Vậy uốn ván là gì, thời điểm nào nên tiêm phòng uốn ván và việc tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván có những lợi ích gì, các mẹ đã nắm rõ? Hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu về vấn đề này thật chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
1. Uốn ván là gì?
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một căn bệnh do vi khuẩn Clostridium tetani tiết độc tố thần kinh mạnh gây ra. Loại vi khuẩn này khá phổ biến, có thể dễ dàng đi vào cơ thể người thông qua các vết thương hở, vết xước, vết cắn hoặc các vết bỏng trên da.
Sau khi đã xâm nhập vào da, loại vi khuẩn này sẽ tiết ra độc tố và nhanh chóng thấm vào máu, tấn công hệ thần kinh của thai phụ. Nếu không được phát hiện kịp thời, thai phụ mắc bệnh uốn ván sẽ có nguy cơ tử vong rất lớn.
Nếu gặp phải các triệu chứng như: đột nhiên có cảm giác cứng ở cổ và cơ bụng, các cơ ở hàm miệng xảy ra tình trạng co bóp nhẹ, khó khăn trong việc nuốt thức ăn và gặp phải các triệu chứng sốt, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, cao huyết áp, vv… thì rất có thể các mẹ đã bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Trong trường hợp này, các mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn cách điều trị phù hợp.
2. Tiêm phòng uốn ván có những lợi ích gì?
Uốn ván tuy nguy hiểm, nhưng các mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng phương pháp tiêm chủng. Sau khi tiêm vắc-xin, các kháng thể sẽ được hình thành và sẵn sàng tiêu diệt mầm bệnh ngay khi nó chưa kịp phát triển để gây hại cho cơ thể.
Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh do sự suy yếu của hệ thống miễn dịch. Do đó, các mẹ càng nên tiêm vắc-xin phòng bệnh để hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra cho con. Hơn nữa, việc tiêm phòng uốn ván còn giúp cho thai nhi tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn trong lúc mới chào đời.
3. Khi nào bà bầu nên tiêm phòng uốn ván?
Thông thường, các mẹ bầu sẽ được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván từ tuần 22 đến tuần thứ 26 của thai kỳ. Loại vắc-xin này thường được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4 tuần. Theo đó, nếu mẹ bầu tiêm mũi đầu tiên ở tuần thứ 22 của thai kỳ thì mũi thứ 2 sẽ được tiêm khi thai nhi 26 tuần tuổi.
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn khuyến cáo mẹ bầu nên tiêm phòng uốn ván mũi thứ 3 để đảm bảo an toàn. Mũi này sẽ được tiêm cách mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng.
Đối với những mẹ đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng bệnh uốn ván ở lần mang thai trước, cách lần mang thai này 2 năm thì chỉ cần tiêm thêm 1 mũi tăng cường.
4. Những lưu ý khi tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ
Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu gặp phải các triệu chứng bất thường, thì phải nói ngay với bác sĩ để được tư vấn có nên tiêm phòng uốn ván hay không. Việc tiêm phòng uốn ván cần phải được tuân theo quy định cụ thể của bộ y tế Việt Nam. Do đó, các mẹ không được tự ý tiêm thêm nếu không được chỉ định.
Các mẹ cũng lưu ý rằng, việc tiêm phòng uốn ván có thể gây sưng và đau tại chỗ tiêm. Để giảm đau nhanh chóng và giảm sưng hiệu quả, các mẹ có thể chườm mát vào cánh tay.
Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là một trong những việc vô cùng cần thiết cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Các mẹ nhất định nên đi tiêm theo hướng dẫn của bác sỹ. Và có thể đi tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván ở các trung tâm y tế dự phòng, phòng tiêm chủng quốc tế, các trạm ý tế, trung tâm tiêm phòng và các bệnh viện, vv…
Ái Quê tổng hợp