Nhọc nhằn tìm... danh phận cho con

Trót vướng lưới tình. Kết quả là những đứa con có cha “trong bóng đêm” chào đời. Trăm nỗi vất vả song với những phụ nữ đơn thân, có lẽ nỗi đau trĩu nặng đè lên vai họ là việc phải đi tìm pháp lý cho con mình.

banner ads

6719-8a9f20themnhungquanniemcuckibu.jpg

Con sinh ra không có cha luôn phải chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh minh họa

Những đứa trẻ thiệt thòi

Năm 2009, Nguyễn Thị Liên, quê Ninh Bình, mới 20 tuổi vừa đặt chân đến Hà Nội với bao bỡ ngỡ. Tất cả những gì thuộc về TP phồn hoa này cô mới chỉ biết qua sách báo. Quãng đời sinh viên hứa hẹn tương lai rực rỡ đang chờ đón cô, song cũng đầy chông gai chờ đợi. Trọn năm đầu, Liên lao đầu vào học, dù có lúc cuộc sống trang trải nơi đô thành là quá sức với gia đình và cả cô nữa.

Bước ngoặt cuộc đời từ năm học thứ 2. Liên quen Lâm, một cán bộ trong ngành giáo dục của một tỉnh miền núi phía Bắc xuống Hà Nội theo học chương trình thạc sỹ. Cũng như những cô gái sớm đầu hàng cuộc sống khó khăn trăm bề nơi đô thị, Liên nhanh chóng ngã vào vòng tay Lâm vì tin lời rằng “hai vợ chồng anh không hạnh phúc, đã ly hôn”. Lâm thuê một căn hộ cho Liên sống và về ở những ngày cuối tuần xuống học. Kết quả, Liên mang thai. Khi tin này đến với Lâm, sợ cuộc sống gia đình tan vỡ, Lâm khuyên người tình bỏ cái thai và chấm dứt mọi chuyện. Liên cũng chỉ kịp rõ chuyện khi vợ Lâm phát hiện và Lâm đành “nhờ” Liên gọi cho vợ anh ta để giải thích là hai người không có quan hệ gì.

Tất cả trong Liên sụp đổ. nỗi đau càng lớn dần theo cái thai đang ngày một hình hài trong cô. “Anh ấy nói với tôi là cơ quan đã biết chuyện và anh đã bị đuổi việc còn vợ anh ta đã tìm mọi cách để tôi bỏ cái thai nhưng vì lương tâm người mẹ, tôi đã không làm thế” - Liên nhớ lại. Khi cô con gái được 8 tháng tuổi, Liên bồng bế con vượt hàng trăm km để cho nhìn mặt bố. Đáp lại, Lâm gặp và mua một hộp sữa với lời hứa: “Em cứ về đi. Mỗi tháng anh sẽ gửi cho con 2 triệu đồng”. Lời hứa này đã theo gió bay cao cho đến tận bây giờ. Liên kể: “Mỗi lần con ốm đau, bệnh tật, khóc vì thiếu sữa, thương con, tôi tìm cách báo với anh ấy, mong rằng có một chút tình thương từ anh ấy với máu mủ của mình. Nhưng đáp lại là những lời dọa nạt, quát mắng. Rồi bao nhiêu khó khăn, Liên cũng vượt qua. Nay, con chị đã 4 tuổi và chị muốn tìm cho con mình một “pháp lý” để nó lớn lên như chúng bạn.

Liên nói rằng, khó có điều gì tả hết nỗi đắng cay, tủi nhục của cô trong suốt gần 5 năm qua, và ý nguyện của cô là làm rõ hành động thiếu đạo đức, lối sống của cha đứa con mình.

“Năm nay con trai tôi tròn 5 tuổi. 5 năm nay mẹ con tôi đã phải sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của bố mẹ tôi để vượt qua tất cả” - Nguyễn Thị Hương, quê ở Hải Dương mở đầu bức thư gửi tòa soạn báo PL&XH với tâm trạng không khác trường hợp của Liên. Theo lời Hương, tháng 8-2008, cô có quen với Tuấn, hiện đang công tác tại một tập đoàn sản xuất gạch men lớn nhất miền Bắc tại tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó hai người nảy sinh tình cảm. Cũng với nhịp điệu chung của những gã đàn ông mang trên mình bài học “lừa tình”, Tuấn nói đã ly hôn vợ và hứa yêu thương Hương trọn đời. Kết quả Hương cũng mang trong mình dòng máu của Tuấn. Nhưng chính lúc này mối quan hệ ngoài luồng bị vợ Tuấn phát hiện. Tuấn cao chạy xa bay, không mảy may trách nhiệm. “Tháng 7-2009, con tôi chào đời với bao vất vả khổ sở dồn lên vai tôi vì tôi không làm ra tiền, con còn nhỏ lại hay đau ốm” - chị Hương nhớ lại.

“Nay tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, trả lời giúp tôi phải làm thế nào để con tôi “danh chính ngôn thuận”, trưởng thành mà không mang cái tiếng là con không cha. Tôi phải làm gì để anh ta chịu trách nhiệm về việc mình đã làm” - bà mẹ đơn thân ở tuổi 24 viết trong đơn.

1149-nh-theo-bai-ca-vpn-giang.jpg

Liên nói rằng, khó có điều gì tả hết nỗi đắng cay, tủi nhục của cô trong suốt gần 5 năm qua. Ảnh tư liệu

Trăn trở và những lời chia sẻ!

“Tôi định nhờ đến pháp luật can thiệp để con được thừa nhận có cha. Nhưng trăn trở của tôi là vết thương lòng có hằn vào tâm hồn non nớt của con không, vì cha mẹ nó phải đấu tranh trên tòa thì nó mới có cha và pháp luật có công nhận con tôi không” - bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Liên, nêu trăn trở. Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hương lo lắng: “Tôi đã gần 30 tuổi, đồng lương công nhân ít ỏi, làm sao có thể chắt chiu lo cho con được ăn học bằng chúng bạn. Tôi không muốn con tôi lớn lên với tâm thế của đứa trẻ “không có” cha, đứa con hoang”.

Từ băn khoăn của chị Liên và chị Hương, PV ghi nhận thêm ý kiến từ bạn đọc. Chị Nguyễn Mai Hằng, 27 tuổi, chia sẻ: “Theo tôi, các bạn đó không cần làm như vậy. Giai đoạn mới sinh con là giai đoạn khó khăn nhất họ đã vượt qua 1 mình và chăm lo cho con được đến bây giờ thì nên tiếp tục cố gắng. Những người đàn ông đó không xứng đáng”.

Bạn Thùy Nhung, 26 tuổi, nói: “Vợ chồng là duyên số. Cái gì ép buộc đều không tốt, đặc biệt chuyện tình cảm. Hãy ngẩng cao đầu mà bước tiếp. Nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn còn giành nhau nuôi con, còn các bạn không phải giành giật với ai. Họ dám sinh con đã là bản lĩnh”.

Chị Khánh Hà, 36 tuổi, chia sẻ: “Bố của những đứa trẻ đã không muốn nhận con nên dù các em có dùng pháp luật thì tình hình cũng khó thay đổi, thậm chí còn căng thẳng hơn trong các mối quan hệ. Sống với lòng bao dung của người phụ nữ, mọi chuyện sẽ vượt qua”.

Chung hoàn cảnh, chị Thục Quyên, 38 tuổi, nhìn nhận: “Mình cũng làm mẹ đơn thân như bạn cách đây gần 10 năm nên mình hiểu được tâm trạng của các bạn. Theo mình bạn nên tìm pháp lý rõ ràng cha cho con, nếu không sau này bạn chính là người có lỗi với con, không thể để cho người đàn ông vô tâm đó có cuộc sống quá nhẹ nhàng sau những gì anh ta gây ra”.

Quyền của người làm mẹ đơn thân

Luật sư Lương Quang Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, theo Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) hiện hành, dù các bạn có đăng ký kết hôn hay không thì vấn đề quyền nuôi con chung sẽ được xử lý như trường hợp ly hôn.

Theo luật sư Tuấn, trong hai trường hợp này, không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật HN&GĐ, con bạn không được coi là sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên cháu bé được xác định không phải là con chung vợ chồng (con ngoài giá thú).

Cháu bé được sinh ra là con riêng của người phụ nữ, tuy nhiên, theo Điều 64 Luật HN&GĐ: Người không được, hoặc không nhận là cha, mẹ thì một người có thể yêu cầu tòa án xác định. “Nếu các bạn có đầy đủ chứng cứ chứng minh anh ta là cha đứa trẻ thì tòa án sẽ công nhận họ là cha con và người đàn ông có nghĩa vụ đối với con theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, cấp dưỡng, thừa kế...” - ông Tuấn, nói.

Ông Lương Quang Tuấn cũng cho biết thêm, theo khoản 1 Điều 24 Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em có quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Theo đó, cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em.

6717-images8801662.jpg

C on ngoài giá thú cũng được hưởng đầy đủ quyền về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế... Ảnh minh họa

Con ngoài giá thú được pháp luật bảo vệ

Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bổ sung: Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2000 thì Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

Tại Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: “Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Quang cho biết thêm, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, như quyền được khai sinh, quyền được mang quốc tịch. Ngoài ra con ngoài giá thú còn được hưởng đầy đủ quyền về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...

Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định, trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Để đảm bảo quyền đăng ký khai sinh cho trẻ, khoản 2 Điều 23 Luật này cũng quy định: UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.

“Nhằm thực hiện nguyên tắc mọi trẻ em sinh ra đều phải được đăng ký khai sinh đúng hạn, đồng thời, xuất phát từ quan điểm đối xử bình đẳng về quyền đăng ký khai sinh không kể con sinh ra trong giá thú hay ngoài giá thú, thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 158 năm 2005 quy định, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chỉ phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ khi cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn” - vị luật sư nêu dẫn chứng.

Vẫn theo Luật sư Quang, khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, pháp luật không cho phép cán bộ tư pháp - hộ tịch được gặng hỏi, tìm hiểu về quan hệ hôn nhân của người mẹ. “Đây là vấn đề thuộc về bí mật đời tư của cá nhân. Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158 năm 2005 quy định, trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống” - ông Quang nhấn mạnh.

Khi con sinh ra, việc xác định họ cho con có thể xác định theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc thỏa thuận (Điều 26,27 BLDS 2005). Tuy nhiên, đối với trẻ là con ngoài giá thú, không xác định được người cha nên họ của trẻ đương nhiên sẽ được xác định theo họ của mẹ. “Như vậy, con ngoài giá thú hoàn toàn được pháp luật bảo vệ, thừa nhận” - ông Quang khẳng định.

Các ông bố vi phạm pháp luật?

Luật sư Lương Quang Tuấn cho hay, nếu các ông bố kể trên là đảng viên thì theo Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW, ngày 15-3-2012 hướng dẫn thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, tại Khoản 8 Điều 17 đã có quy định rõ ràng. Theo đó cấm: “Đảng viên không được: Chưa có vợ, có chồng, đang có vợ, có chồng mà sống chung hoặc quan hệ như vợ chồng với người khác”. Như vậy, đảng viên cho dù đã có vợ, chồng hoặc chưa có vợ chồng đều không được sống chung hoặc có quan hệ như vợ chồng với người khác.

Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho biết, hiện nay, theo Quyết định 181/QĐ-TW ngày 30-3-2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì chưa quy định xử lý kỷ luật trong trường hợp đảng viên độc thân sống chung hoặc có con ngoài giá thú với người độc thân khác.

Trong trường hợp những ông bố kể trên đang có vợ, con mà có con ngoài giá thú là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Do đó, theo quy định pháp luật, tùy theo mức độ, hậu quả gây ra, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110 năm 2013 ngày 24-9-2013 của Chính phủ và Điều 147 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110 năm 2013, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng.

6718-father-and-son-walking-016.jpg

Những ông bố đang có vợ, con mà có con ngoài giá thú là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Ảnh minh họa

Còn Điều 147 Bộ luật Hình sự về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, nêu rõ: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm.

Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Về mặt tư cách đảng viên, nếu đảng viên có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì người vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng theo Khoản 3 Điều 23 Quyết định 181 của Trung ương ngày 30-3-2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” - luật sư Lương Quang Tuấn nói thêm.

Theo PLXH

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI