Trước khi vào từng mục cụ thể, chúng ta có lẽ hầu hết đều cho rằng việc nấu cháo ăn dặm cho bé được cho là khá dễ dàng. Do đó, cũng không cần thiết phải "nghiên cứu" về điều này nhiều. Thế nhưng tình trạng thực tế, phải thừa nhận, rất nhiều mẹ đã và đang thất bại trong việc cho trẻ ăn dặm, tỉ lệ bé không hào hứng với việc ăn dặm, sợ ăn luôn cao.
Nguyên nhân khiến nhiều bé "chưa ăn đã chán" có phần xuất phát từ việc nấu cháo ăn dặm cho bé chưa đúng cách, chưa khoa học hoặc mẹ "ép" bé ăn. Việc kiểm tra lại 3 bước cơ bản về nấu cháo ăn dặm cho bé và những lưu ý đi kèm, hẳn sẽ là một trong các "giải pháp" khá hữu ích, giúp mẹ điều chỉnh lại cách chuẩn bị cũng như cách cho con ăn dặm, để việc ăn dặm dễ thành công hơn. Đi kèm đó, mẹ cũng giảm đi được phần vất vả đối với công tác này. Đến đây, hẳn mẹ cũng đồng ý với Yeutre.vn rằng, lưu ý 3 bước cơ bản trong việc nấu cháo ăn dặm cho bé là một việc làm không thừa phải không mẹ. Vậy, chúng ta bắt đầu xem qua nội dung chi tiết đầu tiên như sau nhé:
1. Lên thực đơn và công thức nấu cháo ăn dặm cho bé
- Khi nấu cháo ăn dặm cho bé, điều đầu tiên mẹ cần xác định trước khi lên thực đơn cho bé là, trong giai đoạn này bữa ăn dặm chỉ là bữa phụ giúp bé tiếp xúc với thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Vì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé, cho nên, mẹ không cần quá chú trọng đến số lượng thức ăn dặm, mà nên tập trung vào chất lượng bữa ăn. Mẹ chỉ nên cho bé ăn ít để “tập ăn”, trải nghiệm thức ăn chứ không “ép ăn”.
- Nên bắt đầu lên thực đơn bằng các bữa ăn loãng theo tỉ lệ 1 gạo/10 nước đến đặc hơn.
- Giai đoạn mới tập ăn dặm, số lượng bữa ăn dặm lý tưởng nên là 1 bữa/ngày và ăn vào bữa sáng lúc 10 giờ. Số tháng tuổi tăng dần lên thì số bữa ăn dặm cũng tăng dần lên trải đều vào các buổi trong ngày.
- Số lượng một lần ăn nên bắt đầu là 1 thìa khoảng 5ml trong mỗi lần giới thiệu món mới và tăng dần theo sự hào hứng ăn và thời gian khi bé đã thích ứng. Tuy nhiên, số lượng tối đa là không quá 7 thìa/ngày.
- Thứ tự nhóm thực phẩm khi nấu cháo ăn dặm cho bé lần lượt là ngũ cốc – rau quả - cá, thịt, tôm, trứng, đậu phụ...
2. Lựa chọn nguyên liệu nấu cháo ăn dặm cho bé
Khi nấu cháo ăn dặm cho bé, bước lựa chọn nguyên liệu luôn là bước cần được chú trọng vì chỉ có những nguồn thực phẩm tươi ngon, mới cho ra những món ăn dặm ngon và đầy đủ dưỡng chất.
Khi chọn nguyên liệu để nấu cháo ăn dặm cho bé, các mẹ thường kết hợp nấu cháo với các loại rau, củ, thịt… để đảm bảo các thành phần dinh dưỡng cho trẻ được hấp thụ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi dùng các nguyên liệu, các mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Rau chỉ dùng lá, không dùng cuống cứng. Ở giai đoạn bé đã quen và lớn hơn, mới nên dùng cuống lá nhưng luôn cần chú ý về cách chế biến cho phù hợp.
- Gạo nấu cháo là gạo tám xay vỡ, không cần thiết phải pha thêm bất cứ loại hạt gì, cũng không nhất thiết phải pha gạo nếp.
- Các loại nguyên liệu rau, củ, quả, thịt, cá... dùng để nấu cháo ăn dặm cho bé phải đảm bảo sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải được trải qua quá trình ngâm rửa cẩn thận. Điều này giúp tránh tình trạng trẻ bị ngộ độc thực phẩm hay sản sinh nhiều loại giun sán gây hại cho bé.
3. Chế biến món cháo ăn dặm cho bé
Khi nấu cháo ăn dặm cho bé, trong khâu chế biến cần lưu ý một số điều sau:
- Không nên vo gạo quá kỹ trước khi nấu cháo làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Nên dùng nước sôi để nấu cháo thay cho dùng nước lạnh, hạt cháo sẽ dẻo hơn và các chất dinh dưỡng ít bị mất hơn.
- Sơ chế thực phẩm kĩ càng trước khi nấu, gọt sạch vỏ các loại rau, củ, quả... không dùng phần mỡ của thịt, không chế biến đồ ăn với da gà.
- Bé dưới 6 tháng tuổi hạn chế ăn cà rốt, củ cải trắng, cải bó xôi dưới mọi hình thức vì thực phẩm này chứa nhiều nitrate, có khả năng làm tăng tỷ lệ thiếu máu ở bé.
- Khi nấu cháo ăn dặm cho bé không nấu quá lỏng hoặc quá đặc.
- Tùy thuộc vào giai đoạn ăn dặm, loại thực phẩm, mà mẹ có thể nghiền hay xay nhuyễn hay có cách chế biến khác.
- Đồ ăn cần được nấu chín toàn bộ thay vì chỉ nấu chín một phần.
- Liên quan đến việc xay nhuyễn thức ăn cho bé, mẹ chỉ nên xay khi thức ăn nấu chín đã nguội bớt, tránh xay nóng dễ làm ảnh hưởng đến mùi vị của thức ăn. Cách giữ mùi vị thức ăn tốt nhất là rây nhuyễn thay vì xay. Và trong quá trình chế biến, mẹ có thể kết hợp cả 2 cách rây nhuyễn và xay, để thức ăn của bé nhuyễn như yêu cầu, nhưng mùi vị không bị ảnh hưởng nhiều.
- Tuyệt đối không được nêm bất cứ loại gia vị nào vào thức ăn của bé.
- Khi nấu cháo ăn dặm cho bé phải cho thêm 1 – 2 thìa dầu ăn dành cho trẻ em sau khi cháo đã chín.
Việc nấu cháo ăn dặm cho bé nhiều người xem là khá đơn giản. Có thể xem việc này là đơn giản thật, song làm thế nào cho đúng, thật sự tốt cho bé và khoa học thì không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, khi mẹ nắm 3 bước cơ bản như Yeutre.vn đã đề cập và luôn lưu ý, thì công việc chuẩn bị thức ăn dặm cho bé trở nên khá nhẹ nhàng, giúp mẹ nhàn tênh, mà vẫn bảo đảm dinh dưỡng cũng như mục đích ăn dặm của trẻ. Thêm vào đó, việc chuẩn bị khoa học của mẹ đối với chuyện ăn dặm của con, còn giúp bé thích thú với việc ăn uống hơn. Chúc các mẹ thành công, luôn hô biến được nhiều món ăn dặm cho bé thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và luôn khiến bé hào hứng với việc ăn dặm mỗi ngày nhé.
Ngọc Hoài tổng hợp