1. Quần áo
Mẹ nên lựa chọn quần áo chất liệu mềm cho bé
Da trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm, với các loại quần áo chất liệu nóng, cứng đều khiến bé dễ bị mẩn ngứa, dị ứng. Thậm chí, nếu mẹ không chú ý tới các phụ kiện như nhãn mác, đường chỉ thừa trong quần áo bé cũng có thể bị xước da vì chúng. Vì vậy, mẹ hãy lựa chọn các loại quần áo chất liệu cotton, mềm, thoáng mát, cắt bỏ chỉ thừa, nhãn mác để bé không bị đau, dị ứng khi mặc.
2. Các loại giày chất liệu len, da, nhựa
Khi bé bước vào giai đoạn tập đi, mẹ chắc chắn sẽ sắm cho bé những đôi giày xinh xắn, đó có thể là giày da, giày nhựa, giày len. Tuy nhiên, nếu mẹ không chú ý, những món đồ dễ thương này có thể khiến bé bị thương.
Trong đó, chất liệu len tuy mềm mại, nhưng một sợi len bị rời ra có thể quấn vào chân bé gây tắc máu cục bộ, hoại tử ngón chân. Riêng giày da hoặc nhựa có thể làm xước chân bé vì chúng khá cứng.
Do đó, khi lựa chọn giày cho bé, mẹ nên chọn loại giày mềm, tốt nhất không có dây buộc, vừa chân để bé thoải mái đi mà không gặp bất kỳ rắc rối gì.
3. Vớ chân
Chất liệu làm vớ chân chủ yếu là vải dệt hoặc len, vì vậy chúng cũng rất dễ bị tuột chỉ ở các đầu ngón chân. Mẹ hãy kiểm tra kỹ vớ chân có bị rách và tuột chỉ không để bé không bị chỉ quấn vào đầu ngón chân khi mang. Ngoài ra, nên chọn loại vớ có kích cỡ lớn hơn so với chân bé để bé không bị đau khi mang.
4. Các vật dụng bằng sắt, thủy tinh
Mẹ cần cất dao cẩn thận khi dùng xong
Dao, dĩa, cốc, chén... chính là thủ phạm hàng đầu gây tổn thương cho bé, thậm chí tử vong. Mẹ đừng chủ quan khi bé đã bước vào giai đoạn tập đi, bé sẽ với bất kỳ đồ dùng nào trước mặt. Và thật nguy hiểm khi bé cầm dao hoặc chén thủy tinh, bé có thể vô tình làm mình bị thương, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu tình trạng nặng nề.
5. Nước
Trong trường hợp nhẹ, nước nóng sẽ làm bé bị bỏng, nặng hơn sẽ làm bé bị tử vong. Nước lạnh đổ ra sàn sẽ khiến bé trượt rất nguy hiểm. Khi tắm cho bé trong bồn tắm, không cẩn thận có thể làm bé bị đuối nước. Vì vậy, mẹ cần chú ý tới việc tắm rửa, vệ sinh, không để bé một mình trong nhà tắm. Phòng tắm, nền nhà phải luôn khô ráo tránh bé bị trơn trượt. Cần kiểm tra vòi nước trước khi vặn cho bé tắm, tuyệt đối không để bé tự nghịch vòi nước khi ở một mình.
6. Hóa mỹ phẩm, thuốc
Mẹ cần có tủ đồ đựng những vật dụng này riêng và khóa lại vì trẻ rất nghịch ngợm, chúng có thể cầm cho vào mồm bất kỳ lúc nào. Sẽ thật nguy hiểm nếu bé đổ lọ sơn móng vào miệng hay uống nhầm phải viên thuốc nào đó của mẹ.
7. Bàn ghế
Mẹ thường chủ quan với các cạnh bàn ghế mà không biết rằng, chúng cũng là thủ phạm gây ra tổn thương cho bé. Đặc biệt là các cạnh bàn thủy tinh hoặc gỗ không được mài trơn. Tốt nhất, mẹ nên lựa chọn loại bàn ghế đã được mài tròn cạnh, nếu cạnh nhọn thì nên bọc chúng bằng các lớp vải mềm hoặc xốp để tránh tổn thương khi con nô đùa ngã vào hoặc vịn vào.
8. Cây cảnh
Một số gia đình thường để cây trong nhà làm cảnh, tuy nhiên, chúng lại chứa rất nhiều độc tố mà không phải mẹ nào cũng biết. Khi bé ngắt lá cho vào miệng, chất nhựa từ lá có thể khiến bé bị loét niêm mạc, chóng mặt, tiêu chảy, thậm chí là tử vong. Do đó, khi có ý định trồng cây cảnh trong nhà, cha mẹ cần tìm hiểu loại cây không có độc để tránh những tác nguy hiểm không ngờ tới.
9. Ban công, cửa sổ
Đóng cửa sổ khi bé chơi gần đó
Trẻ nhỏ thường hiếu động và trèo lên cửa sổ hoặc chạy ra ngoài ban công. Đây đều là những vị trí vô cùng nguy hiểm vì trẻ có thể té xuống đất. Tốt nhất, mẹ cần đóng cửa khi đang làm việc và không có nhiều thời gian để ý đến con. Ban công cần có rào chắn chắc chắn để con không bị té ngã. Ngoài ra, mẹ cũng nên dành thời gian lưu ý đến con, chỉ để con chơi trong tầm kiểm soát của mình.
10. Cửa, ngăn kéo
Kẹp tay vào cửa hoặc ngăn kéo là điều khó tránh khỏi nếu mẹ không chú ý đến trẻ. Để phòng tránh điều này, mẹ đừng quên chốt cài cửa, các vật chặn cửa để bé không bị kẹp tay, dán băng dính vào các ngăn kéo để bé không kéo ra được.
11. Thiết bị điện
Khi trẻ trong giai đoạn tập bò, mẹ ngay lập tức phải sử dụng các thiết bị che các ổ điện bằng nhựa hoặc dán băng dính lên trên ổ điện tránh tình trạng bé thò tay vào ổ điện. Riêng các vật như kim loại, tuốc - nơ -vít tuyệt đối không để gần khu vực ổ điện tránh bé cầm vào và nghịch.
Ngoài ra, cha mẹ có thể thay thế vị trí ổ điện bằng cách lắp cao hơn và luôn thu gọn mọi dụng cụ liên quan đến điện sau khi sử dụng xong.
12. Đồ chơi
Chọn đồ chơi bé không thể nuốt được
Các đồ chơi có hình thù nhỏ, bé dễ cầm cho vào miệng và nuốt rất nguy hiểm vì có thể gây tắc đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời. Tốt nhất khi bé chơi đồ chơi mẹ cần kiểm soát bé, ngoài ra, chỉ có bé chơi đồ chơi có hình dạng lớn, không nuốt được vào miệng.
13. Hoa quả, hạt
Khi bé trong tuổi ăn dặm, mẹ thường cho bé nếm thử các loại trái cây hoặc ăn các loại hạt nhỏ như nho, óc chó... Cũng giống như đồ chơi, chúng chính là thủ phạm gây ra tắc đường thở ở bé.
Nếu mẹ muốn cho bé ăn nên kiểm soát bé và đảm bảo trái cây mềm, dễ nuốt. Hạn chế cho bé ăn các loại hạt khô vì bé có thể chưa nhai được, nếu muốn cho bé ăn nên nghiền thật nhỏ để bé dễ nuốt.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: