1. Vì sao cần dạy trẻ 4 tuổi phát triển những kỹ năng phù hợp
Các kỹ năng sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập vào tập thể, xa hơn là cộng đồng và xã hội, cũng như khẳng định vị trí của mình trong môi trường đó. Các kỹ năng cần thiết sẽ giúp trẻ biết tiếp cận với môi trường xung quanh, hòa nhập cũng như khẳng bản thân mình một cách tốt nhất.
Không phải phụ huynh nào cũng hiểu tại sao trẻ cần được học các kỹ năng khác nhau. Hơn nữa, nhiều ba mẹ còn nhầm lẫn giữa kỹ năng và hành động. Vì vậy, khi dạy con làm theo được những yêu cầu của người lớn thì ba mẹ liền cho rằng trẻ đã có kỹ năng và điều này là hoàn toàn không đúng. Xin minh họa cho ba mẹ bằng một ví dụ cụ thể, khi cho trẻ đi thăm họ hàng. Trước khi vào nhà, mẹ nhắc trẻ bỏ dép lên kệ và trẻ làm theo những gì ba mẹ nói, đó là hành động. Phần lớn những trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có những hành động đơn giản diễn ra trong cuộc sống như chào hỏi, tự mang giày dép, xếp đồ đạc,... nhưng đó nhiều khi vẫn là hành động làm theo lời ba mẹ. Khi những hành động của trẻ thành kỹ năng, chính là lúc trẻ tự bỏ giày dép của mình lên kệ...mà không cần đến sự nhắc nhở của ba mẹ.
Ba mẹ cũng cần hiểu rằng, cuộc sống chắc chắn sẽ mang đến cho trẻ nhiều vấn đề khác nhau. Vì vậy, nếu không được trang bị các kỹ năng cần thiết, hay có sự định hướng không đúng đắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.
2. Các kỹ năng cần thiết - dạy trẻ 4 tuổi như thế nào?
2.1. Kỹ năng giao tiếp nên dạy trẻ 4 tuổi như thế nào?
Đây là kỹ năng cần thiết để trẻ có thể mở rộng mối quan hệ, từ trong gia đình đến ngoài nhà trường và xã hội. Bố mẹ không thể bảo bọc con mãi, nên việc giúp trẻ phân biệt đâu là người tốt và đâu là người xấu quan trọng hơn việc, bố mẹ cứ giữ con bên cạnh mình.
Bố mẹ dạy trẻ nói lời xin lỗi, lời cảm ơn và tránh nói leo khi người khác đang nói chuyện. Ngoài ra bố mẹ cũng có thể cho trẻ sắm vai để trải nghiệm thông qua các tình huống. Bố mẹ có thể tạo ra các tình huống để trẻ chọn cách giao tiếp cho phù hợp. Hãy để trẻ chơi với các bạn trong khu phố, chơi với những người lớn tuổi như bố mẹ, để học hỏi những điều mới lạ.
2.2. Kỹ năng thích nghi nên dạy trẻ 4 tuổi như thế nào?
Thích nghi với môi trường
Môi trường sống bẩn và ô nhiễm là điều không thể chấp nhận được, nhưng không gian quá sạch sẽ cũng không phải là điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ.
Bố mẹ có thể cho trẻ nghịch đất, cát giúp trẻ thõa mãn được tính năng động, vừa nâng cao khả năng đề kháng. Trẻ có vấp ngã khi chơi thì điều này sẽ giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn và bớt mè nheo.
Bố mẹ cũng có thể giúp trẻ nhận biết các kiểu thời tiết, để tự lựa chọn các trang phục phù hợp với thời tiết. Cho trẻ thích nghi với mưa nắng trong chừng mực nào đó, có thể giúp trẻ tránh ốm đau lặt vặt.
Thích nghi với các loại đồ ăn
Một số trẻ chỉ thích ăn vài loại thực phẩm nhất định, có thể do bố mẹ vô tình tập cho trẻ thói quen này khi trẻ còn bé. Một mặt chúng ta vẫn chấp nhận và tôn trọng những sở thích này nhưng một mặt tập cho trẻ ăn uống đa dạng. Điều này sẽ giúp trẻ có đầy đủ chất dinh dưỡng và đề kháng, đồng thời những lúc gia đình cần phải di chuyển, thì trẻ không mất thời gian cho việc thích nghi.
Bố mẹ có thể cho trẻ tham dự bữa cơm với gia đình hoặc các bữa ăn có nhiều bé với nhau, và tổ chức thi đua để trẻ hứng thú khi ăn. Nếu trẻ không muốn ăn thì bố mẹ có thể động viên trẻ thử một ít, nhưng không được ép trẻ.
Bố mẹ cũng có thể tham khảo cách chế biến và trang trí bữa ăn bắt mắt để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
Thích nghi với đám đông
Mỗi đứa trẻ có tính cách hướng nội hoặc hướng ngoại khác nhau. Tuy nhiên, việc thích nghi với đám đông sẽ giúp trẻ có được kỹ năng giao tiếp cần thiết, cũng như khả năng chung sống với những người xung quanh. Bố mẹ tùy thuộc vào tính cách của trẻ mà cho trẻ tham gia các lớp học dã ngoại, các hoạt động ở trường hoặc các lớp múa, vẽ, hát...
2.3. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân - nên dạy trẻ 4 tuổi như thế nào?
Kỹ năng tự chăm sóc bản thân là những viên gạch đầu tiên bố mẹ cần hình thành để xây dựng tính tự tin, tự lập và ứng phó với những đòi hỏi khác nhau của trẻ. Nếu trẻ biết tự chăm sóc bản thân thì đồng thời các em cũng sẽ biết cách chăm sóc những người khác. Trong quá trình dạy kỹ năng tự chăm sóc bản thân, bố mẹ chú ý đến sự an toàn, cũng như ý thức tự giác của trẻ trong khi thực hiện.
Kỹ năng tự xúc ăn: cho trẻ sử dụng thìa, bát đũa hằng ngày thông qua chơi với đồ chơi an toàn. Ba mẹ cho trẻ xúc đồ khô trước khi bánh quy, cơm trắng, rau củ... sau đó giúp trẻ điều khiển khéo léo dôi tay, kích thích não bộ phát triển tốt hơn.
Kỹ năng tự mặc quần áo: Có thể cho trẻ chơi trò thay quần áo cho búp bê để rèn sự khéo léo, đồng thời ý thức của con cũng tốt hơn.
Kỹ năng chăm lo vệ sinh cá nhân: rửa tay, rửa mặt, đánh răng, tắm.
2.4. Kỹ năng tự bảo vệ - cần dạy trẻ 4 tuổi như thế nào?
Kỹ năng phân biệt nguy hiểm
Trẻ cần được dạy để nhận biết đồng thời hành động đúng và bảo vệ bản thân qua các tình huống trong cuộc sống.
Bố mẹ có thể dạy trẻ các vật có thể gây nguy hiểm trong nhà: ga, bàn ủi, điện, nước nóng, dao kéo hoặc các vật có thể gây nguy hiểm bất ngờ: cháy nổ, kẹt tháng máy, chó cắn, ong đốt... Bố mẹ hãy sắm vai để trẻ biết mình cần phải làm gì trong những tình huống đối diện với nguy hiểm.
Kỹ năng tự xoay xở
Bố mẹ hãy để trẻ tự xoay xở với những khó khăn trong cuộc sống có sự kiểm soát của bố mẹ. Bố mẹ sẽ là chỗ dựa tốt cho trẻ, chứ không phải là người giải quyết mọi vấn đề cho trẻ. Bố mẹ có thể để trẻ tự chuẩn bị đồ đi học, trẻ mang đồ sang biếu nhà hàng xóm...đây là những bài tập mà bố mẹ có thể để trẻ tự thực hiện.
Dạy trẻ 4 tuổi với những kỹ năng cần thiết được trang bị, trẻ dù dần rời xa sự bảo bọc của cha mẹ nhưng không sợ sệt hay tự ti. Cũng nhờ những kỹ năng phù hợp được dạy bảo rèn luyện, bé sẽ không gặp trở ngại nhiều khi rời cha mẹ, để hòa nhập vào môi trường sống ngày càng rộng lớn hơn ngoài cánh cửa nhà mình. Yeutre.vn hy vọng, bài viết này là một gợi ý thực sự hữu ích dành cho bố mẹ, khi tìm câu trả lời cho câu hỏi nên dạy trẻ 4 tuổi như thế nào? Mong rằng bé của bố mẹ có những trải nghiệm tuyệt vời nhờ cách định hướng dạy bảo đúng đắn của bố mẹ. Cũng như, chính bố mẹ cũng cảm thấy nhẹ nhàng yên tâm, cho chặng đường sắp tới khi con phải xa dần sự bảo bọc của mình.
Như Hà tổng hợp