Né... kết hôn

“Có gì mới chưa?”; “Bao giờ cho mọi người uống rượu mừng, ăn cỗ đây?”… Nhiều người đồng tính cho biết họ luôn thấy khó xử và muốn tránh né những câu hỏi thường gặp như vậy.

banner ads

Khó để nói với gia đình vì sao chưa muốn kết hôn - Ảnh: Như Lịch

“Nổi da gà” khi được hỏi

Trong buổi tọa đàm “Không kết hôn, nói sao với cha mẹ?” diễn ra tại TP.HCM mới đây, anh Huỳnh Minh Thảo, nhân viên Trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song giới và chuyển giới (LGBT) tại VN cho hay, không ít người trong cộng đồng LGBT nghe hỏi đến việc kết hôn là thấy khó xử, thậm chí “nổi da gà”. Đặc biệt, với nhiều người đồng tính, áp lực lập gia đình với người khác giới trở thành gánh nặng đầy ám ảnh.

Anh Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS cũng nhìn nhận: “Trước đây, tôi không biết trả lời ra sao mà chỉ cười trừ hoặc lảng tránh sang chuyện khác khi thường xuyên bị hỏi: Bao nhiêu tuổi rồi, có con chưa? Bao giờ cho ăn cỗ, cho ăn bánh kẹo? Dù đó là những câu hỏi xã giao nhưng vẫn khiến tôi không muốn dự hội hè đình đám, ngại dịp lễ tết”. Theo anh Tùng, mấu chốt khó xử ở đây là người đồng tính khao khát sống với “một nửa” họ yêu thương (cũng là người đồng tính); trong khi đó, những bậc phụ huynh lại luôn mong muốn con em mình kết hôn với người khác giới.

Một nam đồng tính (gay) thổ lộ: “Suốt 23 năm nay, em đã không dám sống thật với mình. Em không thể lấy người vợ như gia đình mong muốn, thế nhưng em rất lo ngại khi nói ra sự thật này với cha mẹ”.

banner ads

Chia sẻ riêng với chúng tôi, một nữ đồng tính (les) ở tỉnh Đồng Tháp khẳng định nhiều les cũng chịu những căng thẳng tương tự liên quan đến chuyện kết hôn của bản thân, nhất là những người ở miền quê như cô. Cô tâm sự: Sau khi ra trường 2 -3 năm, gia đình cô bắt đầu thăm dò: “Con có người yêu chưa?”, “Khi nào dẫn về nhà?”. Còn họ hàng cô bác thì hỏi thẳng: “Khi nào cưới, để chuẩn bị tiền mừng?”. Cô gái này ưu tư: “Riết rồi mình ít về quê. Chỉ tội cho cha mẹ mình ở dưới đó phải nghe nhiều câu thăm hỏi về chuyện đứa con ngày càng lớn tuổi mà không chịu lấy chồng”. Cô thổ lộ đang có người yêu ở nước ngoài và hy vọng vài năm nữa sẽ có cơ hội sang nước ngoài định cư với người ấy…

Bức bình phong mong manh

Có mặt trong buổi tọa đàm nói trên, một người mẹ có tên là Nguyễn Thanh Thủy kể rằng, cách đây 10 năm, khi nhận ra con mình đồng tính, bà cảm thấy cuộc sống của hai mẹ con vô cùng ngột ngạt, bế tắc. Bởi lẽ, con bà vốn là cháu đích tôn trong dòng họ, nên bà rất sợ điều tiếng với nhà chồng. Mặt khác, lúc đó thông tin về LGBT còn rất phiến diện và kỳ thị, hình ảnh họ xuất hiện trên báo chí gần như chỉ toàn tiêu cực. Vì vậy, bà thường xuyên thuyết phục, động viên con thay đổi, làm sao thoát khỏi “bệnh đồng tính” và cố gắng lập gia đình. Bà Thủy bộc bạch: “Sau này, tôi nhận ra rằng nếu ép con lấy người mà nó không yêu thương thì nó không thể có hạnh phúc được”.

6844-22637.jpg

Hãy để cho con được sống cuộc đời của chính con. Ảnh minh họa

Nhân viên Trung tâm ICS nêu ra một chuyện tình đồng tính có thật: Bị cấm cản quyết liệt, một bạn gay đành chôn chặt tình cảm của mình, để cưới một cô gái theo sự sắp đặt của gia đình. Sau khi có con, anh này đã tìm đến cái chết… Những câu hỏi đưa ra thảo luận là: “Có nên lấy vợ/chồng sinh con để vừa giữ được chữ hiếu, vừa có thể duy trì mối quan hệ đồng giới?”; “Les và gay có nên lấy nhau để tạo vỏ bọc yên ổn cho hai gia đình? Sau khi kết hôn rồi, hai người cứ việc làm theo ý hướng riêng của mình?”.

Một bà mẹ tên Ly có con đồng tính, khẳng định: “Không nên thúc ép hoặc bắt con em mình lập bức bình phong như vậy. Điều này để lại hậu quả cho những người vợ/chồng và những đứa con vô tội. Trong hôn nhân, nếu không có tình yêu thì thật khủng khiếp”.

Trong khi đó, một phụ huynh tên Nhi cho hay bản thân bà và gia đình từng trải qua nhiều sóng gió khi có một đứa con trong giới LGBT. Bà Nhi đúc kết: “Chữ hiếu đối với tôi không phải để duy trì nòi giống, không nhất thiết phải sinh con. Tôi cho rằng, cái gọi là cấu trúc gia đình gồm hai người sống chung là được rồi, không quan tâm là giới gì. Miễn sao họ yêu thương, chăm sóc nhau ngay cả những lúc bệnh tật”.

Bà Nhi nói thêm: “Quan niệm này của tôi có lẽ khó nghe đối với những người dị tính. Nhưng tôi nghĩ, đừng nên bắt con sống theo sự áp đặt của mình. Hãy để cho nó sống cuộc đời của chính nó!”.

Theo Thanh Niên

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI