Trẻ liên tiếp nhập viện vì bị chó cắn rách mặt

Bé gái 2 tuổi vào viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) cấp cứu trong tình trạng mặt bị chó nhà cào rách, lộ cả mô tuyến mang tai. Tuần trước, bệnh viện liên tiếp nhận 3 bệnh nhi cũng bị chó cắn.

banner ads

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cho biết vết thương vùng má phải do chó cắn của bệnh nhi 2 tuổi khá sâu, dài khoảng 3 cm. Bé được xử trí cắt lọc, rửa sạch vết thương, khâu thẩm mỹ, đồng thời chích ngừa. Ngoài chích ngừa chó dại cắn, bé cần chích thêm kháng huyết thanh ngừa uốn ván vì song song vết cắn thường là vết cào, trầy do móng chân chó rất dơ, chứa vi khuẩn tetanus.

30438-unnamed-1839-1439370263.jpg

Bé gái 2 tuổi ngụ Bình Dương nhập viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) ngày 11/8 vì chó nhà cắn. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Trong số 3 ca bệnh nhập viện liên tiếp tuần trước, nặng nhất là bé gái 3 tuổi ở Tp.HCM. Đồ chơi rơi gần chỗ chó nằm, bé đến lấy bị con vật bất ngờ cắn vào mặt. Phần môi của bé bị chó cắn đứt rời, được người nhà mang theo vào viện để các bác sĩ khâu nối liền.

Theo bác sĩ Đẩu, chó thường cắn vào vùng mặt và đa số vết rách do cắn dài, sâu, vết xướt mất nhiều da và cơ. Răng chó lại rất dơ nên vết thương thường phức tạp, thiếu hổng nhiều và dễ nhiễm trùng. Thời điểm chó cắn thường rơi vào ngày nghỉ hoặc khi bé hết giờ học ở trường, về nhà cha mẹ bận việc nên để bé chơi một mình.

Phụ huynh nên lưu ý trong dịp hè hoặc ngoài giờ học ở trường, các bé về nhà là thời gian phụ huynh bận việc nhà, ít để ý đến bé nên dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt là các gia đình nuôi chó nên càng phải chú ý hơn, cần cho bé chơi ở khu vực an toàn xa nơi nhốt hoặc nơi chó thường lui tới. Khi bị chó cắn nên mang bé đến ngay bệnh viện để cấp cứu kịp thời và chích ngừa cho bé.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM, nửa đầu năm nay, có 16.410 người bị súc vật nghi dại cắn phải đi tiêm văcxin phòng bệnh dại tại Tp.HCM, trong đó hơn 93% bị chó mèo cắn.

Trước tình hình số người bị động vật nghi dại cắn có chiều hướng gia tăng, để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh dại gây ra, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chó mèo. Nếu nuôi động vật phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

Khi bị chó mèo cắn, phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm văcxin phòng bệnh dại. Khi tiêm văcxin phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Cần theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI