Chúng ta thấy rằng dù chúng ta rất yêu động vật và muốn nhận bất cứ chú chó nào mình nhìn thấy về làm vật nuôi, hay chúng ta rất sợ chó và chỉ muốn sống ở một khu vực không có chúng, thì có một sự thật không thể chối cãi rằng chó là một phần của cuộc sống.
Xung quanh chúng ta có hàng triệu triệu người nuôi chó như thú cưng. Chúng ta có thể gặp chúng ở bất cứ đâu: trong thị trấn, trên thành phố, ở một đất nước nọ và thậm chí khi bạn đi nghỉ. Chúng xuất hiện với nhiều chủng loại, kích cỡ, “tính cách” – nhiều như những đứa trẻ vậy.
Và những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi, hầu như rất thích chó, trẻ có thể gần gũi và coi chúng như bạn thân. Đó chính là nguồn gốc của mối nguy cơ “trẻ bị chó cắn”.
Vậy làm sao để hạn chế những rủi ro có thể xảy đến cho các bạn nhỏ, chúng ta nên làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Dưới đây là những quy tắc mà phụ huynh hay người lớn nào cũng nên biết, và hãy trao đổi với trẻ một số điều liên quan cần thiết, để cùng nhau tránh tai nạn này.
1. Hiểu và áp dụng “cách cư xử” của loài chó
Áp dụng cách cư xử của loài chó không có nghĩa là chúng ta phải ăn trên sàn hay tè trong một khu vườn nào đó. Nó có nghĩa là chúng ta áp dụng những quy tắc khi gặp hoặc ở cùng một chú chó, đặc biệt là đối với một chú chó mới gặp.
Khi mới gặp ai đó lần đầu, chúng ta thường bắt tay và chào hỏi. Tương tự như vậy khi trẻ gặp một chú chó lần đầu, trẻ cần được học cách cư xử đúng mực để khi ở cùng chúng, chúng sẽ thích vì những hành động lịch sự của trẻ và hơn hết đó là chúng sẽ ít có khả năng cắn trẻ nhất.
Vậy những quy tắc cư xử đó là gì, chúng ta cùng xem nhé.
2. Học quy tắc an toàn “DOG SAFE”
Một chuyên gia về loài chó đã đưa ra một cách khá đơn giản để nhớ được 7 quy tắc an toàn đối với chó đó là “DOG SAFE”:
D: vui lòng đừng chọc ghẹo
O: chỉ nựng khi được phép
G: hãy cho các chú chó có không gian
S: hãy chậm rãi
A: luôn luôn tìm sự giúp đỡ
F: các ngón tay luôn khép lại cùng nhau
E: (nên nhớ) ngay cả những chú chó hiền vẫn có thể cắn
Hãy xem cụ thể chúng ta nên làm gì đối với những quy tắc này nào.
2.1 D: vui lòng đừng chọc ghẹo
Chọc ghẹo một chú chó có thể khiến chúng dễ dàng tức giận hoặc thất vọng đủ để cắn bạn. Ví dụ, nếu một chú chó đang ăn hay đang chơi một món đồ chơi nào đó, đừng cố lấy nó khỏi chúng. Bạn thử tượng tượng mình sẽ bực mình thế nào nếu bị ai đó lấy mất đồ ăn nhẹ yêu thích của mình. Hãy giải thích và nói với trẻ như vậy.
2.2 O: chỉ nựng khi được phép
Trẻ không bao giờ nên vuốt ve một chú chó mà không hỏi qua chủ của chúng. Một số cón chó không muốn bị người lạ chạm vào. Đặc biệt, bạn hãy dạy trẻ, đừng cố cưng nựng một chú chó đi lạc nhé.
2.3 G: hãy cho các chú chó có không gian
Các bạn nhỏ thường thích chạy đến cạnh những chú chó để vuốt ve hoặc ôm chúng. Tuy nhiên, chó cần có không gian. Sự chật chội bức bối có thể khiến chúng sợ hãi và nổi giận.
2.4 Hãy chậm rãi
Một số loài chó rất thích rượt đuổi và cắn người khác. Tất nhiên là bạn không muốn bị đuổi và bị cắn đúng không nào. Vì vậy để trẻ tránh được tình trạng bị rơi vào cuộc rượt đuổi của một chú chó, hãy nói vớ con về việc cố gắng di chuyển thật chậm quanh chúng.
Bạn không bao giờ nên chạy về phía một chú chó hoặc chạy khỏi chúng. Nếu một chú chó lạ chạy về phía bạn, hãy đứng yên. Nếu bạn cần phải đi khỏi, hãy lùi lại thật chậm. Và trẻ cũng cần biết điều này.
2.5 Luôn luôn tìm sự giúp đỡ
Kể cả bạn lẫn trẻ đều có thể bị cám dỗ về việc nhận nuôi một chú chó bị thương hay ngược đãi. Tuy nhiên, những chú chó trong tình trạng này thường dễ bị hoảng sợ và tổn thương. Vì vậy hãy cân nhắc và giải thích cho trẻ về việc một địa điểm chăm sóc thú nuôi có thể làm việc này tốt hơn nhé.
2.6 Luôn khép các ngón tay
Hãy hướng dẫn trẻ rằng, khi trẻ cho một chú chó ăn một miếng nhỏ món gì đó, hãy để miếng đồ ăn trong lòng bàn tay của trẻ và khép chặt các ngón tay kể cả ngón cái lại. Tại sao phải làm như vậy? Vì khi chúng ta khép ngón tay lại như vậy, chú chó sẽ đỡ bối rối hơn trong việc xác định đâu là đồ ăn của mình: miếng thức ăn hay những ngón tay của chúng ta.
2.7 (Nên nhớ) ngay cả những chú chó hiền vẫn có thể cắn chúng ta
Một số người rất ngạc nhiên khi chó của họ cắn ai đó. Nhưng bạn nên nhớ rằng tất cả các con chó đều có thể cắn. Vì vậy hãy nhắc nhở trẻ tránh làm những việc khiến chúng sợ hãi hay nổi giận ví dụ như dồn chúng vào góc tường hay quấy rầy giấc ngủ của chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên chỉ con con biết chú ý những dấu hiệu cho thấy chúng có thể sẽ cắn đó là: gầm gừ, lùi lại và nhe răng.
3. Nắm quy tắc "Có người lớn trông chừng cả trẻ và chú chó mà trẻ chơi cùng"
Ngoài 7 quy tắc trên thì một quy tắc có vai trò quan trọng nhất có lẽ là “Luôn có người lớn trông chừng trẻ và chú chó trẻ chơi cùng”.
Mặc dù rất nhiều chú chó thích trẻ em, nhưng để đảm bảo an toàn thì người lớn cần luôn trông chừng cả trẻ và chó. Vì người lớn có thể giúp kiểm soát chó hoặc quyết định rằng chúng và trẻ đã chơi đủ với nhau và cần tách nhau ra.
Người lớn cũng có thể nhắc nhở trẻ cách xử sự đúng mực với những chú chó cũng như giúp trẻ biết được nên thay đổi cách cư xử với chú chó mình tiếp xúc, tùy thuộc vào mức độ bạn biết chúng. Ví dụ, trẻ có thể chơi trò chơi đuổi bắt một cách thân thiện với chú chó con mới của gia đình. Nhưng, trẻ sẽ không muốn chơi cùng một chú chó lạ đang gầm gừ.
Nói về những con chó lạ, đây là một lý do khác của việc cần người lớn theo dõi. Đó là nếu có một con chó lạ đi vào khu vực nhà mình, thì một người trưởng thành có thể quyết định làm gì tiếp theo. Còn, trẻ thì cần phải ở trong nhà cho đến khi có được sự trợ giúp hoặc chú chó được đưa về cho chủ của nó.
Như vậy trẻ bị chó cắn sẽ không còn là việc khiến người lớn phải quá lo lắng nếu những quy tắc trên được áp dụng một cách triệt để. Khi trẻ áp dụng được cách cư xử của chó, và người lớn thì trông chừng cả trẻ và những chú chó mà trẻ chơi cùng, thì một ngày có thể kết thúc thật tốt đẹp. Đó là những đứa trẻ hạnh phúc, những chú chó vui vẻ và không ai bị cắn cả.
- Lời nhắn từ Yeutre.vn đến các phụ huynh
Thời gian vừa qua, chúng ta đã phải nghe những câu chuyện rất thương tâm về việc trẻ bị chó cắn, từ bị thương nghiêm trọng đến tử vong. Dù đến nay, các vụ việc đã lắng xuống và chúng ta không còn nhắc nhiều đến, song điều này không có nghĩa là mọi việc thực sự đã yên ổn. Ở đâu đó vẫn còn rất nhiều những chú chó chưa được chích ngừa, luôn chạy rông và không được rọ mõm.
Mùa hè đã về cộng cái nóng bức tràn khắp mọi lối, những chú chó dù là vật nuôi, dù được chăm sóc cẩn thận, vẫn luôn nằm trong nguy cơ bệnh dại theo mùa. Hoặc, chúng có thể lao vào cắn trẻ bất cứ lúc nào khi trẻ không cảnh giác, hoặc không có những hành động phù hợp khi gặp chó.
Trẻ con của chúng ta, vào những ngày được nghỉ học vẫn có thể vui chơi tung tăng ở nơi này nơi nọ, con chưa đủ lớn và ý thức để cảnh giác về những nguy cơ như bị chó cắn đang rình rập.
Vậy nên, để phòng tránh những nguy cơ mà chúng ta không thể biết hay lường trước được liên quan đến việc bị chó căn, phụ huynh cần chủ động cập nhật những quy tắc rất hữu ích đã được chia sẻ, luôn cẩn thận và trao đổi với con trẻ, hướng dẫn cho con quy tắc an toàn, để con có thể hiểu và tự bảo vệ mình đúng lúc. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên chú ý và không xao nhãng việc trẻ chơi đùa quanh các khu vực có nhiều vật nuôi, hoặc chủ quan về tình trạng vật nuôi đã được tiêm phòng ngừa dại.
Sự cẩn trọng của người lớn chúng ta luôn cần thiết và không khi nào là thừa, vì chúng ta không thể biết hết những rủi ro có thể xảy đến với trẻ.
Theo Kid's Health
Lily Nguyễn lược dịch