1. 5 lưu ý dành cho mẹ khi đề cập đến chiều cao của bé
1.1 Khái niệm chiều dài và chiều cao
Với các em bé từ mới sinh cho đến khi con đi được vững vàng, thì hầu như sẽ được đo theo cách đo chiều dài (bé nằn để đo). Nên khái niệm chiều cao của bé dưới 24 tháng thường được đề cập là chiều dài. Như vậy, chiều dài và chiều cao là khác biệt về cách dùng ngôn từ dựa trên cách thức đo, còn về ý nghĩa và bản chất là một. Vậy nên, nếu mẹ cập nhật thông tin về chiều dài của bé, thì đồng nghĩa với việc, mẹ đang xem xét thông số chiều cao của bé dưới 2 tuổi nhé.
1.2 Đo chiều dài của bé
Khi đo chiều dài của bé, các bác sỹ hay nữ hộ sinh sẽ đo chiều dài của bé từ đỉnh đầu đến gót chân.
1.3 Sự khác biệt trong chiều cao của bé trai và bé gái
Các bé trai bao giờ cũng có chiều cao và cân nặng nhỉnh hơn bé gái. Vì vậy, khi xem xét về chiều cao chuẩn của bé, mẹ cũng nên lưu ý về yếu tố giới tính.
1.4 Sự khác biệt trong chiều cao của em bé sinh đủ tháng và thiếu tháng
Các em bé sinh đủ tháng và thiếu tháng cũng có sự khác biệt về chuẩn chiều cao và cân nặng . Do đó, khi xem xét chiều cao chuẩn của bé, mẹ cần lưu ý yếu tố là chiều cao chuẩn của bé sinh đủ tháng. Còn trường hợp con sinh non hay thiếu tháng, thì cần xem xét theo yếu tố này.
1.5 Ý nghĩa yếu tố "chuẩn" trong chiều cao chuẩn của bé
- Chuẩn chiều cao của bé không phải là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá sự phát triển tổng thể của con.
- Chiều cao chuẩn được đề cập là một công cụ, cơ sở, để từ đó mẹ có thể theo dõi sự tăng trưởng chiều cao của bé.
- Chiều cao chuẩn được tính theo chiều cao trung bình của trẻ ít nhất từ 6 quốc gia, qua nhiều nghiên cứu của WHO, để theo dõi cụ thể về tăng trưởng chiều cao của trẻ nói chung ở những năm đầu đời.
2. Về chiều cao chuẩn của bé qua mốc thời gian
2.1 Em bé sơ sinh
Chiều dài trung bình của em bé mới sinh đủ tháng 49-50cm. Tuy nhiên nếu bé có chiều dài trong khoảng 47-53cm cũng là bình thường.
2.2 Chiều dài chuẩn (chiều cao chuẩn) của em bé trong năm đầu tiên
WHO công bố bảng chiều dài của em bé trong năm đầu tiên trong điều kiện được nuôi nấng bằng sữa mẹ, có chiều dài trung bình như sau:
Liên quan đến bảng chiều cao chuẩn ở năm đầu tiên này, có 5 điểm chính mẹ cần nắm rõ:
- Tăng trưởng chiều dài (chiều cao) của các bé trong năm đầu tiên hầu như đều dựa trên chiều dài khi sinh, trừ những trường hợp bé gặp vấn đề về tăng cân chậm, cũng khó phát triển hay tăng trưởng chiều cao như mức trung bình này.
- Thông thường, một em bé có thể gặp rắc rối về việc tăng cân trong năm đầu tiên, trước khi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều dài (tức chiều cao của bé).
- Không như cân nặng, đo chiều dài (chiều cao) của bé có thể thay đổi và có sai số tùy thuộc vào người tiến hành đo, cũng như mức độ di chuyển của em bé ở thời điểm đo. Do đó, sai số hoặc có chút khác biệt trong việc do chiều dài cho bé cùng thời điểm là bình thường.
- Bản thân chỉ chỉ số chiều dài của các bé không khẳng định rằng em bé đó khỏe mạnh hay không. Đi kèm với chiều dài, luôn cần có yếu tố cân nặng của bé cũng cần phải được xem xét đồng thời.
- Hầu hết các em bé khỏe mạnh đều có mức tăng chiều dài (chiều cao) tương tự trong năm đầu đời. Sau đó, tốc độ này có thể khác biệt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều dài của bé những năm đầu tiên không phản ảnh sự phát triển chiều cao của con khi trưởng thành.
Với các bé từ sau 1 tuổi, tăng trưởng chiều cao của con sẽ ở các mức độ khác nhau tùy vào nhiều yếu tố ở thực tế có ảnh hưởng thế nào. Tuy nhiên sự tăng trưởng chiều cao của bé nói chung cho đến dưới 3 tuổi sẽ diễn ra tương đối đều đặn và thường ít có những điểm nổi trội hay đột biến. Con có thể có chiều cao vượt các bạn cùng trang lứa, nhưng cũng có thể thấp hơn một chút, nhưng điều này không xác định hoàn toàn sự phát triển nói chung hay sức khỏe của trẻ, mà còn phải dựa vào yếu tố cân nặng của con nữa.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của bé mẹ nên biết
3.1 Di truyền ảnh hưởng đến chiều cao của bé
Di truyền giữ một vai trò quan trọng liên quan đến chiều cao của trẻ. Trẻ thường có chiều cao tương tự như cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, điều này không thấy rõ ở những năm đầu tiên.
Trong thực tế phát triển của trẻ, nhiều trẻ khi mới sinh hoặc ở năm đầu tiên hay năm thứ 2 có chiều dài không bằng bạn cùng tuổi của mình, song khi con lớn lên thì lại có chiều cao hơn bạn cùng trang lứa, ngay cả khi cha mẹ chỉ có chiều cao trung bình. Điều này cho thấy, di truyền có thể ảnh hưởng nhưng không quyết định và chúng ta có thể cải thiện dựa vào các yếu tố khác.
3.2 Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng cũng có vai trò nhất định trong sự tăng trưởng chiều cao của bé. Việc tiêu thụ thực phẩm lành mạnh luôn giúp cho việc tăng trưởng của bé diễn ra theo chiều hướng tích cực. Do đó, ngay từ khi con còn bú mẹ, mẹ hãy bảo đảm chất lượng nguồn sữa, và từ khi con ăm dặm , cũng chắc chắn là con có một chế độ ăn dặm khoa học. Và, luôn chú ý chế độ ăn uống của trẻ ở các giai đoạn sau thật khoa học, có lợi cho sự phát triển chiều cao, để con có chiều cao vượt trội mẹ nhé.
3.3 Yếu tố hormone
Cân bằng hormone ở trẻ để giữ con có mức tăng trưởng bình thường là rất quan trọng. Một số trẻ bị mất cân bằng nội tiết tố có thể phát triển chậm về chiều cao hoặc vượt trội bất thường so với bạn cùng trang lứa.
Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể xuất hiện kể từ giai đoạn bào thai đến khi con dậy thì. Có một số nguyên nhân mẹ không thể kiểm soát, tuy nhiên chúng ta cũng có thể chủ động hạn chế một số nguyên nhân tác động đến sự mất cân bằng hormone qua việc chăm sóc sức khỏe tốt cho trẻ, từ giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ, dinh dưỡng lành mạnh, phòng tránh bệnh tật nhất là các bệnh nhiễm trùng, chấn thương,....
3.4 Sức khỏe
Sự tăng trưởng chiều cao của bé có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe của con. Một số trẻ sinh non, mắc bệnh di truyền, hội chứng Down , hay viêm khớp vị thành niên, sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt trong sự phát triển chiều cao của mình. Trẻ nào ở các trường hợp này đều có khả năng có chiều cao kém phát triển, thấp hơn rõ rệt so với bạn cùng trang lứa.
3.5 Yếu tố thuốc men
Có một số loại thuốc mà trong thành phần của nó có chứa các chất có thể làm kìm hãm sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Và, thường chúng ta không thấy được ảnh hưởng của điều này đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ trong những năm đầu đời.
Đến đây, hẳn mẹ đã có cái nhìn khái quát hơn về ý nghĩa của trong chủ đề chiều cao chuẩn của bé rồi phải không nhỉ. Như đã đề cập từ đầu bài viết, chiều cao chuẩn của bé được thiết lập với mục đích như một công cụ, để giúp chúng ta xem xét và theo dõi sự tăng trưởng chiều cao của bé diễn ra như thế nào, để có thể có những điều chỉnh can thiệp kịp thời để con phát triển tốt nhất trong độ tuổi của mình.
Mỗi đứa trẻ là duy nhất và con có tốc độ tăng trưởng của riêng mình. Không có chuẩn chiều dài/ chiều cao duy nhất áp dụng cho mọi đứa trẻ. Và, chỉ cần con phát triển khỏe mạnh, không có những đột biến bất thường trong tốc độ tăng trưởng của mình là ổn.
Qua nội dung chia sẻ về chủ đề chiều cao chuẩn của bé như trên, Chuyên mục Thể chất của bé hy vọng rằng, mẹ sẽ không còn nhiều lo lắng hay bị áp lực về sự phát triển chiều cao của bé trong những năm đầu đời của con nữa. Nắm được những yếu tố cơ bản, chăm sóc con đúng cách, theo dõi mức độ tăng trưởng chiều cao của con đều đặn và con phát triển khỏe mạnh, ăn tốt ngủ ngon thì cũng có thể được xem là "chuẩn" rồi, mẹ nhỉ!
Nguồn tham khảo: Health Line & Medical News Today
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch