1. Thai 8 tuần phát triển rất nhanh về não bộ
Vào giai đoạn này, thai nhi trong bụng mẹ đã dài khoảng 1.5 cm cùng với sự phát triển nhanh chóng của các tế bào thần kinh. Trong đó bộ não vẫn là cơ quan có tốc độ phát triển nhanh nhất, có thể tăng lên tới 1/3 kích thước ban đầu trong khoảng 3 đến 4 ngày. Bên cạnh đó, mí mắt đã che phủ toàn bộ vùng mắt của bé và ống thở dần mở rộng từ thanh quản đến các nhánh phổi. Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục được hình thành, môi trên và mũi, tai trong và tai ngoài cùng chân răng đã được phát triển đầy đủ.
Bên cạnh đó, hai cánh tay và chân cũng đã dài hơn và các ngón tay cũng bắt đầu được hình thành. Trong khi nếu dùng máy siêu âm, mẹ khó mà nhận ra các bộ phận cụ thể của chân thì bên trong đó các sụn xương cũng đã bắt đầu hình thành rồi. Các dây thần kinh cũng bắt đầu phát triển ở chi dưới và hình thành các bộ phận riêng biệt như đùi, chân và bàn chân. Hai quả thận của em bé đã đang lọc máu và tạo nước tiểu vào lúc này. Các cơ quan nội tạng cũng đang tiếp tục phát triển, trong đó ruột đã được trang bị thêm máu và dây thần kinh. Nhau thai cũng dần hoàn thiện đầy đủ các thành phần và chức năng.
2. Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào khi thai nhi 8 tuần?
Các dấu hiệu có thai như mất kinh, nôn ói, mệt mỏi, bạn cũng thấy quần áo bỗng trở nên chật chội hơn bình thường, điều này là do tử cung ngày càng phát triển lớn. Tình trạng thay đổi có những khác biệt đặc trưng dễ làm cho bạn nghĩ đến việc có thai. Bạn nên thử thai tại nhà hoặc tại bệnh viện một lần nữa để xác định một cách chắc chắn về tình trạng thai nghén của mình.
Mang thai 8 tuần, bạn có thể nhận thấy mình đã tăng lên vài kí so với trước khi có bầu, những cũng có một số bà bầu lại sụt cân trong giai đoạn này. Mặc dù vòng eo đã lớn hơn chút ít nhưng trông bạn vẫn chưa hẳn giống một bà bầu, hầu hết mọi người xung quanh vẫn chưa thể nhận thấy sự thay đổi trong cơ thể bạn. Dù vậy, chính bạn lại là người cảm nhận rất rõ sự tồn tại của em bé trong bụng qua những cơn ốm nghén, hay những dấu hiệu sinh lí khác như mệt mỏi, uể oải, mất ngủ, bạn còn cảm thấy tính khí và cảm xúc của mình thất thường thấy rõ.
Một số bà mẹ có thể dứt được các triệu chứng ốm nghén khi mang thai 8 tuần, nhưng một số khác lại gặp những trận buồn nôn suốt cả ngày, những triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi một vài tuần tới. Mặc dù bụng của bạn vẫn khá phẳng nhưng tử cung thì đã phát triển đáng kể và có thể đã chèn lên vào bàng quang. Điều này sẽ làm cho bạn muốn đi vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn. Mặc dù bàng quang có thể chứa một lượng nước tiểu nhất định nhưng nếu có thể hãy đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, đừng cố gắng kiềm chế, nó càng khiến bạn thêm khó chịu, chưa kể việc ảnh hưởng đến tử cung do bàn quang chèn ép ngược trở lại nữa. Còn nếu phải dậy vào ban đêm để đi và nó làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, bạn nên cố gắng uống nước ít hơn vào buổi tối.
3. Những việc mẹ bầu nên làm trong tuần thai thứ 8
Đừng quên những xét nghiệm quan trọng nha các mẹ, việc đi khám thai không đơn thuần là siêu âm xem bé đã lớn như thế nào. Có rất nhiều xét nghiệm quan trọng nhằm tầm soát bất cứ vấn đề nguy hiểm nào xảy ra với 2 mẹ con. Ngoài ra, trong mỗi lần khám bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên chăm sóc thai kì tốt nhất, những thực phẩm nên ăn thường xuyên, những thành phần dinh dưỡng cần bổ sung với liều lượng phù hợp...
Thêm vào đó, mẹ có thể xin tư vấn và tự mình đưa ra quyết định về việc khám sàng lọc trước sinh. Những xét nghiệm phức tạp này nhằm cho thấy em bé có phát triển bình thường không, có mắc dị tật bẩm sinh nào không... Mặc dù tỉ lệ khá thấp nhưng vẫn có những biến chứng xảy ra khi làm xét nghiệm, vậy nên mẹ cần cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Những lời khuyên cho mẹ khi mang thai 8 tuần
- Có chế độ ăn uống đủ chất, hợp lý, khoa học.
- Ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, không ăn các loại đồ ăn tái sống, không có nguồn gốc rõ ràng.
- Uống nhiều nước, không sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, lo âu...
- Cần hết sức thận trọng trong việc quan hệ tình dục.
- Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất để tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi. Tránh nhuộm tóc, lạm dụng việc trang điểm trong giai đoạn này.
- Chăm sóc răng miệng cẩn thận, đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần, nhất là sau khi ăn xong.
- Khi có bất kì khó khăn nào trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần tâm sự, chia sẻ với những người thân để nhận được sự giúp đỡ.
- Tiến hành khám thai định kì theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi.
Thai 8 tuần là thời điểm thích hợp để bạn tập cho bé thói quen kết nối với mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Quan trọng là bạn phải chú ý lắng nghe cơ thể cũng như em bé bạn nhé, để sức khỏe của thai kỳ được theo dõi một cách đầy đủ và chi tiết nhất có thể.
Nguyễn Vũ Thường tổng hợp