Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ và những lưu ý quan trọng liên quan mẹ cần biết

Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhiễm khuẩn đường ruột tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Vì vậy, mẹ cần có những kiến thức cơ bản về căn bệnh này để phòng bệnh hoặc có thể xử lý đúng cách, bảo đảm an toàn cho trẻ nếu con mắc phải.

banner ads

1. Về bệnh nhiễm khuẩn đường ruột

Nhiễm khuẩn đường ruột hay còn gọi nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hoặc nhiễm trùng đường ruột là một bệnh lý thường gặp ở trẻ. Bệnh thường xuất hiện nhất và rất phổ biến ở trẻ trong độ tuổi sơ sinh đến 5 tuổi. Nhiễm khuẩn đường ruột có thể xảy ra bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu với bất cứ trẻ nào. Mức độ nghiêm trọng của bệnh khá đa dạng, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và điều trị kịp thời đúng cách hay không. Hệ quả của bệnh có thể khiến trẻ biếng ăn kéo dài, sụt cân, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, sốt, xuất huyết dạ dày,...Nặng nhất, bệnh cũng có thể khiến trẻ tử vong. Và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ em trên thế giới tử vong do bệnh này.

Trẻ bị ốm
Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ. Ảnh Internet

2. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột chủ yếu do các loại vi khuẩn gây ra như E.coli, Shigella, Campylobacter, Vibrio, Salmonella,...Các vi khuẩn này tồn tại trong môi trường kém vệ sinh, thực phẩm và nguồn nước nhiễm bẩn. Với trẻ, kháng thể còn yếu nên khi tiếp xúc với đồ vật có vi khuẩn, thực phẩm và nguồn nước nhiễm bẩn, vệ sinh kém đều rất dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Khuẩn E.coli
Tác nhân phổ biến gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ là vi khuẩn E.coli. Ảnh Internet

3. Biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột

Kể từ khi nhiễm khuẩn, tùy vào thể trạng, sức khỏe của từng trẻ mà thời gian ủ bệnh ở trẻ có thể kéo dài khoảng 2-5 ngày hoặc dài hơn. Các biểu hiện liên quan đến nhiễm khẩn đường ruột dễ thấy nhất là tình trạng trẻ đi phân lỏng, tiêu chảy , trong phân có lẫn chất nhầy. Kèm theo tiêu chảy là tình trạng trẻ mệt mỏi, đau bụng, sốt và chán ăn. Một số trẻ còn kèm theo tình trạng buồn nôn, rối loạn giấc ngủ thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm.

Trẻ đau bụng
Đau bụng và tiêu chảy là 2 biểu hiện sớm gặp nhất khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Ảnh Internet

4. Cách chữa trị

  • Với rường hợp bị nhiễm khuẩn nặng : Trẻ sẽ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, nhập viện để được theo dõi, có thể được bác sỹ cho dùng kháng sinh, truyền dịch tĩnh mạch hoặc một số phương pháp điều trị khác phù hợp.
  • Với trường hợp nhiễm khuẩn trung bình hoặc nhẹ : Chỉ cần chăm sóc trẻ chu đáo cẩn thận nhất, không dùng thuốc tiêu chảy hay thuốc kháng sinh , uống nhiều nước, nước điện giải đúng cách, nghỉ ngơi hoàn toàn, sau vài ngày đến 1 tuần, cơ thể sẽ tự đào thải vi khuẩn ra ngoài.
Trẻ được bác sỹ khám
Trẻ cần được nhập viện để được chăm sóc và theo dõi nếu bệnh nặng. Ảnh Internet

5. Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

5.1 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để giúp trẻ khỏi bệnh và phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, mẹ cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian này, cụ thể:

  • Với trẻ đang bú, mẹ nên tăng cường dinh dưỡng cho mình để có nguồn sữa chất lượng nhiều kháng thể cho con. Cho trẻ bú nhiều cữ để bổ sung thêm lượng nước cần thiết cho con.
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như các món cháo, súp, nước trái cây, sữa. Luôn ăn chín uống sôi.
  • Cho trẻ ăn thêm giá đỗ, các loại đậu nảy mầm, rau mầm vì các loại này có thể bổ sung men tiêu hóa tự nhiên cho trẻ.
Giá đỗ rau mầm
Cho trẻ ăn thêm giá đỗ, rau mầm để bổ sung men tiêu hóa tự nhiên. Ảnh Internet
  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ và mỗi bữa ăn lượng ít đến vừa, không nên ép trẻ ăn nhiều.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung nước điện giải nhưng lưu ý sử dụng đúng cách để nước điện giải có tác dụng tích cực đến quá trình hồi phục sức khỏe của trẻ.
  • Trong chế độ ăn uống của con, mẹ cần tăng cường rau củ quả có mức độ chất xơ và tinh bột vừa phải, giá đỗ, thịt nạc, trứng sữa. Cần hạn chế trong thực đơn của trẻ các thực phẩm giàu chất xơ như bắp (ngô), các loại đậu nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng,...cũng như các đồ ăn thức uống không lành mạnh với hệ tiêu hóa như thức ăn lạnh, đồ uống có ga, thực phẩm dễ gây đầy hơi chướng bụng khó tiêu, nhiều gia vị trong thời gian này.
Kem
Không nên cho trẻ ăn kem hay thức ăn lạnh khi đang bị nhiễm khuẩn đường ruột. Ảnh Internet

5.2 Chăm sóc và vấn đề vệ sinh

  • Về việc chăm sóc : Đối với nhiễm khuẩn đường ruột, sau thời gian điều trị và nghĩ ngơi, trẻ vẫn cần được chăm sóc cẩn thận vì cần thêm từ 1 tuần đến vài tuần để hệ tiêu hóa hồi phục hoàn toàn. Do vậy, sau thời gian tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột đã tiến triển tích cực thậm chí được xem như đã khỏi, thì trẻ vẫn cần phải được chú ý chăm sóc chu đáo, để con thực sự khỏe mạnh trở lại.
  • Về vấn đề vệ sinh : Mẹ cần rất kỹ lưỡng, luôn cho bé rửa tay sạch sẽ với xà bông diệt khuẩn, tránh tuyệt đối môi trường không sạch hoặc những đồ vật không chắc chắn ở vấn đề vệ sinh. Tránh cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi.
Chăm sóc trẻ cẩn thận
Trẻ cần được chăm sóc cẩn thận kỹ lưỡng. Ảnh Internet

6. Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường ruột

Cũng như khá nhiều bệnh khác ở trẻ hoàn toàn có thể phòng tránh chủ động, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cũng thế. Dưới đây là những lưu ý cơ bản mẹ có thể ghi nhớ để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ.

6.1 Với trẻ sơ sinh

  • Trẻ có sử dụng núm vú giả hoặc các miếng cắn, đồ chơi lúc lăc,...thì cần phải bảo đảm sạch tuyệt đối.
  • Không cho trẻ cầm nắm nếu mẹ nghi ngờ về độ sạch và an toàn của đồ vật quanh trẻ.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường kém vệ sinh.
  • Tránh để người đang có bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh cao bồng bế ôm hôn trẻ.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc hay ở trong môi trường có gia súc, gia cầm, vật nuôi đang bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Bé ngậm ti giả
Núm vú giả hoặc các miếng cắn, đồ chơi lúc lắc của trẻ phải đảm bảo sạch tuyệt đối. Ảnh Internet

6.2. Với các trẻ lớn

  • Mẹ cần bảo đảm trẻ được ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm an toàn đảm bảo vệ sinh.
  • Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, luôn rửa tay thật sạch với xà bông diệt khuẩn.
  • Đồ chơi của con luôn phải được vệ sinh sạch trước và sau khi chơi.
  • Không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc khi trẻ không khỏe.
  • chế độ dinh dưỡng tốt để tăng đề kháng cho trẻ.
Trẻ uống nước
Bảo đảm cho trẻ ăn chín uống sôi. Ảnh Internet

Như vậy, với những lưu ý tóm lược về bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ mà Yeutre.vn vừa chia sẻ ở trên, hẳn mẹ đã biết cách phòng bệnh cho con. Bên cạnh đó, trường hợp con nếu mắc phải bệnh, mẹ cũng biết cách xử lý và chăm sóc con sao cho khoa học, để con nhanh chóng hồi phục trong thời gian sớm nhất. 

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI