Trẻ sơ sinh khóc đêm, dân gian hay gọi khóc dạ đề là cơn khóc kéo dài, trong y khoa gọi là khóc do co thắt ruột. Khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh lý. Đây là một sự thay đổi làm trẻ đang khỏe mạnh vào ban ngày, đột ngột khóc dữ dội vào chiều tối hoặc ban đêm, tiếng khóc to đỏ mặt, ưỡn người.
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc đêm
- Tè dầm
Tè dầm là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh khóc đêm. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ sẽ không tránh khỏi việc trẻ hay tè dầm trong đêm. Nước tiểu khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, lúc này khóc chính là cách để con “nói” với mẹ nên vệ sinh hay thay bỉm cho con. Mẹ chỉ cần thay bỉm mới và nhẹ nhàng vỗ về trẻ thì trẻ sẽ thôi khóc và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
- Mọc răng
Khi trẻ trong giai đoạn mọc răng thì thường sốt nhẹ và có cảm giác đau ở nướu. Lúc này, trẻ thường khó chịu và quấy khóc vào ban đêm. Trong trường hợp này, mẹ nên dùng một ít đá lạnh bọc khăn, chườm lên má của con để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Cách này sẽ giúp bé yêu ngủ ngon và sâu hơn. Khi răng trẻ đã nhú hoàn toàn ra bên ngoài, trẻ sẽ không còn khóc đêm nữa.
- Nghẹt mũi
Thay đổi thời tiết rất dễ khiến trẻ bị nghẹt mũi, nên trẻ chuyển sang hít thở bằng miệng. Việc này làm cho cổ họng con bị khô, dẫn đến ho khan gây khó chịu nên quấy khóc. Để hạn chế tình trạng này, khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nghẹt mũi, mẹ nên thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Điều này, sẽ giúp làm sạch và giữ ẩm cho khoang mũi nên con sẽ thở dễ dàng, ngủ ngon giấc hơn, không còn tình trạng khóc đêm nữa.
- Nhiệt độ phòng không phù hợp
Nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng cũng có thể khiến trẻ khó chịu, ngủ không ngon giấc và quấy khóc về đêm. Do đó, mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp nhất. Và nhiệt độ thích hợp với con là nhiệt độ mà mẹ cảm thấy dễ chịu và đủ ấm. Khi trẻ đi ngủ, mẹ nhớ đắp thêm chăn hoặc cho trẻ mặc thêm quần áo dài tay.
- Tiêu hóa không tốt
Nếu mẹ thấy trẻ sơ sinh khóc đêm và có triệu chứng bụng phình to hay đánh rắm thì có thể là do trẻ bị đầy bụng, ăn không tiêu. Trường hợp này, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cho bé sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Chỉ cần tình trạng này được cải thiện, thì hiện tượng trẻ sơ sinh khóc đêm sẽ không còn nữa.
- Dị ứng thức ăn
Trẻ có thể phản ứng lại với protein trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Một số trẻ bú mẹ có thể dị ứng với một số món ăn trong khẩu phần của mẹ. Việc không thể dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa cũng là nguyên nhân thường gây khó chịu ở trẻ nhỏ, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh hay khóc đêm.
- Thiếu vitamin hay canxi
Trẻ sơ sinh khóc đêm có thể do trẻ bị thiếu canxi khiến cho máu phải huy động canxi từ xương khiến trẻ còi cọc và hay quấy khóc.
- Đói hoặc khát
Có thể trong lúc bú mẹ, trẻ chưa bú đủ no nên khi trẻ đang ngủ trẻ cảm thấy đói hoặc khát đòi ti mẹ. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho trẻ sơ sinh khóc đêm.
- Do hoạt động quá mức
Hệ thần kinh của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện nên khả năng ức chế còn kém. Ban ngày nếu trẻ hoạt động quá sức, thì ban đêm não bộ của con vẫn còn duy trì trạng thái hưng phấn, khiến con đột nhiên la khóc khi đang ngủ. Vì thế, mẹ không nên cho trẻ hoạt động quá mức vào ban ngày, để giấc ngủ vào ban đêm của con yêu được sâu và ngon hơn.
2. Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh khóc đêm
2.1 Chăm sóc tại nhà
- Cho trẻ bú đủ no nhưng không quá no và cũng không đói.
- Đảm bảo trẻ không nuốt nhiều hơi trong khi bú. Bế trẻ thẳng người trong khoảng 15 phút sau khi bú.
- Giữ một thời gian biểu nhất định về ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa, đảm bảo trẻ không bị khó chịu bởi ánh sáng và tiếng ồn trong ngày.
- Chọn tã vừa vặn với trẻ, thay tã thường xuyên để giữ tã trẻ sạch sẽ.
- Dỗ dành trẻ, ôm trẻ vào lòng, nói lời yêu thương hoặc hát ru.
- Đưa trẻ đi dạo, tắm nắng thường xuyên
- Vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng.
- Không cho trẻ vận động, nô đùa quá nhiều vào buổi tối trước giờ đi ngủ.
- Bổ sung đủ canxi và vitamin D cho trẻ
- Không cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, dậy sớm và hoạt động nhiều vào buổi sáng từ 9h đến 12h.
2.2 Thăm khám tại bệnh viện
Nếu tình trạng khóc đêm kéo dài dai dẳng kèm theo các triệu chứng như: ngủ ngáy, có giật khi ngủ, ngủ bị mộng du, hoảng sợ, khóc thét..., mẹ nên quan sát con cẩn thận để đánh giá chính xác tình trạng hiện tại của con. Sau đấy, mẹ cần cho con đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm các yếu tố vi lượng như magie, kẽm…
Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm thóp hoặc điện não đồ để chẩn đoán kết quả. Khi cho con đi khám, cha mẹ nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có chế độ điều trị phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng vì rất có thể trẻ có vấn đề với hệ thần kinh.
Trẻ sơ sinh khóc đêm khiến cho cha mẹ rất vất vả nhưng khi biết được nguyên nhân sẽ giúp các mẹ tìm ra đúng cách khắc phục và cải thiện tốt nhất. Yeutre.vn hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho các bố mẹ những thông tin thật sự bổ ích để cha mẹ bớt mệt mỏi vì tình trạng trẻ khóc đêm, cũng như cha mẹ sẽ có cách chăm sóc con tốt hơn.
Ngọc Huyền tổng hợp