Bài trí bàn thờ có những nguyên tắc không phải ai cũng biết
Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Do đó, khi đặt bàn thờ, gia chủ cần phải hết sức cẩn thận.
Năm mới sắp về, việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Đây là công việc được tất cả các gia đình chú ý trước tiên.
Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, nơi thờ cúng luôn được đặt tại vị trí trang trọng nhất. Trong nhà truyền thống dân gian, bàn thờ cố định đặt ở đặt ở vị trí cao ráo, sạch sẽ, trang trọng nhất, thường là tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách, là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc chung quanh. Để tốt cho gia chủ, phía sau bàn thờ cần phải là tường vững chãi, không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ…
Việc bài trí ban thờ tổ tiên cho hợp phong thủy là điều nhất thiết phải được chú trọng trong mỗi ngôi nhà của người Việt Nam. Ảnh minh họa
Thực tế hiện nay cho thấy, nhà ở của nhiều gia đình không có diện tích lớn, nhất là các hộ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… rất nhiều gia đình sống ở các căn nhà chật hẹp và chung cư. Các gia chủ đều cân nhắc kỹ vị trí đặt bàn thờ, nhằm đảm bảo sự trang nghiêm, tôn kính, sự thuận tiện trong sinh hoạt gia đình, cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố nhiều tầng hiện nay, gia chủ thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng trên cùng của ngôi nhà (tầng trên cùng thường là tầng thượng – tầng tum gồm: phòng thờ, phòng giặt + sân phơi). Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng, đảm bảo tính tôn nghiêm, thông thoáng, các không gian khác không bị ảnh hưởng bởi khói hương,… mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Đối với nhà một tầng hay các căn hộ chung cư, nhiều gia đình diện tích không cho phép xây phòng thờ riêng, thì bàn thờ thường được bố trí trong phòng khách. Việc lựa chọn hướng ban thờ và vị trí ban thờ là rất quan trọng. Trong nhà chung cư, nếu có buồng riêng là tốt nhất, còn không đặt ban thờ ở phòng khách cũng là một giải pháp. Gia chủ nên chọn vị trí đặt bàn thờ ở vị trí thoáng, lưu ý tránh bị dầm đè lên và quay ra hướng tốt so với bản mệnh của gia chủ. Ngoài ra nên để ý xem xét những căn hộ bên trên xem chỗ đặt ban thờ của mình là không gian gì. Nếu đó là WC hoặc bếp thì nên chuyển ban thờ ra vị trí khác.
Khu vực bàn thờ ở phòng khách có thể dùng chiếc rèm kéo bao quanh. Khi thắp hương bạn mở tấm rèm ra, sau khi hết hương đóng rèm lại tránh gây những ảnh hưởng xấu đến không gian thờ cúng.
Bàn thờ phải đặt ở vị trí cao ráo trong nhà
Tuy nhiên, dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên… để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
Đối với bàn thờ thần tài và ông địa, nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất vì việc thắp nhang, nhất là nhang thơm, có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp Âm Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng), đồng thời theo tín ngưỡng dân gian thì làm như như vậy sẽ “nghinh tiếp thần tài” được trực tiếp hơn.
Một số điều cần lưu ý trong việc bài trí, sắp xếp bàn thờ
Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần. Để khắc phục trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm kính phía trên trần.
Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung, tránh quá màu mè, lòe loẹt…
Một điều nhỏ nữa cần lưu ý là, chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.
Ngoài ra, gia chủ cũng cần phải chú ý một số lưu ý sau:
– Không đặt bàn thờ sát nhà tắm. Bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.
– Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.
- Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.
- Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài.
– Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ Quỷ:hướng Đông Bắc, hướng Tây Nam. (Không đặt bàn thờ hướng Đông Bắc nhìn Tây Nam hoặc ngược lại).
– Không đặt bàn thờ ở hướng Đông, Đông Nam nhìn hướng Tây.
– Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
– Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
– Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.
– Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Thay vào đó, bàn thờ Phật có thể đặt ở trung tâm nhà.
– Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng.
– Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ
Bên cạnh đó, bàn thờ phải luôn sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.
Theo GiadinhNet