Để con không bối rối trước kỳ “nguyệt san” đầu tiên

(Yeutre.vn) Với nhiều bé gái, lần đầu tiên có “nguyệt san” sẽ như một “đại nạn” vì bé không biết điều gì đang xảy ra với mình, bé sẽ rất lo lắng, khủng hoảng. Do vậy, là người gần gũi con, các mẹ nên kịp thời cho con những kiến thức đúng đắn về vấn đề nhạy cảm này.

banner ads

7769-banner4.jpg

Lần đầu có kinh nguyệt trẻ sẽ rất lo lắng thậm chí bị khủng hoảng

Trấn an con

Khi bất ngờ có kinh, đa số các bé đều rất lo lắng, hoảng loạn. Mẹ hay những người cùng giới khác như chị gái, dì, bà... cần có sự tư vấn, chia sẻ kịp thời về mặt tâm lý để trấn an bé. Cần giúp bé hiểu rằng đây là một hiện tượng bình thường và là điều tuyệt vời của cơ thể người phụ nữ. Không được để bé sợ hãi khi lần đầu thấy kinh nguyệt, hoặc để bé rơi vào tình trạng không biết điều gì đang xảy ra hoặc tại sao nó lại xảy ra.

Các mẹ không nên truyền đạt những suy nghĩ tiêu cực cho con theo kiểu "đây là thứ phiền phức và đáng ghét", sẽ làm cho bé càng thêm hoang mang. Ngoài ra, cũng cần cho bé biết đau bụng khi có kinh nguyệt là hiện tượng bình thường, để bé không quá lo lắng.

Dạy trẻ cách dùng “đôi cánh”

Mẹ cũng cần hướng dẫn con cách đóng băng vệ sinh như thế nào cho đúng, theo kiến thức, kinh nghiệm mà mình có được. Dặn con thay băng 3-4 tiếng một lần. Mỗi lần thay băng, cần rửa sạch bộ phận sinh dục bên ngoài bằng nước sạch, không được xịt nước vào bên trong hoặc cho ngón tay vào rửa. Nên dùng vòi tia nước hay gáo dội, không nên rửa bằng cách ngâm trong chậu. Sau khi rửa dùng khăn sạch thấm khô rồi mới đóng khăn vệ sinh mới.

Cần trang bị cho bé cách thức giữ vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm âm hộ do vệ sinh không đúng cách, vẫn cho bé tắm giặt bình thường, không cử nước, cử gió, nhưng nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng, không bơi lội.

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

7771-yeutrevn-dinh-duong-cho-tre-day-thi.jpg

Khuyến khích trẻ nên ăn nhiều thức ăn chứa sắt và kẽm như thịt bò, trứng, sữa...

Khuyến khích bé cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nên hấp thu nhiều sắc, kẽm từ thịt bò, trứng, sữa, thịt lợn, thịt cừu, cá thu, cá ngừ, đậu, vừng, hoa quả tươi, nước ép cam, nho... để phòng ngừa thiếu máu, xanh xao. Nếu cần, cũng có thể cho bé uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, cần giúp bé giữ tinh thần thoải mái, lành mạnh.

Dạy trẻ chăm sóc vùng kín

Khác với vệ sinh vùng kín trước đây, khi bé bắt đầu có kinh nguyệt, việc vệ sinh vùng kín cần có những quy tắc riêng mà bé không thể tự biết nếu không có sự dẫn dắt của mẹ. Ngay cả trong những ngày không có kinh nguyệt, rất có thể vùng kín của bé cũng sẽ tiết dịch, ra nhiều mồ hôi hơn, do vậy mẹ dạy con vệ sinh vùng kín khoảng 2 lần/ngày, nhớ mặc quần lót hút ẩm tốt, không quá chật.

Ngoài ra cũng cần nhắc nhở bé về các loại bệnh liên quan đến vùng kín như bị viêm nhiễm, khí hư có mùi… khi vệ sinh không sạch sẽ để bé biết và phòng tránh.

Nói cho con biết chuyện giới tính

7770-yeutrevn-day-thi-1.jpg

Khi con bước vào tuổi dậy thì mẹ cũng nên tế nhị chia sẻ với con chuyện giới tính

Ở tuổi này, bé cũng bắt đầu có xu hướng tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá những vấn đề về giới tính, thậm chí là chuyện tình dục. Do vậy, để bảo vệ con, các mẹ nên chia sẻ với con những vấn đề về giáo dục giới tính, sự khác biệt giữa con trai và con gái, để con biết cách tự bảo vệ mình, tránh bị lạm dụng thậm chí mang thai ngoài ý muốn.

Chủ động trang bị kiến thức trước cho con

Hãy nhớ là, kinh nguyệt có thể xuất hiện ở trẻ sớm hơn bạn nghĩ. Hoặc trẻ có kinh nguyệt lần đầu khi không ở bên cạnh bạn. Do vậy, các mẹ cần chủ động chuẩn bị trước cho con để con không bị bối rối, lo sợ. Hãy lưu ý đến độ tuổi của con (trẻ gái có thể có kinh lần đầu ở tuổi 12-15, thậm chí ít hơn), hay khi thấy ngực con bắt đầu phát triển…, mẹ nên chia sẻ trước với con về chủ đề kinh nguyệt.

Nếu mẹ không đủ kiến thức có thể nhờ bác sĩ tư vấn, trao đổi, trò chuyện với bé. Thêm nữa, mẹ cũng nên chủ động chuẩn bị sẵn băng vệ sinh trong cặp bé, cất ở ngăn an toàn, kín đáo và dặn trước với bé về “món quà” này.

Yeutre.vn

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI