1. Sự phát triển của thai nhi 32 tuần
1.1. Hoạt động và sự phát triển của thai nhi 32 tuần
Thai nhi 32 tuần vẫn đang lớn thêm và càng ngày càng giống em bé lúc chào đời. Ví dụ, lông mi, lông mày và thậm chí cả tóc trên đầu bé hầu như đã “đâu vào đó”. Bé cũng đang bắt đầu rũ bỏ lớp lông măng (lanugo) bao phủ cơ thể. Mặc dù hầu hết lớp lông này sẽ biến mất nhưng một số em bé sinh ra vẫn còn “giữu lại” một ít lanugo.
Ở tuần thai này, em bé của bạn có một số hoạt động và sự phát triển đáng chú ý như:
- Bé có thể đã xoay đầu, hoặc sẽ sớm thôi. Tuy vậy bạn cũng đừng ngạc nhiên khi “vận động viên nhào lộn” nhí của bạn quyết định thay đổi vị trí nhiều lần trước khi chào đời. Bé thực sự sẽ vào đúng vị trí ít nhất một vài tuần trước khi sinh nên bạn đừng quá lo lắng.
- Chất béo vẫn đang tiếp tục được hình thành dưới da biến làn da của bé từ trạng thái nhìn xuyên thấu sang mờ đục hơn.
- Móng tay, chân của bé đã phát triển đầy đủ và có thể nhìn thấy. Bạn hãy chuẩn bị sẵn một chiếc bấm móng tay nhé, vì bạn sẽ sớm phải cắt những chiếc móng nhỏ xíu đó đấy.
1.2. Kích thước của thai nhi 32 tuần
Đến thời điểm này, em bé của bạn đã nặng khoảng gần 2kg và chiều dài từ đầu đến mông khoảng gần 30cm, tương đương với kích thước của một bắp cải napa - thật là dễ thương phải không!
2. Cơ thể mẹ bầu ở tuần hai thứ 32
Những thay đổi thường gặp nhất trong thai kỳ của bạn đó là về miệng, răng và nướu. Một số tình trạng liên quan có thể khiến bạn khó chịu gồm:
- Nướu nhạy cảm : bạn có thể thấy nướu của mình nhạy cảm hơn và dễ dàng bị chảy máu khi xỉa răng hoặc đánh răng. Để làm giảm tình trạng này, bạn có thể súc miệng bằng nước muối và sử dụng bàn chải mềm hơn.
- Răng lỏng lẻo : sự thay đổi hormone khi mang thai khiến hệ thống dây chằng trong cơ thể bạn trở nên lỏng lẻo hơn, và nó có thể bao gồm cả những dây chằng nhỏ giữ răng của bạn ở đúng vị trí. Tuy nhiên bạn hãy yên tâm, bạn không mất răng vì tình trạng này đâu. Cảm giác khó chịu này thường biến mất sau khi bạn sinh con.
- Loét miệng : bạn có thể bị những vết loét trong miệng gây đau và khó chịu, vì hệ thống miễn dịch của bạn đôi khi quá mệt mỏi để có thể loại bỏ vi khuẩn khỏi miệng của bạn. Tin vui là sau khi sinh, bạn sẽ thấy khá hơn nhiều, và bạn sẽ không còn thường gặp các vết loét này sau khi sinh.
Để giữ gìn vệ sinh răng miệng , bạn nên đánh răng 2 lần một ngày và thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng. Nếu bạn chưa lêm lịch hẹn với nha sỹ trong tam cá nguyệt thứ hai về vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng thì tuần thai thứ 32 là lúc bạn nên làm điều này. Các nha sỹ sẽ thực hiện các công việc cần thiết hoặc đề nghị trì hoãn bất cứ hoạt động nào lớn liên quan đến răng miệng của bạn cho tới khi bạn sinh xong.
2.1. Triệu chứng
Ngoài các biểu hiện thường gặp trên, bạn có thể trải qua những triệu chứng sau:
- Chuột rút chân : bạn có từng bị đau quặn ở bắp chân trong tuần thai 32 hoặc trước đó? Nếu có thì bạn không phải là người duy nhất bị chúng hành hạ vì đây là triệu chứng phổ biến ở giai đoạn gần cuối thai kỳ này. Để hạn chế bị chuột rút, bạn hãy thực hiện động tác kéo dãn chân trước khi đi ngủ. Nếu bạn gặp phải một cơn chuột rút, hãy cong bàn chân lên và xuống, đồng thời vuốt bắp chân theo chiều hướng về bàn chân. Việc này có thể giúp bạn thấy dễ chịu hơn.
- Bệnh tiêu chảy : bạn có thể bị tiêu chảy khi tới tuần thai thứ 32 hoặc bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy uống nhiều nước. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào đi kèm với tiêu chảy như: chuột rút vùng bụng, áp lực tại vùng chậu, đau lưng dưới, các cơn co thắt thường xuyên hoặc vỡ ối (có hoặc không kèm theo tiêu chảy), bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức.
- Chứng hay quên : không riêng gì khi ở thai tuần 32, mà ở tất cả các tuần trong thai kỳ bạn đều có thể bị chứng hay quên và khó tập trung. Việc lo lắng khi gần tới ngày sinh sẽ khiến tình trạng này tăng lên. Để giúp mình ghi nhớ những thứ quan trọng, bạn hãy viết ra một cuốn sổ, lưu vào điện thoại, hoặc nhờ người thân nhắc nhở.
2.2. Những việc bạn cần cân nhắc ở tuần thai thứ 32
Chẳng còn bao lâu nữa sẽ tới ngày bạn chào đón con yêu nên hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình:
- Bạn hãy cảnh giác với các triệu chứng : tăng cân đột ngột, đau đầu dai dẳng, thay đổi thị lực, đau ở bụng trên và/ hoặc vai, sưng hoặc có bọng mắt. Đây có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật rất nguy hiểm. Nếu nhận thấy những triệu chứng này, bạn hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.
- Bạn hãy chú ý đến cử động của em bé : tại các buổi khám thai định kỳ, bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn đếm cử động thai để theo dõi và đảm bảo em bé khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, bạn hãy lập danh sách những việc cần làm, có thể gồm:
- Hỏi bác sỹ tất cả những điều bạn còn đang thắc mắc.
- Bổ sung những vật dụng còn thiếu dành cho cả bạn và em bé.
- Tìm hiểu về các tuyến đường đến bệnh viện để nắm được thời gian và các phương án thay thế nếu xảy ra tình trạng tắc đường hay vấn đề về giao thông.
- Tìm hiểu về một hoặc một số bệnh viện mà bạn định sinh con. Khi thai 32 tuần , đây là thời điểm bạn không nên trì hoãn việc tìm hiểu hay chuẩn bị những gì cho việc sinh em bé nhé.
- Tìm hiều về các cơn co thắt để có thể nhận biết được khi chúng xảy đến.
Thai nhi 32 tuần nghĩa là bạn đã mang thai được 7-8 tháng, tùy thuộc vào cách bạn nhóm các tuần thành tháng như thế nào. Mặc dù vẫn còn một chặng đường nữa phải trải qua, nhưng bạn vẫn nên chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Như vậy bạn sẽ thấy thoải mái hơn và có thể đối phó với các tình huống bất ngờ một cách dễ dàng, an toàn nhất.
Theo Pampers
Lily Nguyễn lược dịch