Gia đình tôi có lẽ khác nhiều người. Vợ tôi khá xinh đẹp. Đã thế cô ấy lại còn biết cách tôn lên ưu điểm của bản thân nên trông lúc nào cũng rạng rỡ.
Vợ tôi rất đẹp nên tôi luôn sợ mất cô ấy. Ảnh minh họa
Ngay từ thời còn là người yêu, nhiều đêm tôi đã phải vắt tay lên trán, tính “trăm mưu nghìn kế” để tiêu diệt những vệ tinh xung quanh vợ. Đến khi cưới cô ấy rồi, tôi lại càng không dám lơ là.
Các cụ bảo cấm có sai “Gái một con trông mòn con mắt”. Vợ tôi từ khi sinh con xong lại càng mặn mà, đằm thắm hơn. Da dẻ mượt mà mà thần thái cũng tươi tắn hơn trước.
Tôi lấy vợ xong thì chả biết do vui mừng vì lấy được vợ nên tinh thần thoải mái hay do vợ tôi nuôi tốt mà ngày càng phát tướng, bề ngang ngày càng nở, trong khi chiều cao thì đã chốt hạ từ chục năm trước. Ý thức được “tình hình” nên tôi sợ mất vợ lắm. Trong thời buổi đất chật người đông, “phi công thì lắm, nông dân (chăn rau) thì nhiều” như hiện nay…Mình mà chủ quan, lơ mơ tí là mất vợ như chơi.
Đàn bà khổ sở lo tìm cách giữ chồng, thì đàn ông cũng rất sợ mất vợ.
Tôi luôn nằm lòng quan điểm: “Vợ là cơm nguội nhà ta. Nhưng là phở tái (của) thằng cha láng giềng..."
Do đó dù bận thế nào thì bận nhưng một ngày cũng phải ăn cơm với vợ con một bữa. Bữa cơm là nơi gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Trong bữa cơm, mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện xảy ra trong 1 ngày. Những câu chuyện, sự hỏi han quan tâm, và cả tiếng cười đùa trong mỗi bữa cơm chính là chất xúc tác cho vợ chồng hiều nhau hơn, gắn bó với nhau hơn.
Vợ chồng nào cũng có lúc cãi nhau, nhưng đừng vì vậy mà dại dột bỏ đi. Ảnh minh họa
Vợ chồng dù yêu nhau đến mấy thì cũng không tránh khỏi những lúc bất hòa. Bát đũa còn có lúc xô nhau nữa là vợ chồng. Những lúc như thế, giận thế nào thì giận tôi vẫn cố kiểm soát hành vi và lời nói của mình. Dù giận vợ đến đâu, hay tranh cãi quyết liệt như thế nào thì tôi cũng tuyệt đối không “mày – tao”, không “con này con kia”, lại càng không lôi họ hàng gia đình hai bên vào cuộc. Giận quá thì tôi bỏ…. ra ngoài cổng, đi qua đi lại một lúc, khi nào bình tĩnh rồi thì vào nói chuyện với vợ. Chứ tôi chả dại mà bỏ đi đâu. Nhà mình mình cứ ở, đêm hôm khuya khoắt tội gì bỏ đi đâu.
Hôm qua đi nhậu, nghe anh bạn đồng nghiệp kể “cãi nhau với vợ, bị vợ nghi ngờ lập phòng nhì nên đòi kiểm tra điện thoại. Kiểm tra xong thì không có gì. Anh giận quá, ném luôn cái điện thoại xuống đất. Giờ nghĩ lại mới thấy xót của”. Đấy, các cụ bảo rồi “giận quá mất khôn”, cấm có sai mà. Đập đi rồi cũng phải mua lại. Đằng nào cũng tốn tiền của mình. Nên tuyệt đối “không phá hủy tài sản chung và tài sản cá nhân”
Đến chuyện cư xử với bên nhà vợ. Tôi có cô em gái, gả chồng cho nó xong mà mẹ tôi suốt ngày gọi điện hỏi xem có bị chồng bắt nạt không. Thế nên tôi hiểu sự lo lắng của “nhạc phụ, nhạc mẫu”. Người ta bảo “dâu con rể khách” là ý chỉ con rể thì khách sáo với bên nhà vợ, còn tôi thì coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, em vợ cũng như em mình. Vì ông bà ngoại ở khá gần nên thỉnh thoảng tôi lại tạt sang thăm hai cụ. Hôm thì chở bố vợ đi mua cây cảnh, hôm thì giúp mẹ vợ thay cái bóng đèn. Hôm nào vợ đi công tác là hai bố con sang nhà ông bà ngoại chơi (ăn cơm chực) cả ngày. Dần dà ông bà cũng quý và tin tưởng con rể, không khách khí giữ kẽ nữa. Và vì ông bà ngoại không có con trai, chỉ có vợ tôi và cô em vợ nên ông bà coi con rể như con trai. Có công việc gì quan trọng ông bà cũng gọi tôi về cùng bàn bạc. Cũng vì được bố mẹ vợ quý nên cũng mấy lần tôi nghe vợ kể lại là ông bà khen tôi với vợ. Vừa được lòng bố mẹ vợ, vừa được lòng vợ. Như thế còn gì bằng.
Đọc báo thấy nhiều bà vợ than vãn kể tội chồng mê game, mê nhậu, lười làm. Tôi cũng thấy nhột, nên hôm nào có tiệc tùng ở công ty hay bia bọt với các chiến hữu thì tôi cũng gọi điện báo trước với vợ và về trước 11h. Hôm nào say xỉn, về trễ, thấy vợ “mặt nặng như chì” là tôi vào giường ngủ luôn, mai dậy năn nỉ, xin lỗi vợ sau chứ chả dại mà dây vào ngay lúc đấy.
Vợ chồng là phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Ảnh minh họa
Trước khi cưới, vợ tôi có làm một bản phân công công việc nhà. Vợ giặt đồ thì tôi phải phơi đồ, vợ nấu ăn thì tôi rửa bát. Chiều đi làm về, vợ đón con còn tôi tắm cho con. Kể cả vợ chồng có giận nhau thì cũng phải thực hiện đúng theo phân công. Hôm nào tôi quên nhiệm vụ là tối hôm đấy biết tay vợ ngay.
Đi ngủ thì vợ chồng lúc nào cũng phải ôm nhau cho tình cảm.
Có người nói: “Ủa, tại sao lại phải giữ khi vợ đã thuộc về mình, chắc chắn là… của mình?”. Người khác lại bảo: “Vợ tui vốn rất chung thủy nên không phải lo giữ”. Hoặc có kẻ thì “Vợ tui không có khả năng "tạo phản" vì không có ai theo đuổi, nên không cần giữ”, hay tệ hơn nữa là: “Vợ tui xấu như ma, ai thèm dòm mà phải giữ!?”. Nói thế là quá chủ quan, bởi không thiếu những bài học thất bại cho những người chồng có suy nghĩ coi thường hôn nhân và người bạn đời, bởi lẽ một khi người ta thấy mình không được “giữ”, không “sợ mất” thì cũng chẳng còn động lực để mà vun đắp.
Chẳng lẽ… khi có vợ đẹp, hoặc vợ có tính lẳng lơ, hay có người theo đuổi vợ thì mới cần giữ? Xin đừng quên rằng, hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Trên hành trình đó, nếu không biết cách “giữ lấy đời nhau” thì một ngày nào đó người ta sẽ phải đối mặt với mất mát.
Theo webtretho