1. Cây Vạn niên thanh có nguồn gốc ở đâu và có công dụng gì?
Theo các chuyên gia cây cảnh, Vạn niên thanh có xuất xứ từ Brazil và Colombia. Trong đó, với cây Vạn niên thanh dạng leo có lá to hình trái tim như lá trầu không với nhiều đốm trắng hoặc ánh bạc, nhọn ở đầu ngọn và cuống lá mập mạp đầy sức sống. Cây Vạn niên thanh dạng leo có thể cao hơn 1,5 mét, tươi tốt quanh năm, dễ trồng, phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, đặc biệt cây cảnh này có thể sống trong bóng râm do đó rất phù hợp với không gian văn phòng hay nhà ở. Cây Vạn niên thanh dạng leo cũng có hoa, tuy nhiên rất khi hiếm thấy hoa của cây cảnh này, theo quan niệm của các chuyên gia phong thủy, nếu vạn niên thanh dạng leo nở hoa là báo hiệu tài lộc sắp về với gia chủ.
Với cây Vạn niên thanh dạng thân thì có lá bẹ to, thân cứng với từng đốt liền nhau, rễ ngắn chia thành nhiều rễ nhỏ mập. Vạn niên thanh dạng thân cũng có thể trồng trong chậu nước hoặc chậu đất và có thể phát triển tốt ngay cả trong môi trường nhiều bóng râm, thiếu ánh sáng, không gian…
Khi nói tới công dụng của cây Vạn niên thanh người ta ví loại cây này là một máy lọc không khí mini cho không gian nhà ở hoặc văn phòng. Vì thế dễ hiểu khi cây Vạn niên thanh dạng leo và dạng thân được lựa chọn nhiều và trở thành một trong những cây cảnh phong thủy phổ biến nhất.
Cụ thể, một chậu cây Vạn niên thanh sẽ tạo nên một khoảng không gian xanh, mát dễ chịu cho văn phòng, nhà ở. Bên cạnh đó, Vạn niên thanh nổi bật với công dụng lọc không khí cực tốt, có thể hút bụi, độc tố và những bức xạ từ các thiết bị điện tử và thải ra khí oxy sạch.
Mặt khác, Vạn niên thanh cũng là một loại cây phong thủy được nhiều người ưa chuộng. Theo các chuyên gia phong thủy, Vạn niên thanh là biểu trượng của trường thọ, cát tường và có thể phù hợp với nhiều tuổi khác nhau. Đặt biệt, với các văn phòng hoặc nhà ở việc có một chậu cây Vạn niên thanh ở phía Đông Nam sẽ giúp thu hút tài lộc. Nhất là khi Vạn niên thanh nở hoa thì đó là một điềm lành, báo hiệu gia chủ sắp giàu sang phú quý. Có lẽ vì thế mà Vạn niên thanh được lựa chọn làm quà cho những dịp khai trương phòng ốc hoặc tân gia với mong muốn gia chủ may mắn, sung túc, thịnh vượng.
2. Cây Vạn niên thanh hợp với tuổi nào?
Trong 12 con giáp thì những người tuổi Tỵ, tuổi Ngọ và tuổi Thìn là hợp với cây Vạn niên thanh hơn cả. Trong đó, với những người cầm tinh con rắn và con ngựa thì nên chọn cây Vạn niên thanh dạng thân leo, còn với người cầm tinh con rồng thì nên chọn cây Vạn niên thanh dạng thân.
Với người tuổi Tỵ do họ thường hay tỏ ra lo lắng, do dự nên trên con đường tài vận họ thường chịu thua thiệt. Do đó việc có một chậu Vạn niên thanh thân leo ở nơi ở, văn phòng làm việc sẽ mang đến nhiều ý nghĩa phong thủy. Cụ thể, Vạn niên thanh dạng thân leo là biểu tượng cho sự mềm mại, uyển chuyển giúp người tuổi Tỵ biết nắm bắt những cơ hội đến với mình. Hơn thế, sự có mặt của một chậu Vạn niên thanh thân leo gần người tuổi Tỵ sẽ giúp họ thư giản, bớt lo âu hay do dự và đi đến những quyết định chính xác, đúng thời điểm, mang đến tài lộc cho họ.
Với người tuổi Ngọ thì họ có đường tài vận khá tốt, tuy nhiên điểm yếu của người tuổi này là hay tỏ ra bốc đồng, suy nghĩ thiếu chín chắn, nóng nảy, nông nỗi và đôi khi hơi cực đoan. Do đó, việc có một chậu cây phong thủy Vạn niên thanh thân leo uyển chuyển sẽ giúp “kìm” lại những điểm yếu này và giúp người tuổi Ngọ phát huy được những thế mạnh của riêng mình, từ đó mang đến nhiều may mắn, phú quý.
Riêng người tuổi Thìn được đánh giá là phù hợp với cây Vạn niên thanh hơn cả. Với người tuổi Thìn có thể chọn cả hai loại Vạn niên thanh thân leo và Vạn niên thanh dạng thân. Tuy nhiên, tốt hơn hết là người tuổi Thìn nên chọn Vạn niên thanh dạng thân.
Tuổi Thìn là tuổi đẹp nhất trong số 12 con giáp, người tuổi Thìn thường có năng lực, dễ thành công, gặp nhiều điều may mắn trên con đường tài vận. Tuy nhiên, nhược điểm của người tuổi Thìn là họ dễ bị người khác “ghen ăn tức ở” nên hay quấy phá, khiến những người tuổi Thìn dễ lâm vào hoàn cảnh “xôi hỏng bỏng không” hoặc mang điều tiếng không tốt. Theo các chuyên gia phong thủy, người tuổi Thìn bên cạnh việc chọn một chậu xương rồng để “loại bỏ thói tiểu nhân” của những người ghen ghét thì cũng rất nên trồng thêm một chậu Vạn niên thanh dạng thân ở nhà, hoặc phòng làm việc.
Chính sự xuất hiện của Vạn niên thanh sẽ giúp người tuổi Thìn phát huy hết những năng lực vốn có, giúp đường công danh thuận buồm xuôi gió hơn, đồng thời Vạn niên thanh sẽ giúp họ hóa giải những “hung khí”, thu hút tài lộc đến với người tuổi Thìn.
Lời khuyên với người tuổi Thìn là hãy sắm một chậu Vạn niên thanh và đặt ở hướng Đông Nam để thêm nhiều may mắn nhé!
3. Chăm sóc cây Vạn niên thanh như thế nào để luôn may mắn?
Trong danh sách những cây cảnh phong thủy thì như đã đề cập, Vạn niên thanh thuộc loài dễ trồng, dễ chăm sóc và phát triển rất nhanh. Đặc biệt, Vạn niên thanh có thể phù hợp với nhiều môi trường sống khác nhau, có thể sống lâu ngày trong bóng râm, ít ánh sáng, hoặc các không gian chật hẹp. Tuy nhiên, vốn là một cây phong thủy, do đó người trồng Vạn niên thanh cần chú ý đến cách chăm sóc để cây cảnh này luôn mang đến may mắn như sau:
- Cây Vạn niên thanh không cần quá nhiều nước : Với cả hai loại thân leo và dạng thân cứng, Vạn niên thanh không cần quá nhiều nước. Do Vạn niên thanh là loại cây cảnh có khả năng tích nước ở lá nhiều nên tốt nhất là mỗi tuần gia chủ có thể tưới 2 lần. Trong trường hợp, đất trồng đủ độ ẩm thì mỗi tuần tưới một lần cây Vạn niên thanh vẫn phát triển bình thường. Với riêng những chậu Vạn niên thanh để ở môi trường có tác động của nắng, gió thì có thể tưới nước thường xuyên hơn, tuy nhiên không cần quá lo lắng về vấn đề này.
- Cây Vạn niên thanh cần ít ánh sáng : Vạn niên thanh là một trong những loại cây cảnh có thể sống trong bóng râm trong một thời gian dài, do đó các có thể đặt Vạn niên thanh ở trong phòng khách, văn phòng làm việc, thang máy cơ quan… đều được. Nếu có thời gian, nên đưa các chậu Vạn niên thanh “tắm nắng” mỗi tuần 2-3 lần để màu lá đậm và đẹp hơn.
- Cây Vạn niên thanh nên trồng ở đất mùn, xốp : Mặc dù là cây dễ sống trong nhiều môi trường khác nhau nhưng tốt nhất để cây Vạn niên thanh phát triển tốt gia chủ nên chọn các loại đất tơi xốp, nhiều mùn. Lời khuyên là các chậu cây Vạn niên thanh có thể trộn thêm tro, sơ dừa, trấu… để tạo độ thoáng khí cho Vạn niên thanh xanh tốt nhé.
- Dành thời gian chăm sóc Vạn niên thanh : Bất cứ cây cảnh phong thủy cũng cần được “quan tâm”, chăm sóc, Vạn niên thanh cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, khi gắn cây cảnh này với ý nghĩa phong thủy, vận mệnh thì người trồng càng phải xem đó như một việc thường ngày. Chính sự “quan tâm” chăm sóc bằng những việc nhỏ như tỉa lá bị sâu, vàng, tưới nước, đưa cây đi “tắm nắng”… sẽ giúp cây phát triển tốt đồng thời hứa hẹn sớm ngày “khai hoa nở nhụy” báo hiệu tài lộc về.
Sở hữu một sức sống mãnh liệt, gắn liền với ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, Vạn niên thanh xứng đáng là một loại cây cảnh được lựa chọn cho không gian nhà ở hoặc văn phòng làm việc. Năm hết Tết gần đến rồi, nếu bạn đang chuẩn bị chọn hay đổi các loại cây cảnh trong nhà, Chuyên mục Chăm sóc nhà cửa mong là, bạn không đắn đo hay chần chừ nhiều nữa nữa, mà hãy sắm ngay cho ngôi nhà của mình một chậu Vạn niên thanh. Sắp xếp một vài cây Vạn thiên thanh trong nhà để luôn có một khoảng không gian xanh mát, một cảm giác sung túc, may mắn bạn nhé.
Đức Lộc tổng hợp