Phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt và cho thấy con đang phát triển khỏe mạnh?

Nhìn phân của bé, mẹ có thể đoán biết được tình trạng sức khỏe cũng như hiệu quả bú. Vậy phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt và như thế nào là đáng lo ngại?

banner ads

Hầu hết những ai lần đầu làm bố mẹ đều thấy rất ngạc nhiên khi quan sát phân của con! Nó có rất nhiều màu sắc và kết cấu mà ngay cả các bố mẹ có kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được.

Dưới đây sẽ là những hình ảnh trực quan để giúp các bố mẹ dễ phân biệt được phân do bú sữa mẹ khác gì với phân do bú sữa công thức; phân lúc bú sữa hoàn toàn và khi đã được ăn dặm và nhận ra phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt và như thế nào là không ổn nhé!

1. Phân lúc trẻ vừa chào đời (phân su)

phan cua tre so sinh khi moi chao doi
Phân su là phân đầu tiên của bé khi chào đời

Phân su là phân đầu tiên của bé khi chào đời. Nó có màu xanh đen, đen và rất dính. Phân su được tạo từ nước ối, chất nhờn, tế bào da và tế bào khác được thai nhi thải vào trong tử cung. Nó không thực sự có mùi hôi và khó để vệ sinh sạch sẽ hoàn toàn.

Khi bé được 2-4 ngày tuổi, phân của bé bắt đầu nhạt màu hơn, hơi giống mày xanh mạ và đồng thời cũng ít dính hơn. Đây chính là thứ phân chuyển tiếp cho thấy bé đã bắt đầu tiêu hóa sữa mẹ và đường ruột dần đi vào hoạt động.

2. Phân của bé bú mẹ khỏe mạnh

Nếu bé được cho bú sữa mẹ hoàn toàn, phân sẽ có màu vàng hoặc hơi xanh và kết cấu lỏng. Nó có thể rất giống với nước mũi khi bị cảm hoặc khi bị tiêu chảy. Ngoài ra, còn kèm theo cả những hạt trắng giống phomai lấm tấm, lẫn khắp trong phân.

banner ads

Khi bé bú mẹ, phân có nhiều màu khác nhau. Thỉnh thoảng, nếu bạn thấy phân bé màu xanh, có nghĩa là bạn đã ăn một món gì đó khác hơn thường ngày. Trong trường hợp này, nếu bé không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác, bạn không cần phải quá lo lắng. Nhưng nếu phân có màu xanh lá cây và kèm theo bọt trắng, chất phân gần như tảo, nghĩa là bé đã bú quá nhiều lượng sữa mẹ ban đầu, tức sữa có hàm lượng calo thấp mà không bú đủ lượng sữa cuối, tức sữa có chứa các chất béo và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Điều đó có nghĩa là bạn đã không cho bé bú đủ mỗi bên ngực. Để điều chỉnh, bạn chỉ cần lưu ý cho bé bú hết sữa bên bầu ngực này mới chuyển sang cho bú sữa ở bầu ngực còn lại nhé!

3. Phân của bé bú sữa công thức

Trẻ sơ sinh bú sữa công thức sẽ đi phân có dạng nhão như bơ đậu phộng và màu sắc hơi khác với phân của bé bú mẹ. Nó có thể là màu nâu nhạt, vàng nâu hoặc xanh nâu. Ngoài ra, mùi phân cũng nặng hơn so với phân của trẻ bú mẹ và gần giống với phân của các bé ăn dặm, nhưng loãng hơn.

4. Phân của các bé được bổ sung chất sắt

Nếu bạn cho bé bổ sung sắt, phân của bé có thể chuyển sang màu xanh đậm hoặc gần như đen. Màu phân này không xuất hiện thường xuyên, nhưng đó là một sự thay đổi hoàn toàn bình thường mà mẹ có thể vui mừng vì lựa chọn đúng đắn của mình. Tuy nhiên, nếu phân bé có màu đen nhưng bé lại không được bổ sung sắt trong thời điểm hiện tại thì bạn nên đưa bé đi khám vì đó có thể là dấu hiệu bé bị xuất huyết tiêu hóa.

5. Phân của bé được cho ăn dặm

phan tre so sinh co mui
Phân của bé được cho ăn dặm bắt đầu có mùi nặng

Khi bé bắt đầu thay đổi chế độ ăn bằng các món ăn dặm, làm sao để biết phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt để tiếp tục duy trì chế độ ăn đã đề ra? Nếu bé được cho ăn các thực phẩm ăn dặm như ngũ cốc, chuối xay nhuyễn, bơ, khoai… bạn sẽ ngay lập tức nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trong số lượng phân của bé, đặc biệt là khi bé được bú sữa mẹ trước đó.

Thông thường phân của bé đã được cho ăn dặm thường có màu nâu hoặc nâu đậm và kết cấu dày hơn so với dạng bơ đậu phộng, nhưng vẫn nhão và có mùi.

6. Phân khi bé chỉ tiêu hóa một phần thức ăn

Đôi khi phân của bé sẽ có những phần sót lại của thực phẩm và có đủ màu sắc cầu vồng như màu đỏ, màu cam hoặc màu xanh đậm. Đỏ có thể là củ cải, cam là cà rốt và màu xanh đậm nghĩa việt quất nếu đó là những gì bé đã ăn. Vậy làm sao để biết phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt trong trường hợp này?

Đừng lo lắng quá nhé! Những gì bạn đang thấy là do các loại thực phẩm bé ăn vào chỉ tiêu hóa một phần hoặc chúng nhanh chóng đi qua ruột mà không có đủ thời gian để phân huỷ hoàn toàn. Nó cũng có thể xảy ra khi bé ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau hoặc không nhai hoàn toàn trước khi nuốt.

Bạn có thể gọi bác sĩ để nhờ bác kiểm tra ruột của bé xem có hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng đúng cách không nhé!

7. Phân của bé mắc bệnh tiêu chảy

phan cua tre so sinh
Nhìn màu sắc và chất phân có thể bắt bệnh bé

Ở trẻ em, phân đi ngoài khi bị tiêu chảy rất giống với kết cấu của nước mũi và được tạo thành từ nước nhiều hơn là chất rắn. Nó có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc màu nâu và rất dễ tràn ra khỏi tã.

Tiêu chảy có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hay dị ứng và nếu nó kéo dài trong một thời gian mà không được điều trị, có thể dẫn đến mất nước rất nguy hiểm. Do đó, nếu bé đã được 3 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn, mà có trên 3 lần đi phân dạng tiêu chảy trong ngày hoặc tiếp tục bị tiêu chảy trong hơn 1-2 ngày thì nên cho trẻ đi khám ngay nhé!

8. Phân của bé bị táo bón

Nếu phân của em bé rất khó khăn khi thải ra ngoài và trông giống như viên đá cuội nhỏ, bé có thể đã bị táo bón. Trông bé mỗi lần đi tiêu rất đau đớn và mệt. Nhiều bé còn sợ đi tiêu nên dù có đau bụng cũng không dám đi.

Mong rằng với tất cả những màu sắc và dạng phân của bé sơ sinh được chỉ rõ trên đây, bạn sẽ nhận ra ngay phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt và như thế nào là đáng lo ngại nhé! Một khi đã nắm rõ những màu sắc và kết cấu phân khác nhau, bạn sẽ chóng can thiệp ngay khi bé có bất kỳ vấn đề đáng lo ngại nào về đường tiêu hóa cũng như bệnh lý đang mắc phải. Hãy làm mẹ thông thái cho riêng con bằng cách quan sát phân bé mỗi ngày mẹ nhé!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI