1. Hãy lưu ý về tình trạng mất nước ở trẻ
Trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị mất nước khi thời tiết nắng nóng do đổ mồ hôi và không uống đủ nước. Trẻ có thể bị mất nước nhẹ nếu:
- Trẻ bị chóng mặt
- Trẻ thấy buồn nôn hoặc đau đầu
- Trẻ đi tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu
- Trẻ ít ướt tã hoặc đi vệ sinh ít hơn bình thường
- Trẻ bị khô miệng và lưỡi
Ngoài ra tình trạng mất nước nặng cũng có thể xảy ra khi trẻ:
- Trẻ hoạt động thể chất hoặc tập thể dục nhiều
- Trẻ có nhiệt độ cao
- Trẻ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng
- Trẻ không ăn hoặc uống đủ
Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, cách điều trị tốt nhất là cho trẻ uống nước hoặc dung dịch bù nước đường uống (như Gastrolyte hoặc Pedialyte). Nếu trẻ từ chối, hãy thử nước táo pha loãng hay sữa thông thường của trẻ. Bạn không nên cho trẻ đồ uống có đường như nước chanh hay nước tăng lực vì chúng sẽ khiến tình trạng mất nước trở nên tồi tệ hơn.
Trong trường hợp trẻ bị mất nước nghiêm trọng với các biểu hiện dưới đây:
- Trẻ rất khát nước
- Trẻ trông mệt mỏi và khá thờ ơ
- Trẻ trông nhợt nhạt và mắt trũng sâu
- Trẻ ít nước mắt hơn bình thường khi khóc
- Trẻ dễ cáu kỉnh, buồn ngủ và bối rối
- Trẻ thở nhanh hơn bình thường và có nhịp tim nhanh bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế ngay để trẻ được giúp đỡ.
2. Hãy cung cấp đủ nước cho trẻ
- Vào những ngày nắng nóng, bạn hãy chắc chắn cho trẻ uống nước thường xuyên để phòng tránh mất nước cho trẻ .
- Nếu bạn đang cho trẻ bú mẹ, hãy cho con bú thường xuyên hơn. Đồng thời, bạn cũng hãy cung cấp đủ chất lỏng cho mình bằng cách chuẩn bị sẵn thức uống (nước lọc hoặc nước trái cây) giữa mỗi cữ bú của con.
- Tương tự đối với trường hợp trẻ bú bình, bạn cũng nên tăng lượng sữa cho trẻ.
- Trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi có thể được cung cấp một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội sau hoặc giữa các lần bú.
- Đối với trẻ lớn hơn hãy cho trẻ uống nước thường xuyên trong ngày. Bạn hãy lưu ý rằng nước luôn là tốt nhất. Hãy cố gắng khuyến khích trẻ uống 1-1.5 lít nước một ngày, tùy theo độ tuổi và nhu cầu của con.
3. Đừng để trẻ một mình trong ô tô
Dù vào ngày nắng nóng hay bất cứ ngày nào khác, bạn không bao giờ nên để trẻ một mình trong ô tô – ngay cả khi bật điều hòa, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc để trẻ trong xe hơi dù chỉ trong thời gian ngắn khiến chúng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt , mất nước hoặc tử vong, nhất là vào mùa hè.
Bạn có biết rằng:
- Nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ có thể leo lên mức nguy hiểm rất nhanh. Nó có thể tăng gấp đôi chỉ trong 5 phút, vào một ngày 30 độ, nhiệt độ có thể tăng lên 60 độ một cách nhanh chóng.
- Những chiếc xe với kích thước lớn cũng nóng lên nhanh như xe nhỏ. Và việc hạ cửa sổ xuống một chút ít ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong xe.
- Hầu hết sự gia tăng nhiệt độ xảy ra trong vòng 5 phút đầu tiên – vừa bằng thời gian bạn vào và ra khỏi cửa hàng (với tốc độ nhanh). Trong khi nhiệt độ của một đứa trẻ tăng nhanh gấp ba đến năm lần so với cơ thể người trưởng thành. Vì vậy sự tác động của nhiệt độ lên trẻ dường như xảy ra ngay lập tức.
Bạn có thể thấy mức độ nguy hiểm của việc để trẻ trong xe một mình, ngoài nhiệt độ chưa kể đến các yếu tố khác. Vì vậy bạn đừng nên chủ quan nhé.
4. Hãy tránh tình trạng phân tâm dẫn đến tử vong cho trẻ
Sự căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung hoặc thay đổi thói quen có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn của bạn. Điều này đôi khi vô tình dẫn đến việc trẻ em bị bỏ lại trong xe một mình với kết cục bi thảm. Tình trạng như thế được gọi là phân tâm gây tử vong.
Để giảm nguy cơ bạn vô tình để con lại trong xe hơi, hãy cố gắng tạo cho mình một thói quen an toàn hơn bằng cách:
- Luôn mở cửa sau xe mỗi khi bạn đỗ xe ngay cả khi không có ai ngồi ở ghế sau.
- Đặt một chiếc túi trẻ em hoặc một món đồ chơi ở ghế trước như một sự nhắc nhở.
- Đặt điện thoại, túi xách hoặc ví ở ghế sau xe.
- Sử dụng gương cho ghế sau xe.
- Tạo một danh sách những thứ bạn cần kiểm tra mỗi khi rời khỏi xe và ưu tiên “em bé” đầu tiên. Ví dụ: em bé, ví, chìa khóa, điện thoại…
5. Hãy giữ cho trẻ được mát khi ngủ trong thời tiết nắng nóng
Trẻ sẽ ngủ thoải mái hơn trong thời tiết nắng nóng nếu bạn:
- Để trẻ ngủ ở căn phòng mát nhất trong nhà.
- Đảm bảo không khí lưu thông dễ dàng quanh trẻ bằng cách loại bỏ bất kỳ phần đệm nào quanh cũi của trẻ, treo khăn mát lên ghế hoặc cửa sổ phòng trẻ ngủ để làm mát căn phòng.
- Sử dụng quạt nhưng không hướng trực tiếp vào trẻ.
- Dùng nệm hoặc tấm chống thấm bằng chất liệu bông cho trẻ nằm để dễ thấm mồ hôi và hạn chế phát ban di nhiệt.
- Tránh sử dụng nệm hoặc gối có độ lún.
- Cho bé mặc tã không.
- Không để trẻ ngủ trong xe đẩy vì trẻ có thể bị nóng và thiếu không khí.
6. Hãy lưu ý rằng trẻ bị ốm cần được chăm sóc đặc biệt trong thời tiết nắng nóng
Trẻ bị ốm cần được đặc biệt chú ý trong thời tiết nắng nóng dù chỉ là những bệnh nhẹ như cảm cúm hay đau dạ dày. Vì khi trẻ bị ốm, nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng và trong thời tiết nóng, điều này có thể dẫn đến mất nước.
Trong trường hợp này, bạn hãy thường xuyên cho trẻ bú mẹ (hoặc sữa công thức) và các thức uống bổ sung (nước là tốt nhất) nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
Bạn cũng có thể thường xuyên tắm nước ấm cho trẻ hoặc chườm, lau mát cho trẻ.
Nếu bạn không thấy tình trạng của trẻ được cải thiện hay bạn lo lắng, hãy đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được giúp đỡ.
7. Hãy áp dụng các bước chống nắng cho trẻ
Việc trẻ tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể gây cháy nắng, tổn thương da và mắt và làm tăng nguy cơ bị ung thư da sau này (tiếp xúc không đủ với tia cực tím có thể gây thiếu Vitamin D, ảnh hưởng đến xương, cơ bắp và sức khỏe tổng thể của trẻ). Bạn nên lưu ý rằng tia cực tím không chỉ xuất hiện trong những ngày nắng mà cả những ngày mát mẻ, nhiều mây.
Để giúp trẻ hạn chế tác hại của tia cực tím, bạn hãy thực hiện 5 bước chống nắng cho con, đó là:
- Cho trẻ mặc quần áo phù hợp: hãy cho trẻ mặc quần áo vừa vặn, và che phủ được càng nhiều diện tích da trên cơ thể con càng tốt.
- Bôi kem chống nắng (với SPF 30+) cho trẻ: hãy bôi kem chống nắng trên bất cứ phần da nào của trẻ không được quần áo che phủ. Bạn hãy thoa kem cho con 20 phút trước khi ra ngoài và bôi lại mỗi 2 giờ một lần. Bạn nên lưu ý không nên lạm dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất nên tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu bạn sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng, hãy thỉnh thoảng bôi trên diện tích da nhỏ và dùng loại kem chuyên dụng dành cho đúng độ tuổi của con.
- Cho con đội nón rộng vành: loại nón có thể che phủ mặt, cổ và tai của con. Mũ lưỡi trai không che phủ đủ và không được khuyến khích sử dụng.
- Cho trẻ chơi hoặc hoạt động trong bóng râm: tuy nhiên bạn vẫn nên sử dụng đầy đủ các công cụ chống nắng cho con.
- Cho trẻ đeo kính râm: hãy đảm bảo loại kính trẻ đeo có tác dụng ngăn tia cực tím. Khi trẻ đeo kính râm, bạn cần luôn giám sát trẻ để tránh tình trạng kính bị mắc kẹt làm đau hay gây nguy hiểm cho trẻ.
Việc chăm sóc trẻ mùa nắng nóng gồm khá nhiều bước và những lưu ý quan trọng cần thiết, điển hình như 7 lưu ý trên, mà các bậc cha mẹ cần luôn để tâm đến, để trẻ đối mặt được với “mặt trời” một cách an toàn. Việc bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của nắng nóng không chỉ áp dụng cho trẻ, mà các cha mẹ cũng nên thực hiện cho cả bản thân và những người lớn khác trong gia đình nữa. Điều này nhằm để cùng nhau đi qua một mùa nắng nóng giảm thiểu tối đa những ảnh hưởn, bởi những tác động tiêu cực từ thời tiết khí hậu, lên sức khỏe cả nhà nhé.
Theo Better Health
Lily Nguyễn lược dịch