1. Nguyên nhân gây của bệnh thiếu máu
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ, trong đó có nguyên nhân về bệnh lý và sinh lý. Do đó, mẹ cần biết rõ điều này để dễ dàng hơn trong việc điều trị bệnh. Và dưới đây là những nguyên nhân gây thiếu máu mẹ nên biết:
- Sự bất thường trong huyết cầu tố : Cấu trúc và chức năng của các tế bào hồng cầu phụ thuộc vào chất lượng và số lượng huyết cầu trong cơ thể. Một số bệnh di truyền thông thường có thể gây ra sự biến đổi bất thường trong huyết cầu tố, là cho hồng cầu bị giảm. Khi đó, tủy xương không thể bắt kịp các tế bào chết, gây ra tình trạng thiếu máu.
- Thiếu dinh dưỡng : Để tạo hồng cầu trong cơ thể của bé cần bổ sung đủ lượng sắt, B12 và vitamin. Khi trẻ thiếu máu và vitamin dẫn đến hiện tượng sản xuất không đủ hồng cầu trong cơ thể dẫn đến thiếu máu. Điều này thường xảy ra với trẻ trên một tuổi và trẻ sơ sinh thiếu tháng.
- Chế độ ăn thiếu sắt : thường gặp ở các trường hợp như trẻ thiếu sữa mẹ, ăn dặm không đủ thành phần, suy dinh dưỡng bào thai và có thể do sinh đôi.
- Hấp thụ sắt kém : thường xảy ra ở các trẻ gặp phải tiêu chảy kéo dài, nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
- Biến dạng trong tủy xương : Tủy xương đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hồng cầu. Nên, bệnh ung thư hồng cầu hay ung thư tủy xương sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất hồng cầu.
- Thiếu máu do ngộ độc chì mãn tính : Chì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, một trong số đó là ức chế sự tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu làm cho hồng cầu dễ bị vỡ, từ đó dẫn đến thiếu máu.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm : Đây là một rối loạn máu di truyền, bình thường hồng cầu có hình bản dẹt tuy nhiên, ở trẻ mắc bệnh này hồng cầu của trẻ có hình liềm đồng thời rất cứng và dễ dính. Chính vì thế, chúng hay kẹt trong mạch máu và làm giảm lưu thông máu.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu ở trẻ
Dấu hiệu trẻ thiếu máu thường khó nhận biết ngay, tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện như dưới đây, thì có thể trẻ bị thiếu máu:
- Mệt mỏi và yếu ớt : Dấu hiệu thường gặp này xuất hiện do lượng tế bào hồng cầu cung cấp oxy thấp, các bộ phận trên cơ thể bé thiếu máu nên không thể hoạt động bình thường. Kết quả dẫn đến trẻ mệt mỏi và yếu ớt.
- Da xanh xao : Trẻ thiếu máu có số lượng hồng cầu ít nên da nhạt màu hơn bình thường. Da xanh xao là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh thiếu máu ở trẻ .
- Chán ăn : Trẻ thiếu máu sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán nản trong các hoạt động thường ngày, một trong số đó là chán ăn.
- Khó thở : Thiếu máu dẫn đến thiếu oxy nuôi cơ thể, thiếu hụt nguồn cung cấp oxy cho tim. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị khó thở.
- Thường xuyên ốm vặt : Việc thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu dẫn đến làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ, do đó trẻ thiếu máu thường xuyên bị nhiễm trùng hay đau ốm.
- Hội chứng chân không yên (RLS) : Đây là tình trạng đôi chân cảm thấy khó chịu khi ngồi hặc nằm xuống, thường xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Có thể do thiếu sắt gây ra, hoặc nó có thể làm trầm trọng hơn hội chứng này.
- Nhức đầu : Chóng mặt, nhức đầu, khó tập trung cũng là một trong những dấu hiệu thiếu máu ở trẻ.
- Giảm thèm ăn hoặc thèm ăn vô độ : Đây tưởng như không liên quan tuy nhiên thực chất lại là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Nó liên quan đến tâm lý và bản năng của cơ thể.
Khi các mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu trên, cần cho con đi kiểm tra để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất cho trẻ nhé.
3. Cách phòng tránh thiếu máu ở trẻ
Các dấu hiệu trẻ thiếu máu tuy không dễ nhận biết ngay nhưng cách phòng tránh chủ động là việc bố mẹ hoàn toàn có thể làm ngay hôm nay. Để phòng tránh bệnh thiếu máu cho con, cha mẹ nên:
- Bổ sung chất sắt cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
- Cho trẻ bú ngay sau khi sinh hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và kéo dài đến năm 2 tuổi. Sữa mẹ chứa một lượng sắt lớn và dễ hấp thụ hơn so với các thực phẩm khác, ngoài ra còn tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng: Cần bổ sung thêm chất sắt vào bữa ăn của trẻ như sử dụng các loại ngũ cốc để tăng cường sắt. Các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu đỗ và các loại rau xanh lá sẫm màu.
- Làm tăng khả năng hấp thụ sắt: Vitamin C giúp làm tăng hấp thụ sắt. Vì vậy, nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như dưa hấu, dưa gang, dâu tây, kiwi, rau cải xanh, cà chua và khoai tây.
- Sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt: Đối với những trẻ sinh thiếu tháng hoặc sinh đôi nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để bổ sung sắt cho trẻ .
- Giữ vệ sinh cho trẻ một cách tốt nhất để tránh trường hợp bị giun sán, không đi chân đất để tránh bị giun móc, tẩy giun định kỳ cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để nắm bắt tình trạng sức khỏe của bé và có cách cải thiện sức khỏe của trẻ tốt nhất phù hợp nhất đối với tình trạng hiện tại của trẻ.
Trên đây là những dấu hiệu trẻ thiếu máu và một số điều quan trọng liên quan bệnh thiếu máu ở trẻ. Cha mẹ nên lưu ý kỹ, để giúp bé có thể tăng trưởng và phát triển trong điều kiện đầy đủ và tốt nhất. Yeutre.vn cũng mong rằng, các bậc phụ huynh không nên lơ là việc tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến một trong những bệnh mà trẻ có thể gặp phải này, để có cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, cũng như điều trị đúng cách giúp trẻ mau phục hồi nếu con mắc bệnh.
Kiều Duyên tổng hợp