Ở mỗi miền, cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền có sự khác nhau, song chúng đều mang một ý nghĩa nhất định, hướng đến những điều hạnh phúc, tốt đẹp. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về ý nghĩa này cụ thể hơn, cũng như các cách đặt mâm ngũ quả lên bàn thời gia tiên sao cho đúng nhé.
1. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán
Mâm ngũ quả ngày Tết ở mỗi miền nước ta lại có cách bày trí khác nhau. Song tất cả chúng đều quy về một ý nghĩa nhất định, đó là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, là những ước nguyện về một năm mới nhà nhà thật sung túc, an khang.
1.1. Ý nghĩa mâm ngũ quả Tết theo quan niệm nhà Phật
Ngày Tết, bên cạnh mâm cỗ, câu đối thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Theo quan niệm nhà Phật, ngũ quả gắn với hình ảnh trái cây năm màu thường được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn. Năm màu này, lần lượt tượng trưng cho ngũ thiện căn gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên cường), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn) và huệ căn (sáng suốt).
Đồng thời màu sắc của 5 loại trái cây cũng là ước muốn muôn đời của con người. Chúng tương ứng với phú, quý, thọ, khang, ninh. Chẳng hạn như một mâm ngũ quả thông thường sẽ có một nải chuối xanh, quả hồng đỏ, lê trắng, bưởi vàng và một quả bất kỳ có màu sẫm. Những quả này lần lượt tượng trưng có các phương: Đông, Nam, Tây, Trung và Bắc.
1.2. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết theo triết lý ngũ hành phương Đông
Tại sao lại là ngũ mà không phải là thất hay lục? Trong văn hóa tín ngưỡng phương Đông, có nhiều quy luật tự nhiên gắn với chữ ngũ như: ngũ thường trong đạo Khổng, ngũ hành trong đạo Lão hay ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng,... Số 5 này chính là biểu trưng của sự sống và đầy đủ.
Ngoài ra, việc dùng các loại quả để chưng cũng bao hàm nhiều ý nghĩa. Trái cây thường có nhiều hạt, là biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khát vọng bất tử. Bất tử ở đây được hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống.
1.3. Ý nghĩa các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết
Tùy thuộc vào văn hóa của từng vùng miền mà việc lựa chọn 5 loại trái cây bày lên mâm ngũ quả trong ngày Tết cũng có phần khác nhau. Mỗi loại quả đều mang trong mình những ý nghĩa riêng. Vì thế mà chỉ cần nhìn vào mâm ngũ quả, người ta cũng phần nào hiểu rõ được mong ước của gia chủ khi sang năm mới.
- Chuối xanh : Trong ngũ hành, màu xanh của chuối tương ứng với hành mộc. Và hình dáng tương tự như bàn tay ngửa nên có ý nghĩa là sự che chở cho con cháu. Mang lại sự bình an, sung túc và gắn kết.
- Quả phật thủ : Hình dáng của phật thủ rất đặc biệt, tương tự như bàn tay Phật. Vì thế mà loại quả này thường đặt ở trung tâm, nơi cao nhất của mâm ngũ quả. Như là sự che chở, bảo vệ bình an cho gia đình.
- Quýt : Phát âm theo tiếng Hán của từ quýt khá giống với từ cát. Do đó khi chọn quýt bày trên mâm cỗ có ý nghĩa mang lại sự sung túc, ăn nên làm ra.
- Thanh long : Rồng mây hội tự, tượng trưng cho sự thịnh vượng, cát tường.
- Bưởi : Phúc lộc, viên mãn.
- Mãng cầu : Mong mọi điều đều được như ý.
- Lựu : Con cháu đầy đàn, đa phúc đa lộc.
- Dừa : Cuộc sống viên mãn.
- Đu đủ : No ấm, thịnh vượng.
2. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết trước là để cúng trên bàn thờ gia tiên, sau là ước nguyện năm mới được an khang, thình vượng. Mỗi loại trái cây đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng. Có lẽ cũng nhờ đó mà khách đến chơi nhà, chỉ cần nhìn vào cách bày mâm ngũ quả mà có thể đoán được những mong muốn của gia chủ.
2.1. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Người miền Nam bình dị, chân thành và đôi chút hóm hỉnh. Có lẽ vì thế mà cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của họ cũng dung dị đời thường. Họ bày 5 loại quả tương ứng với "Cầu sung vừa đủ xài" là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Bên cạnh đó, họ còn chọn thêm một quả dứa với mong muốn con cháu đầy đàn và một cặp dưa hấu đỏ để cầu may mắn.
Vì người miền Nam thường dựa vào cách phát âm của từng loại quả để chọn cúng trên bàn thờ gia tiên nên một số trái như: chuối, lê, cam, quýt thường rất kỵ. Chuối âm gọi tương tự như chúi nhủi, nghĩa là làm ăn quanh năm nhưng không phất lên được. Lê là lê lết, dễ đổ bể. Còn cam, quýt thường được biết đến câu "quýt làm cam chịu".
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam cũng tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần chọn những quả có kích thước lớn đặt lên mâm trước để trụ vững. Sau đó mới lần lượt xếp những quả nhỏ hơn vào. Sao cho sau khi hoàn thành chúng có hình dáng tương tự như ngọn tháp là đẹp. Riêng hai quả dưa dấu, đặt hai bên trái phải trên bàn thờ gia tiên.
2.2. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Khác với người miền Nam, cách chọn trái cây để bày lên mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc thường không chú trọng vào lối phát âm mà dựa vào tính chất bên trong và hình dáng bên ngoài của từng loại quả. Chẳng hạn như miền Nam rất kỵ chưng chuối trên bàn thờ tổ tiên , ngược lại thì mâm ngũ quả miền Bắc luôn có loại quả này.
Ở miền Bắc, người ta thường bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành. Nghĩa là vạn vật cùng dung hòa cùng trời đất. Vì thế, các loại trái cây dùng để bày mâm ngũ quả phải tương ứng như sau: trắng ứng hành Kim, xanh ứng hành Mộc, đen ứng hành Thủy, đỏ ứng hành Hỏa và vàng ứng hành Thổ.
Mâm ngũ quả miền Bắc thường sẽ có những loại trái cây sau đây: chuối, phật thủ, đào, hồng, quýt. Theo cách bày truyền thống, chuối sẽ đặt ở dưới cùng để đỡ lấy những quả khác. Chúng thể hiện sự che chở, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Kế đến đặt phật thủ ở giữa lòng nải chuối và những loại quả khác lên trên để tạo hình ngọn tháp.
Ngoài ra, ngày nay người ta cũng không còn quá cứng nhắc trong việc bày ngũ quả, thay vào đó là thất hoặc cửu, miễn sao vẫn đảm bảo được những loại quả nên có. Vì thế, bạn sẽ thấy giữa những chỗ trống người ta còn cài xen kẽ vào quả quýt vàng, táo xanh hoặc ớt đỏ.
2.3. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Mặc dù không quá câu nệ về ý nghĩa của các loại quả nhưng người miền Trung vẫn rất chăm chút cho mâm ngũ quả ngày Tết. Ở họ có văn hóa gắn kết làng xã, tổ tiên rất mạnh. Do đó, việc bày mâm ngũ quả của họ không phải để cầu phúc an khang mà là sự tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên đã mất. Đây được xem là truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" được gìn giữ qua hàng nghìn năm của dân tộc.
Chính vì sự không câu nệ trong tiểu tiết nên mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung có điểm đơn giản hơn so với miền Nam và miền Bắc. Họ không kiêng kỵ bất kỳ loại quả nào, miễn chúng tươi ngon là có thể bày lên mâm ngũ quả. Ngoài ra, trên bàn thờ cúng gia tiên họ còn đặt thêm hai quả dưa hấu đỏ lòng để giúp mâm ngũ quả thêm sum suê, đẹp mắt.
3. Những lưu ý khi bày trí mâm ngũ quả
- Mâm ngũ quả ngày Tết nhiều người thường chọn theo tiêu chí chín mộng để chưng lên bàn thờ gia tiên. Và để kịp thời gian, người ta thường chuẩn bị trước 30 Tết khoảng 1 đến 2 ngày. Khi đó, trái cây đã bắt đầu chín mềm, nhiều quả có dấu hiệu héo và bị hư nên không thể bày lên mâm quả. Hoặc bày lên nhưng không chưng được lâu. Do đó khi chọn mua các loại quả, bạn nên chọn những quả còn xanh hoặc quả ương.
- Mặc dù ngày nay người ta không còn quá khắt khe với việc sử dụng đủ 5 loại quả tương ứng với ngũ hành. Tuy nhiên không phải vì thế mà bạn có thể tự ý thêm thắt những loại thực phẩm hoặc hoa quả khác. Điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy của chúng.
- Trái cây đặt lên mâm ngũ quả nên rửa thật sạch. Tuy nhiên phải để ráo nước thì mới bắt đầu bày lên. Vì trái cây còn ướt rất nhanh hỏng, không bảo quản được lâu.
- Tuyệt đối không dùng trái cây có gai hoặc mùi hắc bày lên mâm ngũ quả.
4. Cách chọn các loại quả bày mâm ngũ quả trong ngày Tết
Mâm ngũ quả có ý nghĩa thiêng liêng trong ngày Tết Nguyên Đán . Đây không chỉ là tín ngưỡng mà còn là mong ước về sự sung túc, may mắn trong năm mới. Vì thế, để có được mâm ngũ quả đẹp bạn phải biết cách chọn những loại quả tươi ngon. Và mẹo lựa chọn như thế nào thì cùng theo dõi một vài kinh nghiệm dưới đây.
4.1. Cách chọn bưởi ngon cúng Tết
Trong mâm ngũ quả miền Bắc, bưởi là loại quả không thể thiếu. Muốn chọn được những quả tươi ngon, mọng nước, trước hết bạn cần chú ý đến phần bỏ bên ngoài. Nếu da bóng, trái tròn và gai nở thì xác định quả bưởi đã già. Đồng thời cầm lên thấy nặng tay nghĩa là bưởi nhiều nước. Ngoài ra, khi chọn bưởi nên chọn những quả còn nguyên cuống để đẹp mắt.
4.2. Cách chọn chuối xanh cho mâm quả ngày Tết
Chuối bày trên mâm ngũ quả thường là chuối tiêu già, còn nguyên nải. Và mỗi nải trên 20 quả, có độ cong đều nhau mới ôm được các quả còn lại. Lưu ý, không chọn chuối chín hoặc chuối sắp chuyển sang màu vàng. Vì khi đặt lên bàn thờ gia tiên, sức nóng của nhang khói sẽ khiến chuối nhanh chín và dễ rụng.
4.3. Mẹo chọn cam, quýt ngon chưng mâm ngũ quả ngày Tết
Với cam, nên chọn mua những quả có da bóng, cầm nặng tay. Đặc biệt, phần vỏ cam ở xung quanh cuống phải dày và nhô lên cao. Đồng thời chính giữa núm lõm hơn so với bề mặt.
Nếu không dùng cam, bạn có thể chọn quýt để bày lêm mâm ngũ quả. Nên chọn quýt đường, quýt tiều thay cho các loại quýt thường vì chúng có màu đẹp mắt. Với những loại quả này, bạn cũng nên chọn trái có da căng, bóng tự nhiên, không bị dập. Đồng thời khi bóp pải có độ đàn hồi. Như vậy mới nhiều nước, không bị sượng.
4.4. Mẹo chọn dứa đặt lên mâm quả ngày Tết
Cách chọn dứa ngon không khó, bạn chỉ cần để ý đến phần mắt của chúng. Nếu các mắt đều nhau, có màu hơi ngả vàng và cầm nặng tay nghĩa là dứa ngon.
4.5. Mẹo chọn mãng cầu ngon
Mãng cầu ngon là những quả có da chuyển từ màu xanh sang màu hơi vàng, láng, gai mềm và khoảng cách giữa các gai khá rộng.
4.6. Cách chọn dưa hấu ngon ngày Tết
Dù là dưa hấu tròn hay dài thì bạn cũng nên chú ý đến một số đặc điểm bên ngoài để chọn được quả ngon. Trước hết ở phần vỏ dưa, nếu chúng căng tròn, láng bóng, các xọc đen nổi rõ trên bề mặt và ấn tay vào thấy cứng là dưa ngon. Đồng thời cuống dưa phải nhỏ, héo khô và núm dưa tròn đều, hơi lõm xuống.
4.7. Cách chọn xoài ngon
Tương tự, xoài muốn chọn được quả ngon phải lựa những quả có da căng bóng, vàng tự nhiên. Không chọn quả có vỏ bị nhăn hoặc thâm đen.
4.8. Cách chọn thanh long ngon
Nhờ vào màu sắc đẹp mắt cùng ý nghĩa về sự no đủ, sung túc mà thanh long thường được chọn vào mâm ngũ quả ngày Tết. Để chọn được quả ngon, khi mua bạn nên để ý đến phần vỏ của thanh long. Nếu quả nào có màu đỏ sậm, mỏng và ít chồi lá mọc lên thì thường rất ngọt và nhiều nước.
Mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức mỗi người Việt. Vì thế, dù có đi đến đâu, bận đến mấy thì mỗi độ xuân về nhà nhà đều chuẩn bị một mâm ngũ quả thật đầy đủ để đặt trên bàn thờ gia tiên. Chúng biểu trứng cho lòng biết ơn, sự tín ngưỡng và cả niềm tin vào một năm mới thật no đầy, sung túc. Qua bài viết trên, Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn rất hy vọng, năm nay bạn sẽ chuẩn bị được một mâm ngũ quả đẹp, ý nghĩa, qua sự chọn lựa và bày khéo của mình. Chúc bạn cùng gia đình đón một năm mới bình an khỏe mạnh, tài lộc dồi dào, vạn sự hanh thông.
Mỹ Lệ tổng hợp