1. Em gái tôi vừa ba mươi tuổi, chưa chồng. Em tuyên bố với cả nhà rằng, nếu từ giờ đến cuối năm mà không có đám cưới, thì sang năm em sẽ… sinh một đứa con. Mẹ tôi khóc lên khóc xuống trước dự định động trời đó của đứa con gái chưa lập gia đình còn sót lại.
Ảnh: Shutterstock
Trong nước mắt sụt sùi ấy, mẹ tôi hỏi một câu rằng, chi vậy hả con, sinh thêm một đứa trẻ thì giải quyết được gì, có nhất thiết phải thế hay không? Em gái tôi thản nhiên nói, thì cũng nên có con cái với người ta, kẻo thiên hạ lại bảo là mình không dám sống, chẳng biết sống…
Tôi là chị Hai trong nhà, là bà mẹ hai con đã nhiều năm mà vẫn không khỏi choáng váng trước lý lẽ của em ruột mình, một cô gái 8x đời giữa, thích thể hiện, ưa hàng hiệu và những thứ đẳng cấp sành điệu, làm được bao nhiêu là đổ vào du lịch, khám phá, sắm sửa…
Cuộc đời được mấy tí đâu mà phải ky bo tích cóp, rồi nơm nớp sợ người ta chê mình không chồng mà lại có con. Hai vế của cái câu này hình như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng có gần gũi em nhiều hơn thì tôi mới hiểu, danh từ “bà mẹ đơn thân” bây giờ đang là một cái mốt mà nhiều cô gái trẻ muốn khoác vào người để thêm phần cá tính, cho cả thế giới biết rằng mình cũng hiện đại chịu chơi chứ chẳng kém cạnh bất kỳ “con” nào trên giang hồ!
Sinh con với ai? Vì mục đích gì? Sinh xong nuôi dạy nó thế nào, dùng nguồn tiền nào để chăm sóc con? Những câu hỏi thiết thực ấy, em tôi hoàn toàn chưa nghĩ tới, chứ đừng nói là dự tính đến.
Em chỉ đơn giản là, thấy mình cũng đã bắt đầu ở cái độ “đàn bà ba mươi như cây sau bão”, nên cuống lên muốn theo kịp trào lưu của không ít các cô gái bây giờ, là trở thành một bà mẹ đơn thân thời thượng vậy mà...
2. Tôi quen Hân khi đi chung nhóm du lịch tự túc rẻ tiền. Hân mang theo cậu con trai chưa đầy một tuổi, nhẹ ký và xanh xao như chiếc lá. Trái ngược với đứa bé èo uột suy dinh dưỡng mắt luôn ung ủng nước ấy là bà mẹ trẻ trung, ăn diện ngút trời, không ngại ngần gì khi khoác lên thân hình những bộ cánh hoặc lộng lẫy hoặc hở hang, bất chấp suốt chuyến đi phải di chuyển nhiều, thằng cu con lại cứ khóc suốt.
Ảnh minh họa
Cả đoàn ai cũng mệt mỏi ức chế với tiếng nheo nhéo của trẻ con. Thế nhưng, thay vì dỗ dành, thì Hân lại thản nhiên để mặc con “khóc cho nở phổi”. Nhiều người đi chung cảm thấy bất nhẫn, muốn xúm lại ẵm bồng đứa trẻ, thì gặp phải phản ứng khá bất ngờ của cậu bé: nó không theo bất kỳ ai ngoài mẹ, chỉ cần rời khỏi mẹ là ngay lập tức gào toáng lên không cách nào ngưng lại...
Thì cũng nhiều đứa con nít cực đoan bám mẹ như vậy, chứ đâu riêng gì con trai Hân. Nhưng Hân lại có một kiểu suy nghĩ vô cùng “bệnh”, rằng đàn ông, và cả phụ nữ, ai cũng có thể bỏ mình mà đi, nhưng cái sinh linh bé bỏng này thì hoàn toàn phụ thuộc vào cô ấy, luôn chỉ sợ bị Hân bỏ rơi. Cảm giác ấy thật tuyệt, phải không nào?
Nghe xong, ai nấy đều im lặng ngó lơ, bởi chẳng biết nói sao trước một bà mẹ trẻ đã trải qua nhiều biến cố trong đời: bị người tình mặc kệ, chối bỏ từ khi con trai Hân còn trong bụng mẹ, đã vất vả một mình vượt cạn, tự lực nuôi con trong tủi hận vô bờ... nên đầu óc có phần lệch lạc cũng là điều nên thông cảm.
Hân có cái kiểu thương con thật lạ lùng. Đi đến bất cứ chỗ nào, cô cũng đều hăng hái chụp thật nhiều hình cho con, rồi dùng mấy chương trình chỉnh sửa làm đẹp trang trí ảnh để tạo nên những phom hình dễ thương, đặng... đăng lên facebook.
Sự quan tâm nhiều nhất mà Hân dành cho con chính là những tấm ảnh lung linh nhiều còm nhiều like khen tặng kia, chứ không phải là cho con ăn cháo uống sữa, thay tã tắm rửa cho đúng giờ. Ăn uống vệ sinh là chuyện vặt, đâu đáng để bận tâm nhiều đến vậy hả mấy chị?
Vài bà mẹ chung đoàn ngao ngán và ái ngại khi thấy con trai Hân được bỏ mặc cho nhịn đói từ sáng đến trưa, chỉ được điểm tâm bằng... hơn chục bức ảnh và một viên phô mai nhỏ xíu như đầu ngón tay.
“Em muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết là mình cưng con như thế nào, đã đưa con đi du lịch nước ngoài từ bé tí”, lúc vui vẻ, Hân đã vô tư chia sẻ như thế. Rồi cô nói thêm: “Từ lúc sinh thằng bé ra đến giờ, em chưa từng cáu gắt với nó lần nào đâu chị. Em thương con dữ lắm, muốn nó có một tuổi thơ êm đềm, dịu dàng... Mà từ lúc có con, em cũng được nhiều người giúp đỡ hơn hẳn”.
Hân có cái kiểu thương con thật lạ lùng. Đi đến bất cứ chỗ nào, cô cũng đều hăng hái chụp thật nhiều hình cho con rồi đăng lên facebook. Ảnh minh họa
Chị bạn đồng hành đang mắng mỏ ép con ăn hết suất cau mày khó chịu, buông một câu lầm bầm trong miệng rằng, cái đó là thương mình chứ nào có phải thương con. Hình thức và ham thể hiện vừa vừa thôi Hân à...
3. Nhiều anh đàn ông hào hứng khoe, cô ấy vừa xin tôi một đứa con, với ít nhiều tự hào. Mình phải thế nào đó thì người ta mới quyết định chọn mình làm cha của con họ, chứ không phải dạng vừa đâu nhé!
Thế nhưng, không như một số nhỏ chị em chọn con đường làm mẹ đơn thân vì muốn có đứa con hủ hỉ, đơn giản là “xin giống”, thì đa phần các cô gái khác đều ít nhiều manh nha ý định xen vào cuộc đời người đàn ông mà họ chọn làm đối tượng để buông lời đề nghị.
Cá biệt còn có cô gái coi làm mẹ đơn thân là một cơ hội may rủi để thay đổi số phận kém hên của mình. Biết đâu đấy, anh ấy nhận lời. Mình cứ hứa bừa là không bao giờ làm phiền, chẳng khi nào liên lạc lại, có mất mát gì đâu mà sợ.
Để sinh con theo cách tự nhiên, đâu phải cứ một hai lần “quan hệ” là dính bầu ngay được. Ăn quen chứ nhịn không quen, biết đâu chừng anh ấy sẽ quyến luyến và coi mình là phòng nhì thì sao?
Mà nếu như không có cảnh phim giả tình thật, phát sinh tình cảm đi nữa, thì con người chứ đâu phải sắt đá, sau khi đứa trẻ ra đời, lẽ nào có thể thản nhiên mà quên đi, không thăm nom ngó dòm, cho nó chút đỉnh gọi là...
Có cô gái nào khi quyết định làm mẹ đơn thân lại chọn một người đàn ông tầm thường, nghèo nàn, lụn bại để làm người cha trong bóng tối của con mình? Không, đích nhắm tới đa phần là các “trai anh hùng” thành đạt, lịch lãm, thậm chí là người mà các cô yêu đơn phương, tán không đổ nên dịu giọng xin một đứa con, để biết đâu con tạo xoay vần.
Còn chuyện con trẻ thế nào, sau này hạ hồi tính tiếp. Nhiều bà mẹ đơn thân kết luận rằng, đứa nhỏ được sinh ra thì đã có số phận riêng của nó rồi, mình đâu cần thiết phải quá lăn tăn...
Ừ thì làm mẹ đơn thân. Khổ nhiều, cực nhiều. Ân oán cũng đã xôn xao. Điều tiếng xã hội càng không ít. Đáng thương và cần thông cảm. Không sai. Nhưng bạn đã đắn đo cân nhắc nhiều chưa trước khi quyết định mang đến thế gian này một đứa trẻ tội nghiệp, có khi đơn giản chỉ do một thoáng toan tính ích kỷ ham vui của chính mình?
Theo PNO