Đặt tên cho con theo tiếng nước ngoài đang dần trở thành xu hướng của nhiều bà mẹ Việt ngày nay.
Chuyện đặt tên ở nhà cho con theo tiếng nước ngoài đang dần trở thành xu hướng của nhiều bà mẹ Việt ngày nay. Những cái tên Tí, Tèo, Bi,… đã dần được thay thế bởi Boy, Sony, Nicky, Chong Un, Dong Ha… Điều đáng nói, những cái tên nước ngoài như thế này còn đi cả vào giấy khai sinh của bé.
Nhìn lại một vài tình huống dở khóc dở cười với những cái tên nước ngoài
Hết Hàn…
Vốn là một người yêu văn hóa và mê phim điện ảnh Hàn với những hot boy, hot girl, bà mẹ trẻ Phương Nghi luôn ấp ủ những cái tên Hàn Quốc thật dễ thương để đặt cho con mình. Và ngay khi đứa con đầu lòng chào đời, cái tên Su-bin đã được gọi đúng như ước muốn bấy lâu của chị.
Nhưng oái ăm thay ông bà nội chẳng bao giờ gọi bé bằng Su-bin mà lúc thì “bim bim” khi khác lại “su su” khiến chị não cả ruột.
Trường hợp tên Hàn như chị không hiếm. Có chị còn đặt hẳn tên con theo diễn viên Hàn để tạo ấn tượng. Sau bao phen vật lộn với những tên tuổi lớn, sau cùng chị cũng chọn được cái tên Jay Chou (Dân Chu). Tên đọc đã khó với ông bà, với bạn bè của bố mẹ lại còn gây hiểu lầm. Họ nghĩ tên bé là Dân và do có thói quen hay chu miệng nên được bố mẹ gọi là Dân chu. Đến lúc được bố mẹ giải thích, ai nấy cũng bật ngửa.
… lại đến Tây
Chưa hết, những cái Tây cũng được rất nhiều bố mẹ ưa chuộng chọn đặt cho con. Có người hiểu ý nghĩa của nó nên chọn. Cũng có những người không biết rõ ý nghĩa của nó là gì nhưng vẫn chọn. Một số trong đó có thể là những cái tên đẹp nhưng số khác có thể được đọc trại ra các từ khác nhau với nhiều ý nghĩa lệch hẳn đi so với cái tên. Chẳng hạn từ cái tên Andrew lại đọc thành “ăn riêu”; Louisa đọc thành “lui xa”… Những cách đọc tưởng chừng như đùa này đôi khi lại gây ra không ít những mặc cảm cho bé nếu bé đã đến tuổi nhận thức đủ.
Trên đây chỉ là một số ít trường hợp trên thực tế có thể gặp phải với những cái tên Tây, tên Hàn… mà một vài bố mẹ có thể gặp phải. Nó không phải là tất cả để quy chụp cho những mặt được và mất của việc đặt tên con theo tiếng nước ngoài. Nhưng một phần nào đó cũng đã vén cho thấy những bất tiện trong chuyện này.
Nguyên nhân của những tình huống dở khóc dở cười từ tên nước ngoài
Dựa theo những tình huống trên, có thể thấy việc đặt tên con theo tiếng nước ngoài sẽ trở thành trò đùa khi:
- Cái tên làm cớ để đọc trại khi một âm nào trong đó có khả năng được dùng để suy ra một từ khác trong tiếng Việt.
- Tên khó phát âm hoặc quá dài khiến người đọc trong nhiều tình huống buộc phải cắt bớt và tạo ra một từ mới.
- Tên có âm trùng âm với một từ nào đó trong tiếng Việt mà ngẫu nhiên nó được hiểu thành một đặc điểm trong tính cách hoặc thói quen của người được đặt tên.
Chính vì vậy, khi muốn đặt tên con theo nước ngoài để tránh sự bất tiện trong giao tiếp, cần chọn tên ngắn gọn với tối đa hai từ và các từ này cần được xem xét cả hiện tượng đọc trại lẫn đọc lái vì chúng có thể sẽ mang một nghĩa không hay. Ngoài ra, cũng cần xét đến mặt ngữ âm của từ để phù hợp với cách phát âm chung của mọi người trong gia đình. Bởi lẽ suy cho cùng môi trường sống và văn hóa ứng xử sẽ góp phần quyết định đến việc tên gọi có thực sự phù hợp hay không.
Những bất tiện từ cái tên nước ngoài
- Bố mẹ phải dành rất nhiều thời gian để giải thích cho những người khác hiểu về cái tên của bé bởi ai cũng không khỏi thắc mắc khi bố mẹ Việt lại có con “Tây” hoặc con “Hàn”…
- Những người lớn tuổi trong nhà không thuận miệng để gọi tên con cháu.
- Âm đọc trại có thể trùng với những từ mang nghĩa xấu trong tiếng Việt và cái tên vô tình trở thành trò đùa của bạn bè và mọi người.
- Gặp trở ngại nhất định trong quá trình làm các thủ tục hành chính.
Tóm lại, suy cho cùng, một cái tên hợp lý không hệ tại ở việc nó là tên Việt hay tên nước ngoài mà do chính sự lựa chọn khôn ngoan để phù hợp với văn hóa ứng xử của cộng đồng và gia đình, nơi bạn đang sống. Ngoài ra, đó còn là sự chọn lọc từ sự hiểu biết về ngôn ngữ chứ không phải dùng nó chỉ như một chiếc áo khoác tạm.
Yeutre.vn