Em năm nay 25 tuổi, chồng 33 tuổi. Em đang băn khoăn về cách chi tiêu trong gia đình mình hiện nay. Chồng em mỗi tháng thu nhập khoảng 35-40 triệu, em làm văn phòng sau khi trừ các khoản còn khoảng 3,5 triệu. Chúng em mới cưới được 3 tháng. Anh ấy có một con trai hiện ở cùng chúng em.
Chồng chưa bao giờ công khai thu nhập với vợ. Ảnh minh họa
Từ khi kết hôn, chưa tháng nào anh công khai thu nhập với em và cũng không có ý định đưa tiền cho em giữ. Bù lại, tiền nhà trọ anh trả 4 triệu/tháng, tiền ăn thì 60% là anh mua (vì công việc anh nhàn và có nhiều thời gian rảnh), tiền học của con anh lo. Anh cũng không bao giờ tiêu đến lương của em. Mỗi tháng em xin anh khoảng 1- 2 triệu để tiêu cá nhân và các sinh hoạt khác trong nhà. Phải nói thêm là em chi tiêu gì đều công khai và kể cho anh nghe (đa phần là anh cũng hỏi). Nếu tháng nào em lấy của anh nhiều hơn 2 triệu là anh tỏ ra không hài lòng, vẫn đưa nhưng không thoải mái. Em đi đâu đột xuất, anh cũng không mấy khi hỏi em còn tiền không.
Vợ chồng em khá hòa hợp trong mọi chuyện, nhưng vì vấn đề này mà đôi khi em có suy nghĩ hơi buồn là anh không tin tưởng nên không giao cho em tiền để chi tiêu. Em có nên đề nghị với chồng về vấn đề này không. Các chị đồng nghiệp khuyên em nên lập một quỹ đen cho mình đề phòng, nhưng với mức lương của em, lập quỹ cũng hơi khó. Xin hãy cho em lời khuyên. (Thúy)
Tư vấn của chuyên gia:
Chuyện kinh tế gia đình rất phức tạp. Có những người chồng lo việc đại sự, lý tưởng thì ít nghĩ đến tiền nên đưa tiền cho vợ giữ. Có những người chồng mục tiêu là tiền nên họ căn ke từng đồng. Gặp phải người chồng này thì phải khôn ngoan, nếu không, vì chuyện tiền mà tan vỡ gia đình.
“Chồng bạn thu nhập khoảng 35-40 triệu” là một khoản thu lớn. Nhưng anh ấy có con riêng vì thế có thể thói quen quản lý tiền đã khiến anh ấy “không công khai thu nhập với bạn”. Có lẽ anh ta chưa thực sự tin bạn về mặt kinh tế nên mới giấu và không đưa cho bạn giữ tiền.
Người chồng có tâm lý tiền bạc luôn phải sợ chi tiền ra. Ảnh minh họa
“Anh ấy trả tiền nhà và 60% tiền ăn là anh mua, tiền học của con anh lo”, như vậy có thể xem anh ấy là người quản gia. Người đàn ông có tâm lý quản gia thường chi li tiền bạc. Để sống với người có tâm lý này, bạn nên thụ động, giữ số tiền lương của mình để chi tiêu cá nhân và nói anh ấy từ nay hãy lo hết mọi việc về chi tiêu và em chỉ dùng tiền của em chi tiêu cho riêng em. Bạn nói như vậy xem anh ta nói gì. Bạn đừng hy vọng người có tâm lý tiền bạc này hỏi “em còn tiền không”, bởi họ luôn luôn sợ phải chi tiền ra.
Việc bạn buồn “anh không tin tưởng nên không giao cho bạn tiền để chi tiêu” cũng là việc bình thường của người phụ nữ có chồng, nhưng hoàn cảnh của bạn không thể khác được. Khi anh ấy đưa cho bạn “khoảng 1-2 triệu đồng” là cả một áp lực trong anh ta, vì thế “bạn lấy của anh nhiều hơn 2 triệu đồng là anh tỏ ra không hài lòng, vẫn đưa nhưng không thoải mái”. Lúc này mới cưới được 3 tháng nên anh ta còn đưa tiền cho bạn, sau này việc đưa tiền cho bạn sẽ càng khó hơn. Tâm lý chồng bạn là người thích giữ tiền, thích tự chi tiêu, không thông cảm về mặt tiền bạc với vợ. Thay đổi tâm lý của người này khó lắm.
Bạn không nên đề nghị chồng về vai trò giữ tiền của bạn vì như thế anh ta sẽ cho rằng bạn tham và chỉ vì gia đình nhà bạn... Mà xét đến cùng, anh ta cũng không làm theo ý bạn đâu. Còn việc lập “quỹ đen” cho bạn là vấn đề phức tạp, nếu anh ta biết thì khó giữ được quan hệ tốt trong gia đình. Tuy nhiên, bạn cũng nên dùng thẻ ATM thì tự trong thẻ đã có quỹ cần thiết lo cho bạn trong làm ăn mà vẫn giữ được quỹ như mong muốn. Với chi li của chồng như vậy thì bạn cũng cần tế nhị về tiền bạc và nên có tích lũy cần thiết.
Chúc sự khôn ngoan
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Nguồn VNE