Tầm quan trọng của việc khám hậu sản sau sinh

Nhiều người quan niệm rằng, sau khi sinh xong nếu cơ thể người mẹ không có những bất thường thì không cần đi khám hậu sản, vì điều này là không cần thiết. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Việc khám hậu sản có vai trò quan trọng với sản phụ.

banner ads

Cùng tìm hiểu tầm quan trọng của khám hậu sản và quy trình khám hậu sản được tiến hành như thế nào nhé!

Sự cần thiết của khám hậu sản

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc khám hậu sản được các sản phụ tuân thủ khá nghiêm ngặt. Còn ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa phần là do thói quen nên khám hậu sản chưa được coi trọng. Thông thường chỉ những phụ nữ sau sinh, gặp những bất thường nào đó mới quay lại bệnh viện.

Khám hậu sản rất quan trọng giúp bạn phòng tránh các bệnh hậu sản nguy hiểm có thể gặp phải

Các bác sĩ cho biết, việc khám hậu sản rất quan trọng với phụ nữ sau sinh vì thông qua thăm khám hậu sản sẽ phát hiện và điều trị sớm các bệnh hậu sản nguy hiểm đến tính mạng và khả năng sinh sản về sau như: băng huyết, sản mòn, sa tử cung, sản dịch, nhiễm khuẩn hậu sản…

Ngoài ra, việc khám hậu sản cũng là dịp để các mẹ có cơ hội nhờ bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc hậu sản, chăm sóc em bé. Điều này rất tốt cho cả mẹ và con đặc biệt với những người lần đầu tiên làm mẹ thì càng có giá trị nhiều hơn.

Quy trình khám hậu sản

Sau khi sinh từ 7-10 ngày, bạn nên đi khám hậu sản để phòng tránh các bệnh hậu sản cũng như biết được thể trạng của mình. Quy trình khám hậu sản được tiến hành như sau.

Xét nghiệm sinh hóa và huyết học

Đo huyết áp cho phụ nữ sau sinh

Để đảm bảo sản phụ đã phục hồi hoàn toàn và ổn định sau sinh, khi khám hậu sản các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm sinh hóa và huyết học kèm đo huyết áp. Thông qua các xét nghiệm này, sẽ biết được thể trạng của bạn có tốt hay không và sớm phát hiện những bệnh hậu sản có thể mắc phải. Từ đó, có cách điều trị và phòng tránh sớm.

Khám vú

Việc khám vú và hai đầu núm vú là để kiểm tra liệu sản phụ có bị tắc tuyến sữa hay nguồn sữa có đảm bảo hay không? Thông qua đó, có thể điều trị sớm tắc tia sữa, để ngăn chặn áp - xe vú hoặc nguy hiểm hơn có thể ung thư vú.

Phụ nữ sau sinh cần khám vú và hai núm vú

Hơn nữa, nếu hai bầu sữa của bạn quá căng cứng, gây căng tức thông qua khám hậu sản các bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị và chăm sóc ngực, để chống ngực chảy xệ trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Khám bụng và đáy chậu

Nếu bạn sinh thường và trong quá trình sinh phải rạch tầng sinh môn thì các bác sĩ sẽ tiến hành khám đáy chậu để kiểm tra vết rạch đã khô và lành chưa. Bằng cách, bác sĩ sẽ cho tay vào âm đạo sau đó yêu cầu sản phụ co bóp, thắt chặt ngón tay của họ.

Nếu sinh mổ, bác sĩ sẽ kiểm tra vết mổ có bị nhiễm trùng hoặc có để lại sẹo hay không? Nếu có những bất thường sẽ sớm có cách điều trị để tránh viêm nhiễm nguy hiểm cho sức khỏe của sản phụ.

Khám âm đạo

Bác sĩ sẽ thực hiện khám âm đạo bằng cách kiểm tra vết rạch tầng sinh môn, từ đó phát hiện sớm những triệu chứng của viêm nhiễm âm đạo.

Ngoài ra, song song đó các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kích thước cổ tử cung bằng cách đưa ngón tay vào bên trong âm đạo.

Khám sản dịch

Thông thường phụ nữ sau khi sinh sản dịch sẽ chảy ra trong vòng 2 tháng (khoảng 6 tuần). Ban đầu sản dịch, có màu đỏ sau đó chuyển sang nâu, rồi nhạt dần thành màu trắng và sau đó trở lại bình thường.

Tuy nhiên, rất khó để có thể nhận biết được sản dịch có bình thường hay không, thông qua khám hậu sản các bác sĩ sẽ kiểm tra sản dịch từ đó cho bạn lời khuyên về cách chăm sóc cũng như phòng tránh biến chứng có thể xảy ra.

Khám tử cung

Trong quá trình “vượt cạn”, tử cung của người phụ nữ phải căng ra để em bé chào đời. Và để tử cung khôi phục lại trạng thái bình thường, người phụ nữ phải trải qua những cơn co thắt đau đớn trong một thời gian.

Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem tử cung đã hoàn toàn bình phục lại như trạng thái ban đầu hay chưa. Cũng thông qua đó sẽ tư vấn giúp sản phụ biết cách chăm sóc và phòng tránh sa tử cung.

Tư vấn các biện pháp tránh thai

Có thai ngoài ý muốn là nỗi lo của đa phần phụ nữ sau khi sinh con. Đã có nhiều cặp vợ chồng mới sinh con chưa tròn 1 năm đã lại có bầu. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người mẹ và thai nhi cũng như kinh tế gia đình. Do vậy, thông qua khám hậu sản các bác sĩ tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả nhất.

Các trường hợp cần khám hậu sản khẩn cấp

Nếu phát hiện những bất thường cần đi khám ngay lập tức

- Sản phụ bị ngất hoặc bất tỉnh

- Ra nhiều máu, máu có màu đỏ tươi kèm những cục máu đông.

- Sốt cao, đau bụng dữ dội và cơn đau tăng dần lên.

- Sản phụ bị nôn, ói kèm tiêu chảy

- Sản dịch có màu bất thường hoặc có mùi hôi khó chịu

- Vết khâu tầng sinh môn khi sinh thường, hoặc vết khâu ở bụng khi sinh mổ có triệu chứng bị sưng, đỏ, chảy dịch.

- Nước tiểu hoặc phân chảy ra từ âm đạo

- Tiểu buốt.

- Sản phụ da xanh xao, nhợt nhạt, móng tay trắng nhợt, cơ thể mệt mỏi, thở gấp, thở hổn hển, mạch đập nhanh kèm hoa mắt, chóng mặt.

Việc thăm khám hậu sản rất quan trọng với phụ nữ sau khi sinh. Thông qua khám hậu sản bạn có thể kiểm soát được sức khỏe của mình đồng thời phòng tránh cũng như phát hiện sớm các bệnh hậu sản. Từ đó, giúp mẹ có sức khỏe và an tâm chăm sóc em bé khỏe mạnh.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI