Phút trải lòng của mẹ đơn thân thần đồng Tuấn Minh

Chị Hà hiện đang là giảng viên của một trường Đại học ở Hà Nội. Nhà cách xa cơ quan, quỹ thời gian khá bận rộn dành cho việc giảng dạy nên công việc chăm sóc Tuấn Minh có sự hỗ trợ rất lớn từ phía ông bà.

banner ads

Tiếp xúc với người mẹ của cậu bé thần đồng, điều ấn tượng nhât chính là niềm tự hào của chị Hà về cậu con trai. Thế nhưng, qua câu chuyện của chị cũng thấu hiểu phần nào được nỗi lo lắng thường trực về con đường học hành sau này, làm sao để duy trì và phát huy được tố chất tuyệt vời mà Tuấn Minh đang sở hữu.

Vượt qua hoàn cảnh

Năm 2000 chị xây dựng gia đình, những tưởng con đường hạnh phúc sẽ êm đềm trôi đi như mong ước của hai bên. Thế nhưng, khi đám cưới vừa kết thúc được khoảng 2 tuần thì tai họa ập xuống. Trong một lần đi công chuyện, chị và chồng bị tai nạn. Cú va đập mạnh khiến chị mất tới 3 tháng mới phục hồi được hoàn toàn trí nhớ. Còn chồng chị đã ra đi mãi mãi khi cả hai chưa có một mụn con.

Vượt qua nỗi đau, chị dọn về sống cùng với gia đình chị gái bên chồng khoảng 4 năm. Đó cũng là khoảng thời gian chị được vui đùa, trò chuyện các cháu, một phần trong đó trở thành kinh nghiệm để chị chăm sóc Tuấn Minh sau này. Một thời gian sau, chị Hà dọn ra ở riêng nhưng rồi lại quay về sống trong nhà chị gái. Tiếp đó, chị chuyển về sống trong nhà của một người chú.

Khi đã ở tuổi ngoài 35, chị Hà mơ ước có một đứa con để chăm sóc, an ủi và vỗ về, đồng thời là chỗ dựa về tinh thần. Sau biết bao trăn trở và suy nghĩ, chị quyết định sẽ làm mẹ đơn thân.

6483-thandong4.jpg

Thần đồng Tuấn Minh. Ảnh tư liệu

“Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải tự mình lo liệu rất nhiều vấn đề của cuộc sống, gia đình sẽ thiếu đi bàn tay của người đàn ông. Nhưng rồi chị đã vượt qua tất cả để mang thai Tuấn Minh với biết bao hi vọng và niềm hạnh phúc”, chị Hà nói.

Thấu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm từ người cha của Tuấn Minh nên chị và gia đình dồn hết tình yêu thương, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bé không thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa.

Chị Hà tâm sự: “Tôi là người hay lo lắng nhưng khi ở bên Tuấn Minh dường như mọi lo toan, mệt nhọc đều tan biến. Tất cả nhường chỗ cho niềm hạnh phúc và sự bình yên”.

Vừa làm bố, vừa làm mẹ

Trong thời gian mang bầu Tuấn Minh, chị Hà gần như tự mình lo liệu toàn bộ mọi thứ. Từ thăm khám bác sĩ hàng tháng, chuẩn bị đồ dùng từ khi mang bầu đến khi sinh, chuẩn bị quần áo sơ sinh… tất cả đều trên tay chị.

Trong khi, với nhiều phụ nữ khác, suốt thai kỳ có sự hỗ trợ của người chồng, mỗi lần thăm khám có người đi cùng để động viên và chia sẻ.

Chị kể: “Lần đầu tiên mang bầu biết bao nhiêu lo lắng, hễ cứ có điều gì khác thường là chị lại đến gặp bác sĩ để khám và có tư vấn kịp thời. Người khác có thể không thế nhưng vốn dĩ tôi có tật hay lo lắng.

Nghe theo lời mọi người khuyên bảo, tất cả những đồ dùng cần thiết từ phích nước nóng, chậu, bô… đều được chuẩn bị trước khi sinh nhiều tháng”..

Nhớ lại những ngày tháng đã qua, khóe mắt chị lại rưng rưng nước mắt. Trên hành trình ấy, biết bao nhọc nhằn và vất vả nhưng rồi chị và bé đều vượt qua tất cả.

Bản lĩnh của người phụ nữ ấy thật đáng khâm phục. Theo lời chị Hà. có những lúc cảm thấy tủi thân nhưng vẫn gồng lên để vươn lên.

Sau khi sinh Tuấn Minh, công tác giảng dạy vất vả, thậm chí có những tuần, vì thời gian quá bận rộn nên cuối tuần chị Hà mới tất tả về nhà với con được. “Chính bố mẹ là chỗ dựa vững chắc và hỗ trợ chị rất nhiều.

Nghĩ nếu không có ông bà chắc không biết làm thế nào”, chị Hà chia sẻ. Một thời gian sau, công việc đỡ bận hơn, chị có thời gian để sáng đi tối – về.

Mẹ bé Tuấn Minh cho biết: “Lúc đầu đúng là bản thân chưa quen với việc làm mẹ đơn thân, một mình vừa làm mẹ nhưng cũng vừa làm bố nên cũng lạ lẫm. Bây giờ cũng quen dần với điều này, tôi xác định điều quan trọng là tất cả vì tương lai của Tuấn Minh”.

Thông minh nhờ tự học và mày mò tìm hiểu

Trong khi nhiều bạn bè còn mè nheo bố mẹ hay nghịch đồ chơi thì Tuấn Minh đã học thuộc nhiều kiến thức như cờ các nước, số điện thoại, học làm phép tính…Tuy nhiên, tất cả những tri thức đó có được là nhờ bé tự mày mò, tìm hiểu.

Đối với việc dạy con học, chị Hà có quan điểm không ép buộc Tuấn Minh. Ngoài ra, chị để cháu tự tìm kiếm và phát hiện những tri thức xung quanh cuộc sống.

"Nhiều lúc tôi phải giấu sách đi vì sợ cháu học trước thì sau này sẽ dễ chán và khi đi học chính thức sẽ lười. Quá trình hướng dẫn cháu tìm hiểu về quốc kỳ các nước hay học các hình vẽ trên 30 bộ tranh thời gian trước đây cũng vậy, đều diễn ra từ từ không có sự bắt ép cháu phải ghi nhớ tất cả.

Trẻ con ở tuổi này chủ yếu là ăn, ngủ, chơi, cho nên tôi nghĩ không quá gò bó. Việc học ở nhà là tự cháu hết. Nhưng không có nghĩa như thế là để mặc con mà khi cháu hỏi gì thì ông bà và mẹ sẽ cố gắng trả lời trong khả năng có thể”, chị Hà kể.

Dạy con nhờ từ điển

Với một cậu bé có trí nhớ tốt kèm việc thích tìm hiểu kiến thức mọi thứ xung quanh thì chuyện đặt ra nhiều câu hỏi không phải là chuyện lạ. Theo lời chị Hà, có những lúc Tuấn Minh đặt tới hơn 10 câu hỏi cùng một lúc. Thậm chí, chị đã phải mua 3 quyển từ điển về để hỗ trợ khi đưa ra câu trả lời cho Tuấn Minh.

6484-tuan-minh-o-nha-7da8512052014092321.jpg

Tuấn Minh có khả năng nhớ siêu việt khiến nhiều người nể phục. Ảnh tư liệu

Nếu như nhiều ông bố bà mẹ ngại việc đưa ra xin lỗi với con thì chị Hà lại rất chú ý điều này. Mỗi khi trả lời hoặc giải thích sai về từ ngữ với Tuấn Minh, chị sẵn sàng xin lỗi con và cố gắng giải đáp lại một cách thấu đáo nhất.

Mẹ bé Tuấn Minh cho rằng: “Việc xin lỗi con là chuyện bình thường, qua đó để giáo dục cháu khi làm việc gì sai thì phải biết xin lỗi. Ngoài ra, cháu đang ở tuổi hấp thụ nhiều tri thức nên khi phát hiện trả lời sai thì cần phải sửa để cháu không bị hổng kiến thức”.

Tách mẹ để con tự lập dần

Tuấn Minh vốn chưa bao giờ quen với việc xa mẹ hoặc tập tành tính tự lập. Vì vậy để con sớm thích nghi được điều này, chị Hà đã chọn cách đưa cháu về nhà một người họ hàng.

Chị Hà cho biết: “Khi cháu được tách khỏi mẹ như thế sẽ hiểu về nhiều điều hơn xung quanh cuộc sống, tăng cường sự tự lập. Cách làm này sẽ giúp cháu không dựa và phụ thuộc quá nhiều vào mẹ. Sau này nếu có đi học nội trú thì cháu cũng đã quen và không nhớ mẹ và nhớ nhà”.

Trở thành mẹ của một cậu bé thần đồng, hẳn là chị Phạm Việt Hà nhận thấy không đơn giản. Tuy nhiên, những gì chị đã và đang làm dù âm thầm nhưng đầy trách nhiệm cũng vì tương lai của con.

Vui đấy, nhưng chị vẫn không nguôi lo lắng về sự phát triển lâu dài của Tuấn Minh. Bởi thực tế, thời gian trước đây đã xuất hiện nhiều em bé mới 2-3 tuổi đã có thể đọc vanh vách, đánh vần, biết làm phép tính... nhưng do không có cơ hội để học tập trong môi trường thích hợp nên khả năng bị mai một dần.

Câu chuyện của chúng tôi với chị Hà khép lại với nỗi lo của người làm mẹ, chị nhắc đi nhắc lại: "Tôi mong muốn cháu sẽ được các cơ quan hỗ trợ để có được môi trường học tập phù hợp, có điều kiện phát triển tài năng và tiến xa hơn nữa".

Theo Khám phá

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI