Khái niệm “bản đồ tư duy” xuất hiện trong những năm gần đây dùng để chỉ về một phương pháp giáo dục nhằm kích thích và khai thác tiềm năng tư duy của não bộ, một phương pháp giúp cải thiện trí thông minh của trẻ đang gây được sự chú ý từ các phụ huynh.
Từ đâu có bản đồ tư duy?
Não bộ phát triển tư duy theo dạng phân nhánh.
Là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về cách ghi nhớ của não bộ, Tony Buzan đã xây dựng nên một phương pháp ghi chú về các mạch tư duy và ghi nhớ chúng. Các mạch tư duy này hình thành các dữ kiện theo một trình tự nhất định và giữa chúng luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bản đồ tư duy cũng tận dụng tối đa khả năng tư duy hình ảnh của não bộ để kích thích và khai thác năng lực tư duy của nó.
Nói cách khác, bản đồ tư duy chính là cách thức sử dụng giản đồ để ghi chú và liên kết các mạch tư duy của não bộ theo dạng phân nhánh nhằm đưa ra những phán đoán, nhận định hoặc kết luận một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
Tư duy được hình tượng hóa bằng hình thức giản đồ
Bản đồ tư duy với từ khóa "time".
Ích lợi từ phương pháp tư duy theo bản đồ hiện đang được chứng minh đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ học tập, kinh doanh đến công tác lập kế hoạch, đồ án… Đây thực sự là một cách ghi chú vô cùng hiệu quả. Không chỉ cho biết chi tiết về thông tin mà còn chỉ cho thấy cấu trúc tổng thể của các thông tin đó và cách thức để liên kết chúng thành một ý tưởng lớn.
Nhờ có sự ghi chép thông tin từ tư duy của não bộ theo hình thức giản đồ và thể hiện trên những mảnh giấy hoặc mô hình với hình ảnh, màu sắc, đường nét và ngôn ngữ… con người có thể hiểu cặn kẽ hơn về một vấn đề, có khả năng mở rộng, hệ thống lại toàn bộ hoặc tóm tắt nó. Do đó, có thể nói bản đồ tư duy là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề được đặt ra.
Lợi ích khi sử dụng bản đồ tư duy
+ Giúp nhìn nhận rõ từ khóa
+ Tiết kiệm thời gian tư duy
+ Ghi nhớ gần như trọn vẹn ý
+ Tận dụng được năng lực của bộ nhớ: hình dung, liên tưởng, làm bật vấn đề…
+ Kích thích cùng lúc hoạt động của hai bán cầu não
+ Ghi chú theo đúng hướng hoạt động của não bộ đó là phát triển tư duy theo hướng phân nhánh.
+ Tuy được hình tượng hóa bằng hình ảnh cụ thể trên giấy nhưng nó lại là một hiện thực đa chiều.
Ứng dụng của bản đồ tư duy
Người ta có thể ứng dụng bản đồ tư duy trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau bởi nó không giới hạn về tỷ lệ hay cách phát triển nhánh. Mỗi người khác nhau có thể sử dụng những màu sắc, chữ viết, hình ảnh khác nhau để ghi chú về cùng một vấn đề. Và đó cũng chính là cách thức để một đứa trẻ có thể bộc lộ khả năng sáng tạo và trí thông minh của mình.
Các bước giúp trẻ lập bản đồ tư duy
Bé có thể lập một bản đồ tư duy đơn giản như thế này.
Những vật dụng cần thiết để mẹ có thể cùng bé lập nên bản đồ tư duy bao gồm giấy, bút màu, tẩy, bút high light…
Cách làm như sau:
Bước 1:
Dùng một mặt giấy trắng không kẻ dòng và xoay theo khổ ngang.
Bước 2:
Chọn một từ khóa. Chẳng hạn: ĐỒ CHƠI
Bước 3:
Vẽ nhánh
- Cấp 1: Xuất phát từ trung tâm từ khóa, vẽ các đường phân nhánh bằng một chiếc bút màu xanh và ghi chú TRẺ SƠ SINH, TRẺ MẪU GIÁO, TRẺ TIỂU HỌC…
- Cấp 2: Từ các nhánh cấp 1 tiếp tục vẽ những nhánh nhỏ hơn. Chẳng hạn: Từ nhánh trẻ sơ sinh, phát triển tiếp tục các nhánh với ghi chú NHỰA DẺO, GỖ,…. Từ nhánh trẻ mẫu giáo, phát triển tiếp tục các nhánh với ghi chú NHỰA DẺO, NHỰA CỨNG, GỖ, ĐẤT SÉT, CÁT…Từ nhánh trẻ tiểu học, phát triển tiếp tục các nhánh với ghi chú NHỰA DẺO, NHỰA CỨNG, GỖ, ĐẤT SÉT, CÁT, SẮT, ĐỒNG, NƯỚC…
Tùy theo sức sáng tạo, bé có thể tiếp tục phân thêm nhánh và tạo ra thêm nhiều từ khóa mới mà không sợ giới hạn về số lượng nhánh phân cấp.
Bước cuối cùng chỉ việc tổng hợp để tìm thấy điểm chung hoặc tiếp tục phát triển riêng biệt đối với một vấn đề cụ thể nào đó mà bé muốn hướng đến.
Việc hình thành một bản đồ tư duy còn được thực hiện trên phần mềm chuyên dụng dành cho các thiết bị công nghệ có cài đặt ứng dụng tương tự thay vì dùng giấy bút.
Những lưu ý khi sử dụng bản đồ tư duy
Đường cong nếu được phân nhánh có tổ chức sẽ hỗ trợ tư duy nhiều hơn so với đường thẳng.
- Cần phân nhánh theo thứ tự chiều kim đồng hồ để tiện hệ thống lại về sau.
- Sắc màu và hình ảnh sẽ giúp kích thích não bộ tư duy và ghi nhớ tốt hơn.
- Đường cong nếu được phân nhánh có tổ chức sẽ hỗ trợ tư duy nhiều hơn so với đường thẳng.
- Từ hình ảnh trung tâm nên có ghi chú đầy đủ về thông tin.
- Cần thiết có cho riêng mình một kiểu bản đồ tư duy mang tính cá nhân.
Yeutre.vn (Tổng hợp)