Coi chừng xa mặt cách lòng luôn

Người đời vẫn có câu “nhất cự ly nhì tốc độ”, cự ly quá xa thì hãy xem chừng lòng người sẽ đổi thay khó ngờ.

banner ads

Cảnh giác với những chuyến công tác xa

Ngoài 30 tuổi chị Thu Hương (Điện Biên Phủ, Q.3, Tp.HCM) mới lập gia đình. Cưới nhau được một tháng thì anh Phi-chồng chị đã “lên đường làm nhiệm vụ” để lại cô vợ mới cưới ở nhà bơ vơ một mình. Mấy anh chị đồng nghiệp trong cơ quan có lúc chọc ghẹo: Để chồng đi lâu thế chịu sao nổi, coi chừng con rơi con vãi khắp nơi…

5861-chup-hinh-cuoi-gia-re-2.jpg

Vì là vợ chồng mới cưới nên chị hoàn toàn tin tưởng chồng. Ảnh minh họa

Những lời ông tiếng ve như thế rất nhiều đã đến tai chị Hương. Nhưng vừa mới cưới nhau nên chị hoàn toàn tin tưởng anh. Anh Phi vốn là giảng viên của một trường đại học nên thường xuyên được các ban ngành và các trường ở các tỉnh thành phố khác mời về dạy. Mỗi lần đi dạy của anh kéo dài 1-1,5 tháng. Anh cứ đi triền miên, thỉnh thoảng anh mới phải dạy vài tuần ở trường đại học của mình, rồi anh lại được mời đi thỉnh giảng ở tỉnh xa. Rồi cứ về nhà được vài tuần thì anh lại “xách vali” đi tiếp.

banner ads

5 năm, rồi 7 năm trôi đi… nhà cửa vẫn yên ấm, con cái đã có đủ, nhưng cái tình cảm nồng nàn của ngày mới cưới nhau và xa nhau không còn nữa, thay vào đấy là sự nhàm chán. Đợt này anh Phi được nghỉ hè lâu ở nhà, nhưng chị Hường cứ thấy anh bồn chồn, nhiều khi cứ ra vào thẫn thờ, đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng trong đêm tối chị lại thấy chồng nén nút ra ban công nghe điện thoại nhỏ to với ai đó rồi lại rón rén đi vào.

Nỗi hoài nghi của chị Hường bắt đầu xuất hiện, rồi một hôm anh đang trong nhà tắm, chị Hường thấy điện thoại của anh đổ chông, chị nhấc máy thì có một giọng phụ nữ cất lên: anh Phi à, bao giờ anh về, con khóc cứ đòi anh suốt, anh về thì nhớ mùa quà cho con nhé… Chị ngồi như chết đứng nửa người.

Anh Phi bước từ nhà tắm ra thấy vợ ngồi thừ người, tay vẫn cầm chiếc điện thoại của mình thì cũng hơi hốt hoảng, nhưng anh vẫn trấn tĩnh hỏi vợ có chuyện gì. Chị Hường chỉ trả lời, em sẽ nói chuyện với anh sau. Hai tiếng sau thì anh Phi nhận được điện thoại của người đàn bà kia và thực hư đã rõ, vợ anh đã nghe và biết chuyện.

Tối hôm đó anh thú nhận với chị rằng: Anh đã có đứa con 3 tuổi với một cô gái quê ở Đà Nẵng, cô gái đó thực ra là học trò của anh, trong lần anh dạy lớp của cô thì gia đình cô đã xảy ra sự cố, bố mẹ và em trai cô gái đã tai nạn qua đời, để lại cho cô một cú sốc lớn. Những ngày dạy học ở đó anh thường xuyên đến an ủi cô gái rồi gọi điện hỏi han, tâm sự động viên cô gái. Họ nảy sinh tình cảm với nhau và yêu nhau lúc nào không hay. Những lần sau anh đến Đà Nẵng dạy học thì anh đều ghé qua nhà cô và rồi thì ở lại nhà cô ăn ngủ luôn. Anh thú nhận rằng hai người rất yêu nhau và không thể sống thiếu nhau được…

Còn với vợ anh cũng thú thật: Thời gian xa nhau nhiều, anh đã không còn cảm thấy tình yêu với chị từ lâu, chỉ còn tình cảm, ơn nghĩa vợ chồng và con cái gắn bó với nhau mà thôi. Những lời nói thật của chồng Phi làm chị không còn con đường nào khác là “giải thoát” cho chồng.

5862-20387481.jpg

Phát hiện chồng có con riêng, chị không còn cách nào khác là ... giải thoát cho chồng

Thận trọng khi chồng làm việc xa

Anh Hùng đóng quân ở Sơn Tây gần nhà chị Hoa, lúc đó chị Hoa đang học Đại học sư phạm ở Hà Nội. Thỉnh thoảng chị Hoa về thăm nhà và hai người đã tình cờ gặp nhau, sau đó yêu nhau. Ngày chị Hoa ra trường thì anh Hùng cũng nhận được giấy chuyển công tác vào Huế đóng quân. Chị Hoa ở lại Hà Nội đi dạy, hai người thỉnh thoảng mới có kỳ nghỉ và đi thăm nhau.

Bảy năm sau ngày Hoa ra trường anh Hùng cứ nửa với, đắn đo chưa muốn cưới… vì anh ngại khoảng cách. Anh thì không thể chuyển công tác được, còn chị Hoa thì đã nhiều lần xin chuyển dạy vào Huế cùng anh nhưng không được. Chị Hoa cứ chờ anh mãi mà không thấy anh nói cưới, không thể chịu đựng kiểu nửa vời của anh Hùng mãi mà tuổi xuân của chị cứ trôi đi một cách nhanh chóng. Chị Hoa đã phải ra tối hậu thư “anh có cưới hay không thì bảo!?” - anh Hùng đành gật đầu cưới cho xong. Cuối cùng họ cũng làm đám cưới trong sự chờ đợi của hai gia đình. Đám cưới được tổ chức ở Sơn Tây nhà chị Hoa, rồi lại đón dâu về tận Hà Tĩnh xa xôi quê nhà anh Hùng.

Sau đám cưới anh Hùng nghỉ phép một tháng rồi lại về Huế làm nhiệm vụ, còn chị Hoa lại về Hà Nội tiếp tục với công việc của mình. Một năm họ gặp nhau khoảng 2-3 lần anh Hùng được nghỉ phép ra thăm chị Hoa, hay tranh thủ dịp công tác họ gặp nhau. Chị Hoa thì sau nửa năm cưới nhau có bầu và không thể đi xa thăm anh Hùng được. Cứ thế đến khi chị Hoa sinh chỉ có bà nội hay bà ngoại chăm. Ba năm sau chị lại sinh thêm một cậu con trai nữa. Bạn bè thường đùa với chị Hoa rằng: ông Hùng nhà mày là sướng nhất, thỉnh thoảng về thăm nhà để cho mày một đứa rồi ông lại chuồn đi.

Chị Hoa chỉ cười buồn mà chịu đựng bao cơ cực, lúc khó khăn sinh nở, đau ốm… không thấy mặt chồng đâu. Có chồng mà như không chả giúp được gì, nhiều đêm con ốm một mình lầm lũi với con chị không khỏi rơi nước mắt tủi thân cho số phận mình. Cuộc sống cơm áo gạo tiền lại cuốn chị đi, chi ra sức đi dạy kiếm tiền để thuê nhà, rồi nuôi hai đứa con, thuê osin trông con… Đồng lương bộ đội của anh Hùng mỗi lần gửi cho chị không đủ mua sữa cho con. Chị không biết đến thế giới xung quanh và không để ý đến bản thân mình đã già và xấu đi nhiều, chị chỉ mải mê với công việc, với con mà không để ý đến người chồng ở xa cho đến khi hai đứa con chị đã gần 10 tuổi.

5863-10392219-a2975.jpg

Mặc dù mang tiếng có chồng nhưng chị vẫn lầm lũi đi về một mình

Anh Hùng thì càng ngày càng ít ra thăm mẹ con chị. Chồng vắng nhà quen rồi nên chị Hoa thấy việc vợ chồng xa nhau đã thành quen nên không có gì nghi ngờ chồng. Nhưng lần này chị Hoa thấy anh Hùng cả năm rồi mà không ra thăm mẹ con chị nên chị thấy sốt ruột không yên, gọi điện thì chỉ nói với nhau được răm ba câu rồi lại thôi. Nhân lúc mẹ chị đang xuống chơi với các cháu chị tranh thủ nhờ bà trông con hộ và đi vào thăm chồng mấy hôm rồi ra ngay. Khi đến doanh trại đóng quân chị Hoa mới được người ta chỉ dẫn đến nhà về anh Hùng.

Nghe nói là nhà anh Hùng chị chưa biết rõ đầu đuôi ra sao nên cứ theo người ta chỉ mà đến một ngôi nhà gần doanh trại của anh. Đứng trước ngôi nhà chị bàng hoàng thấy anh cùng một người đàn bà và một đứa nhỏ độ hơn 1 tuổi đang chơi đùa, và đứa nhỏ gọi anh là ba ba… chị bất ngờ gọi tên anh Hùng và anh quay lại nhìn chị với đôi mắt sững sờ. Khi còn lại hai người ngồ nói chuyện riêng, anh Hùng đã thú nhận anh đã nói dối đơn vị rằng anh đã ly hôn với vợ và họ đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho anh ra mắt cô “vợ bé”. Anh kể hai người đã quen nhau từ ngay anh chuyển công tác vào đây và đã sống với nhau được khoảng 3 năm nay. Chị Hoa như chết đứng, cứ thế nước mắt tuôn trào!

Mòn mỏi vì chờ đợi

Lời tâm sự của một người đàn ông khi vợ sống nơi trời Tây!

Vợ tôi đi xuất khẩu lao động đã 20 năm rồi mà không chịu về. Chúng tôi cưới nhau được 5 năm và sinh được hai đứa con: một trai, một gái. Gia đình lúc bấy giờ khó khăn quá không biết xoay xở ra sao. Tôi là một kỹ sư đang làm việc ở một xí nghiệp của nhà nước, thu nhập chẳng được bao nhiều. Còn vợ tôi là giáo viên dạy tiểu học, đồng lương giáo viên thì “chết đói”. Nhân được người quen giới thiệu cho có một xuất đi lao động xuất khẩu sang Đức, hai vợ chồng về nhà bàn nhau chạy chọt và xem ai đi được, cuối cùng vợ tôi nói: Thôi anh để em đi, anh ở xí nghiệp còn có cơ hội thăng tiến chứ còn em thì chắc chả bao giờ tiến nổi, trong hai người phải có một người đi để bứt lên chứ cứ thế này thì gia đình ta cứ nghèo mãi, còn con ở nhà anh cố lo và nhờ bên nội bên ngoại giúp đỡ, kiếm được tiền em sẽ gửi về cho bố con anh. Ngày vợ ra đi tôi cùng hai đứa con nhỏ đi tiễn mà ứa nước mắt.

5864-ban-vali-keo-du-lich-thoi-trang.jpg

Vợ động viên tôi ở nhà chăm sóc con để cô ấy đi xuất khẩu lao động

10 năm cho cuộc đi, có hai lần vợ tôi về thăm nhà, và vẫn gửi tiền đều đặn về nhà. Lúc này lương của tôi cũng khá hơn nhiều, với tiền vợ gửi về tôi cũng tiết kiệm được kha khá, tôi bàn tính với vợ là thôi về hẳn, chứ cứ để con không mẹ, chồng không vợ như thế không ổn. Vợ tôi ậm ừ rồi lại bỏ qua, lúc thì viện lý do đang làm ăn được, lúc thì bảo có kiếm thêm tiền để các con lớn cho sang bên này du học… trăm ngàn lý do, nhưng không thấy vợ nhắc đến chuyện khi nào về hẳn làm tôi rất bực, có lần đã dọa là nếu không về thì tôi đi ngoại tình hoặc tôi đi lấy vợ khác thế mà cô ấy cũng không sợ. Dọa thì dọa thế thôi, chứ mình đàn ông đàn ang trước đã không làm cho vợ được sung sướng, thì cũng phải tôn trọng vợ, sống với nhau vì tình vì nghĩa, cô ấy đã hy sinh tuổi trẻ bôn ba xứ người để lo cho gia đình ai lỡ làm thế.

Nhưng 10 năm tiếp theo, con đã lớn và trưởng thành, tôi cũng đã có tuổi mà cô ấy vẫn không chịu về, kinh tế đã không còn là vấn đề nữa, cô ấy cũng không còn lý do này lý do kia nữa để mà không về, tôi cũng không nghe cô ấy có bồ bịch hay gia đình riêng bên ấy, hay cô ấy đề nghị ly hôn trước thì tôi cũng sẽ giải thoát cho cô ấy, đằng này không thấy nói gì, nên tôi cứ đợi chờ mà vợ vẫn bặt tăm. Có lẽ chỉ còn biết giải thích đang sống cuộc sống bên Tây sung sướng không muốn về, hay cô ấy có lý do riêng thầm kín gì mà không thể nói được… Vợ chồng, xa nhau lâu quá rồi, tình yêu cũng bay đi đâu mất. Nói thực ra là chúng tôi đã sống ly thân nhiều năm nay, trên danh nghĩa là vợ chồng nhưng chúng tôi gần như đã giải phóng cho nhau.

Theo SKGĐ

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI