Nhiễm trùng hậu sản mẹ sau sinh chủ quan có nguy cơ tử vong cao

Nhiễm trùng hậu sản là một trong 5 biến chứng nguy hiểm nhất sau khi sinh và có nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân nhiễm trùng hậu sản là gì, dấu hiệu ra sao, cách phòng tránh thế nào? 

banner ads

1. Nguyên nhân nhiễm trùng hậu sản

dau bung sau khi sinh
Nhiễm trùng hậu sản sau sinh rất nguy hiểm

Nhiễm trùng hậu sản là trường hợp các sản phụ dễ gặp, kéo dài và có nguy cơ tử vong cao nhất. Nguyên nhân được cho là do nhóm liên cầu trùng, trực trùng đường ruột, tụ cầu trùng, vi trùng yếm khí xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, cổ tử cung, hoặc do các tổn thương sinh dục khi sinh.

Theo đó, sản dịch ở sản phụ chính là môi trường lý tưởng khiến cho các loại vi trùng phát triển và gây bệnh.

2. Dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản

- Đau bụng dưới, sau đó sẽ lan dần lên vùng bụng trên rồi đau toàn vùng bụng.

- Sốt trên 38 độ C, người ớn lạnh, rét run.

- Các triệu chứng kèm theo dịch có mùi hôi, rối loạn tiểu tiện.

- Vết khâu ở tầng sinh môn hay bụng bị sưng đỏ, chảy mủ, ấn bụng dưới thấy đau.

- Khi bệnh nặng, bệnh sẽ tiến triển thành nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng và cực kỳ nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Trong trường hợp này, sản phụ sẽ có dấu hiệu như lơ mơ, vã mồ hôi, da tím tái, không đái hoặc nước tiểu vàng, máu chảy không cầm được, huyết áp tụt, mạch nhanh...

3. Sản phụ nào có nguy cơ mắc nhiễm trùng hậu sản?

nhiem trung hau san
Sản phụ có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản

- Những sản phụ sức đề kháng yếu, chế độ dinh dưỡng kém sau sinh rất dễ bị nhiễm trùng hậu sản. 

- Ngoài ra, những sản phụ trải qua quá trình chuyển dạ dài, sinh khó, vỡ ối sớm, bị cắt hay rạch tầng sinh môn cũng có nguy cơ bị.

- Đặc biệt sản phụ sinh mổ sau khi chuyển dạ khó rất dễ bị nhiễm trùng hậu sản và thường gặp nhất là nhiễm trùng nội mạc tử cung.

4. Nên làm gì khi có dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản?

Sau khi sinh, sản phụ cần theo dõi những chuyển biến trong cơ thể mình. Bất kỳ có dấu hiệu bất thường nào như đau bụng, sốt, rét, co giật... thì cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. 

Nếu sản phụ đã về nhà thì cần đi khám ngay để bác sĩ có thể xử lý nhiễm trùng càng sớm càng tốt. Đồng thời đừng quên thảo luận với bác sĩ để được chỉ định những phương pháp chẩn đoán, điều trị tốt nhất.

5. Cách phòng ngừa nhiễm trùng hậu sản

- Trước khi mang thai, chị em nên đi khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu bị viêm nhiễm âm đạo cần phải điều trị ổn định.

- Thời gian mang thai cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm và điều trị các bệnh viêm nhiễm.

- Sau khi sinh cần theo dõi diễn biến cơ thể, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vận động đi lại sớm, vệ sinh và giữ khô vùng kín hoặc đường mổ bụng.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI