Chi tiêu Tết năm 2014: 10,5 triệu đồng
Năm ngoái, do vừa mới ly hôn chồng và đầu tư kinh doanh nên kinh tế gia đình vẫn còn nhiều chật vật với bà mẹ 1 con này. Vì thế, khi Tết đến, Hương không dám chi tiêu mạnh tay mà luôn tâm niệm cắt bớt các khoản chi không cần thiết để sắm Tết thật tiết kiệm.
Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Thu Hương, 28 tuổi cùng con trai 5 tuổi. Ảnh afamily
Tổng số tiền chi tiêu Tết năm ngoái, người phụ nữ 28 tuổi này chỉ dám gói ghém trong khoảng tiên 10,5 triệu đồng. Theo Hương chia sẻ, với số tiền ấy, Hương đã chi tiêu cho Tết năm ngoái các khoản cụ thể như sau:
- Tiền lì xì bà ngoại và cụ ngoại: 1,5 triệu
- Tiền lì xì Tết chung cho các cháu và con bạn bè, hàng xóm: 1 triệu
- Tiền mua sắm Tết trong nhà như thực phẩm, bánh kẹo, đồ thờ: 4 triệu
- Tiền mua cây cảnh trang trí: 1 triệu
- Tiền đi chơi: 3 triệu (Do Hương có bạn thân ở Vũng Tàu nên Tết năm ngoái gia đình Hương đã đi Vũng Tàu chơi và chi tiêu hết số tiền chừng ấy).
Kế hoạch chi tiêu Tết 18 triệu đồng năm 2015
Tết năm 2015, do đã ổn định được cuộc sống và kinh tế không còn eo hẹp như năm trước nên đến thời điểm này dù công việc cuối năm dồn dập, chưa kịp chuẩn bị nhiều, song hiện tại Hương đã ngồi lập được kế hoạch chi tiêu Tết cụ thể với số tiền khoảng 18 triệu đồng (số tiền gần gấp đôi năm ngoái). Trước mắt, bà mẹ 1 con này đã mua sắm được một ít quần áo cho con trai và một ít bánh kẹo ngon để đón Tết.
Năm nay con trai lớn hơn và kinh tế không còn khó khăn như năm trước nên Hương đang dự trù số tiền chi tiêu Tết gần gấp đôi năm ngoái. Ảnh afamily
Cụ thể, người phụ nữ này sẽ chi tiêu các khoản sau:
- Tiền mua sắm quần áo cho bản thân, cho con trai và bà ngoại: 3 triệu
Năm nay, con trai 5 tuổi đã hiểu biết hơn và dần tự định hướng phong cách ăn mặc cũng như sở thích của riêng con. Vì thế, Hương vẫn dành một khoản chi tiêu riêng để mua sắm quần áo cho con. Ngoài ra, Hương dự định khi cho con đi chơi Xuân sẽ mua tặng con thêm một vài món quà nhỏ nữa.
Năm nay con trai lớn hơn và kinh tế không còn khó khăn như năm trước nên Hương đang dự trù số tiền chi tiêu Tết gần gấp đôi năm ngoái
- Tiền mừng tuổi cụ ngoại: 1 triệu
- Tiền mừng tuổi bà ngoại: 1 triệu
- Tiền lì xì Tết cho các bé trong gia đình, hàng xóm và bạn bè: 2 triệu
- Tiền mua bánh kẹo: 1 triệu
- Tiền mua bánh chưng, giò chả, lạp xường, dưa món: 1 triệu
- Tiền mua gà cúng, mua thịt, rau (đến sát Tết mới mua): dự tính 2 triệu
- Tiền mua cây cảnh trang trí trong nhà: 2 triệu
Về trang trí nhà cửa, năm nào Tết đến Hương cũng trang trí đơn giản. Chủ yếu Hương dọn dẹp nhà sạch sẽ gọn gàng và thoáng mát hơn. Bên cạnh đó, Hương đang dự tính mua cây mai hoặc cây quất, có thể thêm vài chậu hướng dương trang trí trong nhà cho có không khí Xuân về.
- Tiền 2 mẹ con đi chơi Tết: 5 triệu
Tổng tiền chi tiêu Tết năm 2015 dự trù: 18 triệu đồng.
Thời điểm này, Hương đã vạch kế hoạch dự trù trước các khoản chi tiêu Tết cụ thể như vậy để khi Tết đến, Hương chi tiêu không bị thiếu hụt tiền. Trong những khoản chi tiêu này, bà mẹ trẻ cũng tâm sự chú trọng nhất đến khoản chi mua bánh kẹo ngon, đồ lễ để thờ cúng tổ tiên và khoản lì xì cho những đấng sinh thành.
Ảnh afamily
“Tết đến với mình có thể không có quần áo mới để mặc, có thể không đi chơi xuân nhưng việc chi tiêu để mua bánh kẹo ngon hay các đồ lễ để thờ cúng tổ tiên trên ban thờ nhằm thắp nén nhang hướng tới nguồn cội là điều không thể thiếu được. Vì thế, không Tết nào là mình quên mua gà, đồ một chõ xôi, nấu một bát miến dâng lên ông bà. Ngoài việc đó ra, mình cũng rất chú trọng đến việc mừng tuổi những đấng sinh thành đã vất vả nuôi dưỡng mình nên người đến hôm nay” - Bà mẹ 1 con thành thật tâm sự.
Mẹo chi tiêu Tết hợp lý và tiết kiệm của bà mẹ đơn thân
Theo Thu Hương, Tết chi tiêu tốn kém hơn các tháng khác trong năm là điều hợp lý. Tuy nhiên để kiểm soát chi tiêu và không "vung tay quá trán", bà mẹ trẻ này thường áp dụng những mẹo sau khi tiêu Tết:
- Dù bận cũng phải cố gắng ngồi lập kế hoạch chi tiêu các khoản càng cụ thể càng tốt. Đến khi Tết đến thì cứ thế mà mua sắm theo đúng dự tính. Việc lập kế hoạch vừa giúp chủ động kế hoạch chi tiêu, vừa giúp kiểm soát chi tiêu khoa học và hợp lý.
- Khi đã dự tính mua sắm Tết bao nhiêu thì nhất quyết chỉ đi mua trong danh sách này. Tuyệt đối không được phát sinh thêm khoản khác hay tặc lưỡi để chi tiêu vượt quá số tiền đã dự trù.
- Khi đi chơi Tết dù rất vui nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu tốn kém. Do đó, cần dành ra 1 khoản cụ thể cho việc này. Để không vượt quá số tiền chơi xuân, mẹo nhỏ là chỉ mang theo đúng số tiền đã dự định chi tiêu. Do đó, lúc có “hứng” muốn chi mạnh tay thì trong túi không có cũng không thể chi hơn được.
- Riêng khoản tiền lì xì cũng nên dự trù trước bằng cách nhẩm tính có bao nhiêu người và định lì xì số tiền bao nhiêu. Thường thì ông bà, bố mẹ nên mừng tuổi nhiều hơn. Các cháu ruột lì xì từ 50-100 ngàn. Các bé hàng xóm thì khoảng 10-20 ngàn. Tất cả đều được cho trước vào phong bao vừa kín đáo vừa đẹp mắt.
Theo Trí Thức Trẻ