Đêm trước ngày bước chân vào tổ ấm bạn tôi cứ trằn trọc với những lo toan: Ngày mai sẽ ra sao nhỉ, tự nhiên lại làm chồng, ít sau làm bố, tự nhiên…
Tôi lấy tay thụi hông nó cười gằn: "Tự nhiên cái khiên rơi xuống".
Chẳng phải thế sao. Hôn nhân là một sự chuyển hóa có điều kiện, từ một trạng thái nền tảng như bạn bè, gặp gỡ tình cờ, sắp đặt nhân tạo hay tính toán của tạo hóa, trải qua một quá trình thúc đẩy của ít nhất hai con người. Không có gì là tự nhiên, tất cả đều có nguyên nhân.
Năm qua tôi chứng kiến nhiều bạn bè cất bước ra đi trở thành một người đàn ông hay một người phụ nữ có trách nhiệm (trong đó có cả người yêu cũ) của tôi nữa. Hôn nhân, đối với đại đa số con người tồn tại trên trái đất là một quá trình nhất thiết phải diễn ra. Nói về mặt tự nhiên, đó là một hình thức cấu kết để duy trì nòi giống thông qua việc sinh con đẻ cái. Hôn nhân, sâu hơn nữa đó là một sự tác hợp, con người sinh ra luôn có một nửa còn lại vương vãi ở đâu tiến đến hôn nhân. Nhưng ở đời, nhầm lẫn luôn là một khái niệm ta nhất thiết phải trải qua. Hôn nhân thất bại, ta đem nửa còn lại ra soi chiếu, ta đẩy nó ra bằng một thái độ xa lạ hoặc kết thúc nó bằng một tờ giấy có tên là Đơn xin ly hôn.
Hôn nhân đúng là một bài toán khó giải
Tiếp đến, ta lại mòn mỏi đi tìm, ta lại chợt va chạm với một nửa khác. Lúc đó ta ồ lên, à đây mới là một nửa đích thực. Ta cố công hàn gắn nó, giẫm đạp lên mọi sự dị nghị, đồn đoán để tiến đến hôn nhân. Nếu hôn nhân thành công mà không có sự gượng ép, lúc đó người kia mới thực là một nửa ta tìm kiếm giữa chốn nhân gian, nhưng nếu không, đương nhiên đó vẫn là một sự nhầm lẫn tiếp diễn mà thôi.
Như thế đấy, đôi khi ta nghe ở quán trà đá, những ông cụ bà lão tóc bạc ngồi than thở về cuộc hôn nhân tan vỡ của con cháu mình với những câu hỏi như: Sao bây giờ chúng nó yêu nhau dễ thế, lấy nhau dễ thế, cơ hội gặp nhau nhiều thế, tìm hiểu nhau lâu thế…mà chia tay nhau cũng dễ thế.
Câu hỏi kia hàm chứa nhiều khoảng cách thế hệ. Nhưng quả thật hôn nhân thời nay đang đối mặt với nguy cơ tan vỡ cao. Nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội (xin phép giấu tên) kể với tôi câu chuyện trong gia đình mình, ông nói: “Cô cháu tôi du học ở nước ngoài về, trình độ giỏi, tiền kiếm được, giao tiếp ăn nói chừng mực, lễ phép, nhan sắc nền nã kiểu gái Hà Nội, chồng nó là cán bộ nhà nước, ngoại giao tốt, tốt mã đẹp người… chúng nó lấy nhau chừng được một năm thì chia tay. Ai cũng ngơ ngác, không hiểu tại sao”.
Đó là mọi người, còn trong suy nghĩ của vị nguyên viện trưởng cũng đã có những giải đáp về mặt khoa học của mình, tuy nhiên ông chỉ giải thích một cách ngắn gọn đó là sự không tương xứng của những quan niệm sống. Câu này thực ra là một đúc kết thuần túy. Khi yêu mà không đến được với nhau, người ta lý giải bằng câu “Không hợp nhau”. Còn lúc ly hôn, người ta cũng có thể lý giải nó là “Không sống nổi được với nhau”. Tiền bạc, vật chất, địa vị xã hội có thể xếp đặt anh ở vị trí cao trong xã hội, nhưng chắc gì đã xếp đặt anh được vị trí trong gia đình. Vị trí đó phải được xác lập trên cơ sở sự tôn trọng của người vợ, thái độ của người chồng đối với hôn nhân. Khi một trong hai người muốn vượt qua vị trí mặc định của mình nhưng lại cố tình dẫm đạp lên vị trí của người khác tức là tự họ đã kéo căng sợi dây hôn nhân trong tư thế kẻ giằng người kéo.
Thế nên, hôn nhân đúng là một bài toán khó giải. Nhưng nếu lời giải không thể tìm ra thì đừng cố gắng giải nó bằng mọi giá, cả hai cứ âm thầm sống tốt với chức phận của mình coi đó như là một đáp án ẩn số, đến một lúc nào đó lời giải sẽ hiển hiện.
Theo Ngôi sao