Trả người hoàn hảo về quá khứ
Yêu là cơn mộng mị của cuộc đời, nên hình ảnh của “nửa kia” trong mắt người đang yêu luôn huyền ảo, lung linh, đẹp… không tì vết. Khi đã kết hôn, khi đã gỡ bỏ lăng kính màu hồng ấy, vợ chồng nhìn nhau rõ hơn, đa diện hơn. Vả lại, không còn áp lực phải chinh phục nhau nên mỗi người không còn cố gắng giữ kẽ, "làm màu"; cứ thoải mái thể hiện, những tật xấu được che giấu suốt thời gian dài cũng theo đó mà bộc lộ. Nếu cố so sánh bạn đời với người ngoài hoặc với chính anh ta/cô ta thuở mới yêu thì chỉ “thua thảm”. Vậy thì tiếc gì mà không trả người hoàn hảo ấy về quá khứ để tập chấp nhận, thích ứng với người của hiện tại?
Bao giờ hình ảnh của “nửa kia” trong mắt người đang yêu luôn huyền ảo, lung linh, đẹp. Ảnh minh họa
Thật nguy hiểm nếu cứ bê nguyên si hình ảnh cũ để một ngày nào đó ta não nùng tự hỏi: phải chăng người kia đã không còn quan tâm đến mình, phải chăng tình đã phai nhạt, người kia đã “có gì” nên mới thay đổi đến vậy? Ông chồng với gánh cơm áo trên vai không thể ga-lăng, lãng mạn với cánh hồng đỏ thắm mỗi sinh nhật người yêu, với tin nhắn nồng nàn đánh thức nàng dậy mỗi sớm mai như xưa. Nhưng nếu chồng tranh thủ về sớm hơn trong ngày sinh nhật của vợ thì đó cũng là nỗ lực đáng ghi nhận, cũng được xem là lãng mạn theo kiểu hậu hôn nhân.
Hạ chuẩn
Để chuẩn bị tinh thần “chạy đường dài” và để đỡ thất vọng, vỡ mộng, mỗi người phải hạ tiêu chuẩn và yêu cầu của mình xuống để bạn đời không quá gắng sức. Kỳ vọng quá nhiều và cố tìm cách nâng cấp hòng đưa bạn đời trở về “là anh của ngày xưa” sẽ khiến đối phương mệt mỏi, căng thẳng và buông xuôi; phần mình thì chỉ chuốc lấy bẽ bàng, bất mãn. Gia đình là chốn bình yên chứ không phải “dây thang” để phải leo, leo và leo cho thỏa lòng người kia. Khi bức bối vì bạn đời không được như ý, bạn hãy giữ bình tĩnh và kiểm soát ý muốn của mình bằng câu nói đơn giản nhưng sòng phẳng rằng “mình đã hoàn hảo đâu mà có quyền đòi hỏi người khác!”.
Mắt mở, mắt khép hờ
Trong quá trình quen biết, tìm hiểu, mỗi người nên mở to hai mắt để “bới lông tìm vết”, từ đó mà thấu hiểu và chấp nhận đối phương. Không thể cưới khi lờ mờ về nửa kia, chẳng biết trong quá khứ người ấy đã có bao nhiêu người tình, có con riêng không, công việc thế nào, có tật xấu gì, có từng phạm pháp không, quan hệ gia đình - xã hội như thế nào…
Tuy nhiên, khi đã kết hôn, luôn mở to hai mắt thì sẽ thấy quá nhiều thói xấu, khó tránh khỏi phê phán, chỉ trích nhau và dễ lạc mất nhau. Tốt nhất là cứ mắt mở, mắt khép hờ để chọn lọc thông tin. Mắt mở to để quan sát, ghi nhận và nâng niu những điều tích cực ở bạn đời; mắt khép hờ để lược bớt điểm xấu (nhưng không đến nỗi nguy hại). Cho qua những gì có thể cho qua sẽ giúp gạn đục khơi trong và trân trọng giá trị của bạn đời. Ví dụ: dù có lúc chồng mình vô tâm nhưng anh ấy là người thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình. Sẽ nhẹ lòng và không đẩy tình hình đến mức bế tắc trong một phút nông nổi nếu bạn luôn biết sử dụng cách đặt câu “dù… nhưng…”.
Không có đúng - sai, chỉ có giải pháp để tình hình tốt hơn
Chẳng ai có thể tìm được mảnh ghép hoàn chỉnh, vừa khớp với mình đến nỗi không cần điều chỉnh, dung hòa khi gắn chặt cuộc đời với nhau. Hạnh phúc không phải là tìm người hoàn hảo để yêu mà là hành trình khám phá, tương tác và học cách sống chung. Trước kết hôn, để cỗ máy gia đình được vận hành thông suốt thì cần thiết lập gia quy. Đó là những nguyên tắc, hợp đồng cư xử được bàn bạc, thỏa thuận và cam kết giữa hai vợ chồng về vấn đề tiền bạc, đối đãi với cha mẹ đôi bên, chia sẻ việc nhà, bữa cơm gia đình, giáo dục con cái, về lòng chung thủy… Có thể cụ thể hóa thành nội quy: “bận mấy cũng không được về nhà sau 22g”, “công việc cơ quan có oải mấy cũng không chở stress về nhà”, “giận mấy cũng phải xưng hô anh - em, cấm mày - tao”, “giận mấy cũng phải ngủ chung giường”…
Nhiều cặp đôi cưới nhau xong thường bị vỡ mộng. Ảnh minh họa
Kết hôn là chung sống với hàng tỷ sự khác biệt, mà không phải sự khác biệt nào cũng dễ chịu. Nếu người đến từ “sao Hỏa” hiểu được người đến từ “sao Kim” và ngược lại thì sự khác biệt đó sẽ vun bồi, khỏa lấp những khoảng trống trong hôn nhân. Do cấu tạo ở vỏ não người đàn ông khác phụ nữ nên khả năng kiểm soát cảm xúc hạn chế hơn. Biết thế để người phụ nữ không “đổ dầu vào lửa”, không “làm cho ra lẽ” khi chồng nổi nóng và biết khéo léo, kiên trì uốn nắn khi chồng nguôi giận.
Trong chuyện vợ chồng không có đúng sai, thắng thua mà chỉ có cách ứng xử của bạn làm tình hình trở nên tích cực hay rối rắm, căng thẳng hơn. Nếu nói hoài, chỉnh sửa hoài mà bạn đời vẫn không thay đổi thì nên xem lại cách nói của mình và linh hoạt tìm liệu pháp khác. Đừng mãi chăm chăm vào điểm xấu mà quên động viên, khuyến khích và khen thưởng điểm tốt, vì như thế, đối phương mới cố gắng hoàn thiện mình để tiếp tục “trụ hạng”. Điều mấu chốt trong việc giữ lửa (đặc biệt quan trọng với phụ nữ) là nên suy nghĩ đơn giản và đừng để cảm xúc chủ quan chi phối.
Theo PNO