1. Cúng thôi nôi là gì?
Cúng thôi nôi được biết đến là một trong những phong tục có từ thời xa xưa. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của một em bé, kỷ niệm một năm ngày bé chào đời suôn sẻ. Từ “ thôi nôi’ có thể hiểu theo nghĩa đen là bé đã lớn và có thể tạm biệt chiếc nôi để chuyển sang nằm giường.
Theo quan niệm dân gian, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên, cụ thể là 12 Tiên nương (12 Bà mụ) nặn ra. Mỗi bà mụ sẽ có một nhiệm vụ nặn ra một bộ phận của trẻ: mặt, mũi, chân, tay, miệng,… và quyết định giới tính của đứa trẻ ấy. Vì thế khi em bé tròn 1 tuổi, ông bà cha mẹ sẽ tổ chức tiệc cúng như môt nghi lễ để cảm tạ cho sự phù hộ độ trì của tổ tiên và 12 bà mụ đã dành cho bé trong suốt 12 tháng đầu đời kể từ khi sinh ra. Ngoài ra, lễ cúng thôi nôi này còn có ý nghĩa để cha mẹ và những người thân cầu mong những điều may mắn và tốt đẹp nhất dành con cháu của mình.
Hầu hết lễ cúng thôi nôi của bé trai thường được tính từ ngày sinh nhật theo âm lịch của bé lùi xuống 2 ngày. Lễ thôi nôi thường được cúng vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, tùy vào sự lựa chọn của gia đình bạn.
2. Cúng thôi nôi cho bé trai - cách chuẩn bị mâm lễ cúng như thế nào
Tùy theo từng vùng miền mà có những cách cúng thôi nôi cho bé trai khác nhau, nhưng đều có những mâm lễ và nghi thức chung để mọi người cùng thực hiện.
Nhìn chung, cúng thôi nôi cho bé trai thường sẽ bao gồm 3 mâm: mâm cúng Thần tài – thổ địa, mâm cúng ông Táo, mâm cúng 12 bà Mụ và 3 Đức ông. Những thứ không thể thiếu trong mâm cúng đó là: trái cây, chè và xôi. Dưới đây là cách chuẩn bị mâm cỗ cúng thôi nôi cho bé trai đúng và đủ để các gia đình tham khảo:
Mâm cỗ cúng Thần tài- Thổ địa và ông Táo
- 3 mâm trái cây ngũ quả dành cho 3 ông
- 3 chén chè đậu xanh
- 3 đĩa xôi (xôi gấc, xôi đỗ, xôi hạt sen, ưu tiên xôi gấc vì có màu đỏ biểu hiện cho sự may mắn )
- Bộ 3 tam sên gồm trứng, tôm, thịt hoặc cua (mọi thứ cần phải được chuẩn bị tươm tất và chỉn chu nhất )
- 3 ly nước, hoa, hương đốt và văn khấn
Mâm cỗ cúng 12 bà Mụ và Đức ông
- 1 con gà nguyên con, đặt lên đĩa với tư thế đàng hoàng, đầu ngẩng cao
- 1 đĩa trái cây
- 1 đĩa xôi lớn và 12 đĩa xôi nhỏ
- 12 chén chè và 12 chén cháo
- Rượu trắng hoặc nước, hương và hoa để thắp
- 13 bộ tiền vàng
- 13 miếng trầu đã têm
- Chuẩn bị thêm chén, đũa, muỗng. Đặc biệt là nên chuẩn bị 1 đôi đũa hoa bởi theo quan niệm dân gian thì bà Mụ thích dùng loại đũa này.
3. Cách bày mâm lễ và bài văn khấn thôi nôi cho bé trai
Theo phong tục ông bà xưa, các lễ vật sẽ được sắp xếp theo một nguyên tắc là “đông bình tây quả”. Điều này có nghĩa là bình hoa cúng sẽ được đặt hướng về phía đông của bàn thờ, các lễ vật hoa quả khác sẽ được sắp xếp ở phía tây của bàn thờ. Lễ vật được bài trí theo mâm và được đặt ở các vị trí khác nhau. Thông thường, các mâm lễ vật thường được đặt ở phòng khách hoặc ngoài sân và cách nhau 10cm.
Tùy hình dạng của bàn cúng thôi nôi cho bé mà có cách sắp xếp các lễ vật cho phù hợp. Nếu là bàn tròn, ta có thể sắp xếp lễ vật phong phú vì rộng hơn. Ví dụ như gà luộc, trầu cau… sẽ được đặt giữa các lễ vật theo bộ 12 ở xung quanh. Một cách sắp xếp khác là sắp xen kẽ để đẹp mắt hơn. Nếu là bàn dài, ta có thể sắp xếp theo chiều dọc của bàn.
Đối với bài khấn cúng thôi nôi , đầu tiên cần niệm 3 lần câu “ Con nam mô A Di Đà Phật “, lạy Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị Đại Tiên Chúa, kính lạy lục cung chư vị Tiên nương. Sau đó bố mẹ kêu tên tuổi mình cùng con cái, địa chỉ,… sau đó khấn thành tâm các vị thần thánh để bày tỏ lòng thành kính và xin Người phù hộ độ trì cho con cái, gia đình. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo chi tiết bài khấn trong các quyển sách văn khấn cổ truyền.
4. Chuẩn bị mâm cúng chọn nghề cho bé trai
Một nghi thức chứa đựng nhiều ý nghĩa trong ngày thôi nôi đó chính là lễ chọn nghề. Đây là một trong những nghi thức đặc biệt thú vị bởi câu chuyện bên trong của nó. Ông bà xưa cho rằng, trong ngày cúng thôi nôi cho bé trai, gia đình sẽ bày các lễ vật có ý nghĩa và phù hợp với giới tính của bé như: bút, kéo, tiền, vàng, thước, …để bé lựa chọn ngẫu nhiên.
Dựa vào vật bé cầm lên đầu tiên mà ông bà cha mẹ sẽ dự đoán được nghề nghiệp tương lai của bé sau này. Tuy nhiên, gia đình không nên quá đặt nặng việc bé cầm lấy phải đồ vật gì vì nghi thức này chỉ là một phong tục ý nghĩa mang lại niềm vui cho gia đình trong ngày thôi nôi cho bé chứ không còn đúng với xã hội hiện đại ngày nay.
Cúng thôi nôi cho bé trai là một trong những nghi lễ rất ý nghĩa theo phong tục, đánh dấu bước phát triển quan trọng đáng ghi nhớ đầu tiên, trong những năm đầu đời của con. Hi vọng với những thông tin mà Chuyên mục Có con 0-12 tháng của Yeutre.vn chia sẻ, góp phần giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm, để tổ chức một buổi lễ vừa làm theo đúng tập tục truyền thống, vừa thật vui và ý nghĩa cho bé cưng nhà mình.
Phụng Nguyễn tổng hợp