1. Tâm lý của mẹ đơn thân
Dù lựa chọn hay do hoàn cảnh thì việc làm mẹ đơn thân không hề đơn giản cho bất kì người phụ nữ nào. Đặc biệt, khi nói điều này với những người đồng nghiệp, hàng xóm… thì sẽ gặp sự đồng cảm, chia sẻ hoặc cũng có thể là sự dè bỉu, dị nghị. Dù như thế nào đi nữa, thì mẹ đơn thân cần chuẩn bị tâm thế đón nhận, để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của bản thân và bé.
Tham gia các câu lạc bộ hoặc nhóm về các mẹ đơn thân, các bố gà trống nuôi con… sẽ cho bạn thêm sự động lực, sự sẻ chia trong việc giáo dục con cái. Việc làm mẹ đơn thân không hề xấu, điều quan trọng là bạn hạnh phúc và con của bạn cảm nhận được điều này. Chẳng phải bất kì người cha người mẹ nào khi sinh con ra đều mong chúng hạnh phúc hay sao? Một số người vì sợ con thiếu thốn tình cảm của người còn lại, mà chấp nhận sống trong hôn nhân nhiều nước mắt. Nhưng, những đứa trẻ đều sẽ cảm nhận được bố mẹ có hạnh phúc hay không. Chúng vẫn có những tổn thương mà bố mẹ sẽ không bao giờ hàn gắn được trong trái tim đứa trẻ.
Hiện nay có khá nhiều trung tâm tư vấn tâm lý về hôn nhân gia đình và chăm sóc con cái để các mẹ đơn thân chia sẻ câu chuyện của mình. Mẹ có thể kể câu chuyện của mình để được tham vấn và can thiệp kịp thời trong những bế tắc của cuộc sống, hay trong cách giáo dục con cái.
Một số mẹ đơn thân vì sợ con mình thiếu tình cảm người cha nên luôn gồng gánh và sắm cả hai vai vừa làm cha vừa làm mẹ. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý thì điều này càng khiến mẹ đơn thân thêm nhiều áp lực và mệt mỏi. Mẹ chỉ cần là mẹ thôi. Ngoài ra để trẻ - đặc biệt đối với con trai, mẹ có thể tổ chức các hoạt động giao lưu với các cậu, các bạn bè đồng nghiệp của mẹ là nam giới, để hình thành cho con các đặc điểm phẩm chất của người đàn ông.
2. Tài chính khi làm mẹ đơn thân
Ngay cả với những gia đình có cả cha và mẹ, thì tài chính vẫn là bài toán khó, khi nhu cầu ngày càng cao, và bất kì người cha người mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Vì vậy, khi quyết định là mẹ đơn thân, bạn cần có kế hoạch càng cụ thể càng tốt đối với kế hoạch chi tiêu cho bản thân, cho con và khoản dự trữ khi ốm đau.
Hiện nay, đã có những gói bảo hiểm để đảm bảo cho sự hình thành, phát triển thể chất và giáo dục cho con. Là mẹ đơn thân, mẹ có thể tham khảo các gói này như sự đảm bảo cuộc sống cho con sau này.
3. Mẹ đơn thân đối diện với các câu hỏi
Bé đã từng có thời gian ở với bố hay chưa thì mẹ đơn thân cũng nên chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi: Bố của bé đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Và còn những câu hỏi khác từ người xung quanh và đặc biệt là từ bé. Mẹ nên chú ý dù giữa mẹ và bố của bé đã từng xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, thì việc lựa chọn cách giải thích phù hợp với độ tuổi của con và tránh để trẻ có cảm tình không tốt đối với bố của chúng, là điều mẹ cần làm.
Ngoài những câu hỏi về bố thì mẹ cũng nên chuẩn bị trả lời các câu hỏi của con về cuộc sống xung quanh, đặc biệt là khi trẻ lên 3, trẻ vào giai đoạn dậy thì. Giai đoạn này với sự nhạy cảm và đặc trưng của mình, trẻ luôn tò mò về người khác giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu trước các kiến thức sẽ giúp mẹ có cách giáo dục con tốt hơn.
Làm mẹ là công việc toàn thời gian, không lương và làmmẹ đơn thâncòn vất vả hơn biết bao nhiêu. Hy vọng với những chia sẻ trên, các mẹ đơn thân có thêm sự chuẩn bị tốt hơn, để vững bước trên hành trình dài đã chọn.
Như Hà tổng hợp