bắt dê rất nhiều trẻ thích thú khi được chơi chung với các bạn hoặc bố mẹ của mình. Ảnh Internet

2.8 Rồng rắn lên mây

Đây là một trong những trò chơi dân gian cho trẻ rất được các bạn nhỏ yêu thích. Trò chơi này cần sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.

Cách chơi

Cô giáo sẽ cho 1 trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài, đi vòng vèo trong sân và vừa đi vừa đọc:

  • Rồng rắn lên mây
  • Có cái cây lúc lắc
  • Có cái nhà điểm binh
  • Có ông chủ ở nhà không?”

Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” thì trẻ dừng lại trước mặt “ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” thì trẻ sẽ đi tiếp, cũng vừa đi vừa đọc những câu như trên. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.

  • Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
  • Cả nhóm: Những xương cùng xẩu
  • Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
  • Cả nhóm: Chả có gì ngon
  • Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
  • Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” sẽ chạy đuổi bắt cho được “khúc đuôi” (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm sẽ dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thỉ trẻ đổi vai và chơi lại từ đầu.

rồng rắn lên mây
Các bạn nhỏ sẽ rất thích thú khi được rượt đuổi trong trò chơi rồng rắn lên mấy này. Ảnh Internet

2. Trò chơi trẻ em giúp trẻ thông minh

2.1 Thạch sắc màu

Đây là đồ ăn vặt nhiều bé rất thích lại có thể cho bé vừa học vừa ăn quan món ăn này. Thay vì những viên thạch đơn sắc, mẹ hãy thêm chút thời gian để đổ thạch 7 sắc cầu vồng cho bé. Trước khi ăn chỉ cần nhớ rửa tay bé thật sạch, vậy là hai mẹ con có thể thoải mái vừa chơi vừa học.

Bé sẽ học được bài học về màu sắc, về chất liệu mềm dẻo. Mẹ có thể chỉ cho bé về hiện tượng tự nhiên, chiếc cầu vồng đẹp lung linh sẽ xuất hiện sau mỗi cơn mưa nhé, bé sẽ thấy hứng thú hơn mỗi khi trời mưa để được đợi cầu vồng xuất hiện. Các mẹ cũng nên lưu ý, khi cho bé nhỏ ăn món này cần có sự giám sát của người lớn.

2.2 Vẽ bằng những ngón tay

Trò chơi này dành cho các bé thích vẽ từ 2 tuổi trở lên, mẹ chỉ cần lưu ý chọn màu vẽ an toàn cho con (màu có nguồn gốc thực phẩm) và lót một tấm thảm trước khi cho con chơi để các bé không dây bẩn ra nhà. Các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy sẽ khiến bé yêu nhà bạn thích thú lắm rồi. Mẹ hãy dùng sự sáng tạo của mình để tưởng tượng ra những hình dáng đồ vật, con vật quen thuộc từ các hình vẽ của bé để khen thưởng bé, việc này sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của con.

màu sắc
Các trò chơi về màu sắc sẽ giúp bé nhận biết tốt hơn, kích thích các giác quan phát triển. Ảnh Internet

2.3 Bột nặn màu sắc

Trẻ em thường thích chơi với cát, và chúng cũng thích các loại bột nặn – việc này giúp trẻ có được kĩ năng sử dụng đôi tay khéo léo và cũng góp phần không nhỏ kích thích trí tưởng tượng của các bé. Thay vì đi tới tiệm đồ chơi và mua những loại bột nặn đắt tiền, hãy tự chế bột nặn an toàn cho bé, thêm vào ít cát sạch, vậy là bé sẽ có thêm cực nhiều trò chơi mới thú vị rồi đó.

2.4 Khu vườn của bé

Gạo, màu thực phẩm và một ít cây, hoa giả… vậy là mẹ và bé có thể có hàng giờ liền chơi với khu vườn đầy sắc màu thần tiên này. Hãy cùng bé chơi trò nhập vai làm công chúa dạo chơi trong vườn; hay làm bác nông dân chăm chỉ trồng cây, tưới hoa để sau mỗi lần chơi bé biết thêm yêu thiên nhiên, biết chăm sóc, trân trọng và yêu vẻ đẹp của hoa lá cỏ cây.

bột nặn và khu vườn
Tự bột nặn bé có thể sáng tạo nên nhiều thứ khác nhau và có thể làm thành một khu vườn xinh xắn cho bé. Ảnh Internet

2.5 Xé và dán giấy

Đây là một trò chơi phổ biến cho các bé, tuy nhiên các bậc phụ huynh hay bỏ qua nó.

Không chỉ là trò chơi tốn ít chi phí, việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau còn giúp bé luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà nó còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt khi bạn biết cách. Ví dụ bạn có thể cùng bé xếp hình các loại cờ của các quốc gia, xếp đến đâu gọi tên nước đến đó, bé sẽ rất nhớ cờ nào của nước nào sau khi xếp được hình cờ đấy. Mẹ có thể cho bé tự chơi chơi hàng giờ và không cần để ý đến bé.

2.6 Tìm điểm giống và khác nhau

Trẻ con rất thích chơi trò chơi này. Khi cho bé chơi trò chơi tìm điểm giống và khác nhau giữa hai bức tranh, mẹ cần chú ý lúc đầu là những sự khác biệt đơn giản, sau đó từ từ nâng dần độ khó. Các bé sẽ học được sự nhanh mắt cùng nhẫn nại khi tham gia trò chơi này.

2.7 Tìm đồ vật cất giấu

Bạn hãy giấu những món đồ chơi mà bé yêu thích như gấu bông, xe hơi… nhưng lưu ý rằng cố tình để bé thấy bạn để chỗ nào. Kế tiếp, khéo léo hỏi và ngỏ ý muốn bé tìm giúp. Ban đầu, bạn giấu 1, 2 đồ vật sau đó tăng lên nhiều món đồ cùng lúc. Chắc chắn trí nhớ và sự nhanh nhạy của bé sẽ được nâng lên đáng kể khi được chơi trò chơi này.

tre em choi tro choi
Trò chơi trẻ em giúp phát triển trí não của trẻ, tăng khả năng phán đoán và sáng tạo. Ảnh Internet

3. Trò chơi trẻ em giúp trẻ tăng cường sức khỏe

3.1 Nhảy dây

Có rất nhiều hình thức nhảy dây. Mục đích của trò chơi này đều thiên hướng vận động toàn thân và tập trung nhiều nhất ở cơ chân, mắt. Vì muốn nhảy tốt, trẻ cần phải linh hoạt giữa mắt và chân để sao cho nhịp chân không bị lỗi nhịp với dây. Nhảy dây được coi là trò chơi thiếu nhi ngoài trời khá thú vị và thích hợp với cả con trai, con gái. Trò chơi này cũng cực kỳ an toàn với trẻ vì vậy, mẹ hãy khuyến khích bé chơi nhiều hơn. Chỉ cần cho bé một không gian nhỏ để chơi nhảy dây một mình hoặc nhảy dây cũng bạn bè để bé vui hơn và khỏe hơn.

3.2 Đá bóng

Trò chơi này rất được ưu thích ở trẻ em, đặc biệt là các bạn nam. Nhìn chung, đá bóng là môn thể thao thú vị và mang nhiều ý nghĩa. Đá bóng sẽ giúp bé vận động toàn bộ cơ thể, dạy bé học cách làm việc chung, tinh thần đồng đội... Tuy nhiên, trò chơi này sẽ có tính va chạm mạnh nên mẹ cần phải dặn dò bé thật kỹ trước khi chơi để tránh ảnh hưởng nhiều tới thân thể.

3.3 Bóng chuyền

Bóng chuyền là trò chơi mang tính chất đồng đội và sự ăn ý khéo léo. Đây là trò chơi giúp bé phát triển chiều cao rất tốt. Trò chơi này dành cho những bé lớn vì nó yêu cầu sự linh hoạt, khéo léo tối đa ở đôi tay, mắt, chân cùng trái bóng. Đặc biệt, trò chơi này thiên về tay, chân, cổ. Các cánh tay sẽ được sải dài để ném bóng, đồng thời trẻ phải dùng sức bật của chân để nâng toàn bộ cơ thể nhảy trước khi ném. Nhờ vậy, các cơ tay, chân, cổ, lưng được vận động tối đa và phát triển tối ưu.

3.4 Kéo co

Trò chơi tập thể ngoài trời này hẳn rất thú vị và cũng giúp bé phát triển tối đa kỹ năng vận động, sức khỏe, tinh thần. Trò chơi này cũng khá an toàn và tập trung vận động cơ tay, chân nhiều nhất. Đặc biệt quyết định thắng thua trong trò chơi là do cả đội đều phải cố gắng thì mới có thể thắng được.

3.5 Bơi lội

Với những đứa trẻ yêu thích bơi lội thì cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con được bơi thường xuyên, nhờ vậy cơ thể trẻ sẽ phát triển cân đối và cao nhanh. Bơi lội là môn thể thao duy nhất giúp trẻ vận động tất cả các cơ trong cơ thể, các cánh tay sải dài, chân đạp quấy liên tục, đầu ngụm lặn thường xuyên. Khi toàn bộ cơ thể đều vận động thì việc trẻ sớm có vóc dáng đẹp, cân đối, khỏe mạnh và cao lớn là điều hiển nhiên.

trò chơi
Có rất nhiều trò chơi giúp trẻ tăng cường thể lực và sức khỏe được tốt hơn. Ảnh Internet

4. Lợi ích của các trò chơi trẻ em

  • Hoạt động chủ đạo của trẻ em chính là hoạt động vui chơi. Trẻ em không chỉ cần được chăm sóc sức khoẻ, được học tập, mà quan trọng nhất trẻ cần phải được thoả mãn nhu cầu vui chơi.
  • Các trò chơi mang lại cho thế giới trẻ thơ nhiều điều thú vị và bổ ích, đồng thời thể hiện nhu cầu giải trí, vui chơi, quyền được chia sẻ niềm vui của các em với bạn bè, cộng đồng.
  • Nó làm cho thế giới xung quanh các em đẹp hơn và rộng mở.
  • Giúp các trẻ thêm gắn bó với nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết và ý thức tập thể của trẻ.
  • Giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
  • Thông qua hoạt động vui chơi, các trẻ nhỏ có cơ hội phát triển trí tuệ, thể chất, tình cảm quan hệ xã hội, qua đó nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.
  • Trẻ em phát triển nhận thức và giúp trẻ tăng cường sức khỏe , linh hoạt đầu óc khá rõ rệt. Trẻ nhanh nhẹn, năng động, tự tin và hồn nhiên trong giao tiếp với mọi người.

Lưu ý khi lựa chọn trò chơi cho các em nhỏ

  • Trò chơi không quá đơn giản nhưng cũng không quá phức tạp.
  • Đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trò chơi dễ kiếm, dễ tìm.
  • Giúp củng cố tư duy, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng cho trẻ.
  • Gây được hứng thú, thu hút sự chú ý của trẻ.
  • Khuyến khích các trò chơi có tính đồng đội, tập thể.
bé vui chơi
Cho bé vui chơi các trò chơi bổ ích để giúp bé phát triển toàn diện các mẹ nhé. Ảnh Internet

Trò chơi trẻ em đang ngày một đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên một điều đáng chú ý là hiện nay có rất nhiều trẻ em dành tất cả thời gian của mình vào thiết bị công nghệ, điều này luôn khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Thay vì cấm cản, bố mẹ hãy khuyến khích và sáng tạo những trò chơi vui nhộn cho bé để thay thế, khích lệ bé tham gia vui chơi cùng mình hoặc các bạn bè của bé. Điều này thực sự rất tốt cho bé và bố mẹ sẽ không còn sợ những ảnh hưởng không tốt của công nghệ cho trẻ em ngày nay nữa.

Chi Lê tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI