1. Mấy tháng bé biết lật?
Thông thường, khi được 4 tháng tuổi, các bé đã cứng cáp hơn và có thể bắt đầu biết lật. Đầu tiên, bé lật nghiêng (chuyển từ tư thế nằm ngửa sang tư thế nằm nghiêng một bên). Sau đó, bé lật sấp (từ tư thế nằm nghiêng sang nằm sấp). Khi lật, bé thường đạp chân rất mạnh để có lực thực hiện động tác lật người.
Đến giai đoạn 5 tháng tuổi, bé cử động phần thân mình nhiều hơn. Lúc này, bé bắt đầu thay đổi tư thế từ nằm sấp sang tư thế chống tay nâng đầu dậy. Từ cử động này, bé sẽ bắt đầu lật người sang tư thế nằm ngửa. Đây là động tác rất khó trong giai đoạn phát triển này của bé.
Thời điểm mà bé có thể lật là khi cổ của bé đã đủ cứng cáp, thông thường nhất là vào khoảng tháng thứ 4. Đối với từng bé sẽ có thời điểm cụ thể xuất hiện động tác lật người khác nhau. Có bé đã biết lật khi mới 3 tháng, nhưng cũng có bé sau 5 tháng vẫn chưa biết lật. Có bé sẽ tự lật, cũng có bé sẽ dựa vào vật gì đó (cái gối chẳng hạn) mới có thể lật,....Vì vậy, bạn không nhất thiết vì bé chưa biết lật hoặc biết lật muộn mà quá lo lắng. Thực tế, bố mẹ cũng có thể hỗ trợ bé để bé lật dễ dàng và nhanh chóng hơn, tuy nhiên sự hỗ trợ này chỉ nên như chất xúc tác vừa phải là tốt nhất, tức không nên ép bé khi bản thân con chưa thực sự sẵn sàng.
2. Mẹo giúp bé biết lật nhanh chóng
Lật người là một động tác tự nhiên của mỗi bé, hầu hết các bé đều tự lật mà không cần sự hỗ trợ hay can thiệp của bố mẹ. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, bố mẹ cũng có thể hỗ trợ để bé nhanh biết lật hơn, nếu bé của mình chậm biết lật hoặc quá trình tập lật của bé kéo dài, hay bé gặp khó khăn. Dưới đây là một số mẹo hỗ trợ cho bé lật mà bố mẹ có thể tham khảo:
- Sử dụng những món đồ chơi cho bé có màu sắc sặc sỡ để thu hút bé. Đặt những món đồ chơi này ngoài tầm với của bé. Bé sẽ thích thú và từ đó, bé sẽ chủ động tìm cách di chuyển đến để lấy được chúng.
- Thường xuyên massage cho bé: Các động tác massage cho bé nhẹ nhàng, kèm những bài tập vận động tay chân không chỉ giúp bé được thư giãn, mà còn giúp cơ bé khỏe hơn, chắc hơn. Điều này cũng góp phần giúp bé nhanh biết lật hơn.
- Để bé nằm sấp trên gối hoặc nệm: Khi nằm sấp, bụng bé sẽ cảm giác khó chịu. Lúc này, bé sẽ dùng hết khả năng để có thể nằm ngửa ra và từ đó dễ dàng biết lật hơn. Nhưng mẹ lưu ý không để bé nằm sấp quá lâu, bởi bụng bị chèn ép có thể khiến bé khó thở và nôn.
3. Một vài lưu ý dành cho mẹ
Khi bé bắt đầu có những cú lật người đầu tiên trong đời cũng là lúc mẹ cần theo sát từng cử động của bé. Bởi khi biết lật, nhiều bé sẽ thích thú với sự vận động này, bé chưa ý thức được những rủi ro có thể xảy đến nếu bé mải mê lật người. Việc quan trọng của mẹ là phải sẵn sàng cho thời điểm bé biết lật. Hãy luôn để mắt kỹ đến bé khi đặt bé nằm trên một mặt phẳng cao như giường hay bàn thay tã cho bé. Vì có thể, bé sẽ lật người và ngã xuống khỏi mặt phẳng đó.
Biết lật thông thường là dấu mốc đầu tiên trong việc học cách vận động di chuyển sau đó và gần nhất là để tiến tới bé tập bò . Tuy nhiên, cũng có nhiều bé thích lật tới mức sẽ chọn cách này để di chuyển (hay chọn những vận động khác như lết mông hay trườn) thay vì bò, mà các bà các chị của chúng ta hay ví von là bé trốn bò. Trong sự vận động của bé, nhiều bé có thể "trốn bò" nhưng hầu như mọi bé đều phải trải qua giai đoạn lật dù sớm hay muộn.
Đến đây, mẹ cũng đã thấy việc mấy tháng bé biết lật và có nên hỗ trợ để bé lật nhanh cũng là một đề tài rất thú vị phải không. Mẹ cũng có thể thấy, dù biết lật là một dấu mốc quan trọng, song mẹ không nên quá sốt ruột lo lắng hay ép bé phải biết lật nhanh. Thực tế, bé yêu có chậm biết lật một chút cũng không sao, miễn bé phát triển khỏe mạnh là được. Hãy luôn dành nhiều thời gian chơi cùng bé, khuyến khích bé vận động đây cũng là cách giúp bé nhanh biết lật hơn. Và một khi con biết lật, mẹ hãy thật chú ý để con luôn được an toàn nhất nhé.
Tuyết Nguyễn tổng hợp