Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam đang được rất nhiều bạn tìm hiểu. Đây không phải một món ăn quá phức tạp để chế biến nhưng nó đòi hỏi một sự khéo léo. Chính vì vậy Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn đã tổng hợp lại công thức cũng như hướng dẫn thật kỹ. Qua đó, để dù bạn là một người không khéo léo thì dựa vào đây cũng có thể nấu món lẩu cua đồng ngon một cách dễ dàng nhất.
1. Giới thiệu về món lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng là một món ăn dân dã được người dân Việt Nam cực yêu thích. Món ăn được làm từ cua đồng, một trong những loại cua sống ở những vùng nước ngọt từ đồng bằng, trung du hay là miền núi. Một nồi lẩu cua đồng được chế biến tỉ mỉ từ lấy gạch cho đến chế những nguyên liệu khác để tạo thành món lẩu ngon , đậm đà hương vị.
Không chỉ vậy hàm lượng chất dinh dưỡng của món lẩu cua đồng mang lại cũng rất nhiều. Một số công dụng khi ăn lẩu cua là:
- Cua có tính hàn, vị mặn nên có tác dụng tán kết, hoạt huyết và hàn gắn xương.
- Ngoài ra nó còn có tác dụng trị còi xương ở trẻ em và ngăn ngừa loãng xương cho người lớn.
- Nếu như bạn đang bị gãy xương, rạn xương thì cua đồng chính là một bài thuốc cổ truyền tốt đấy nhé.
- Cua đồng nấu canh, nấu lẩu có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày hè nóng nực.
- Cuối cùng cua đông còn có tác dụng chữa cho những người có tâm trạng bồn chồn, kén ăn và ít ngủ.
Tuy nhiên món lẩu cua đồng ở mỗi vùng miền sẽ có mộ cách chế biến khác nhau, ngày hôm nay hãy tham khảo ngay cách nấu lẩu cua đồng đậm chất miền Nam như công thức dưới đây nhé.
2. Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam
Món lẩu cua đồng được kết hợp từ nước cốt xay từ cua, thêm phần gạch cua béo ngậy. Không chỉ vậy còn kết hợp thêm những nguyên liệu khác tạo thành một món lẩu ngon chất lượng.
2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cua đồng: 500g
- Xương ống heo: 200g
- Thịt bò: 300g
- Đậu hũ: 3 - 4 miếng
- Hành tím, tỏi bằm nhuyễn: mỗi loại 3 - 4 củ
- Gừng bằm nhuyễn: 1 nhánh nhỏ
- Rau nhúng lẩu, cà chua, hành lá,...
- Gia vị: Nước mắm, muối, tiêu, hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn,...
2.2. Hướng dẫn cách nấu lẩu cua đồng
Bước 1: Sơ chế, lấy gạch và xay cua
Cua mua loại còn sống, sau khi mang về thì cho vào thau cùng 2 thìa cà phê muối rồi xóc lên để làm sạch phần thân cua. Tiếp đến rửa qua với nước cho sạch rồi bắt đầu lấy gạch cua. Bạn quay ngược phần bụng của cua lên rồi lấy một cái kéo đâm thẳng vào bụng dưới của cua. Khi đâm xong thì quay ngược cua lại rồi tách phần mai cua ra. Dưới cái mai là gạch và trứng cua, bạn dùng phần trên của chiếc muỗng khều ra vào một cái chén. Bạn cứ làm tương tự cho đến khi hết cua nhé.
Cuối cùng bạn cho phần thân cua đã tách bên dưới ngâm cùng với nước muối pha loãng khoảng 10 phút. Sau đó rửa lại sạch và để cho ráo nước. Khi nước đã ráo thì cho toàn bộ phần cua vào máy xay nhuyễn hoặc dùng cối để giã nhỏ cua. Hoàn thành xong bạn đổ nước vào hỗn hợp đã xay hoặc giã rồi dùng tay bóm nhuyễn và lấy rây lọc lấy nước, bỏ phần xác đi.
Bước 2: Sơ chế và ướp thịt bò
Miếng thịt bò rửa qua bằng nước muối pha loãng rồi rửa sạch bằng nước nhiều lần cho sạch. Tiếp đó bạn thái lát mỏng rồi ướp một ít gia vị như: Tỏi, hành, gừng đã băm nhuyễn; hạt nêm, đường, bột ngọt, dầu ăn,... và trộn đều với nhau. Bọc màng bọc thực phẩm rồi ướp trong khoảng 15 - 20 phút để thịt bò ngấm gia vị.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua rửa sạch, bạn chia ra 1 quả cắt thành hạt lựu còn 1 quả cắt thành múi cau. Hành lá cắt gốc, nhặt phần lá hư rồi rửa sạch, đợi ráo nước thì thái nhỏ. Hành tím bóc vỏ rồi bạn cũng chia ra 1 nửa cắt thái lát còn 1 nửa đập dập và cắt nhỏ. Rau sống nhặt rễ và lá hư, ngâm với nước muối khoảng 5 - 7 phút, sau đó rửa lại nhiều lần rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Đậu hũ thái miếng vừa ăn sau đó bạn chiên sơ qua.
Bước 4: Sơ chế xương ống và hầm nước dùng
Xương ống khá là khó chặt nên khi mua bạn nên nhờ người bán chặt sẵn cho từng khúc. Tiếp theo bạn rửa qua với nước cho sạch rồi chần qua nước sôi để xương ra hết các chất bẩn. Sau đó bạn đổ ra rồi rửa lại một lần nữa. Bước tiếp theo là cho xương vào nồi nước sạch khác. Cho vào khoảng vài củ hành tím đã đập dập để ninh khoảng 30 phút. Sau khi ninh xong thì lọc qua một cái rây và chỉ lấy phần nước hầm xương đã lọc để nấu nước lẩu.
Bước 5: Xào gạch cua
Cho chảo lên bếp, đợi khi chảo nóng thì cho dầu ăn vào rồi cho hành tím thái mỏng vào phi thơm. Sau đó bạn vớt hành tím ra rồi cho cà chua vào đảo đều. Trong lúc đó thì cho thêm 1 thìa cà phê nước mắm cho cà chua ngấm gia vị. Cuối cùng cho gạch cua vào đảo đều cho đến khi gạch cua tan ra và chín đều thì tắt bếp.
Bước 6: Nấu nước lẩu cua đồng
Để nấu một nồi nước lẩu ngon bạn cho nước cốt cua đã lọc cùng với nước hầm xương rồi nấu cho đến khi sôi thì bạn sẽ thấy phần thịt cua nổi lên, lúc đó hãy vớt thịt cua ra rồi nêm nếm cho vừa gia vị. Tiếp đến bạn cho đậu hũ, riêu cua, thịt bò vào rồi bắt đầu một nồi lẩu chuẩn vị nhé.
2.3. Thành phầm đạt được
Một nồi nước lẩu cua đồng được nấu theo cách của những người miền Nam. Nước lẩu cua đồng ngọt từ nước cốt cua và nước hầm xương. Thêm thịt bò ngọt thanh đã được ướp gia vị đậm đà. Nhúng thêm một miếng rau nữa thì "tuyệt cú mèo". Mặc dù hơi nóng nhưng món lẩu cua đồng ăn vào mùa hè thì mát trong người đấy.
3. Cách nấu lẩu cua đồng miền Tây
Thay đổi món lẩu cua đồng bằng cách nấu theo kiểu miền Tây mới lạ. Tham khảo ngay công thức thay đổi món ăn ngon cho những ngày cuối tuần nhé.
3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cua đồng xay nhuyễn: 500g
- Cua nguyên con: 3 - 5 con
- Bún/mì: Tùy lượng ăn mỗi gia đình
- Cà chua: 4 - 6 quả
- Sả: 3 - 5 nhánh
- Hành tím, tỏi, ớt băm nhuyễn
- Các loại rau ăn kèm: Mướp, mồng tơi, nấm rơm,...
- Gia vị: Hạt nêm, muối, đường, dầu ăn,...
3.2. Hướng dẫn cách nấu lẩu cua đồng miền Tây
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cua đồng mua về đã được xay nhuyễn sẵn nên bạn chỉ cần sơ chế là được. Đổ phần cua xay nhuyễn ra một cái nồi rồi cho nước lọc vào. Bạn khuấy đều rồi dùng rây lọc phần nước và thịt cua. Phần xác bạn bỏ đi nhé. Còn những con cua nguyên con thì bạn tách phần mai ra để lấy gạch. Phần thân còn lại thì cắt đôi để bỏ vào nồi lẩu.
Sả bóc phần vỏ cứng bên ngoài, rửa sạch rồi cắt khúc. Cà chua cũng rửa rồi cắt thành múi cau.
Bước 2: Nấu nước dùng cua đồng
Để nấu một nồi nước dùng ngon thì phần nước vừa lọc ở trên bạn cho thêm 1/2 thìa cà phê muối rồi nấu với lửa vừa. Sau khi thịt cua từ từ kết dính lại với nhau thì bạn cho nhỏ lửa và cho phần sả cắt khúc, đập dập vào để nồi lẩu thêm thơm ngon hơn. Lưu ý là bạn có thể cho thêm nước sôi vào để nấu nếu như cảm thấy phần nước dùng ít và không đủ cho cả nhà ăn.
Bước 3: Xào cua và nấu nước lẩu
Ở một cái chảo khác bạn cho dầu ăn vào, chờ khi dầu sôi thì bạn cho hành tím, tỏi, ớt băm vào phi thơm cho đến vàng. Tiếp đến bạn cho cà chua vào đào đều rồi nêm nếm thêm gia vị như đường, muối cho hỗn hợp đậm đà hơn. Đến khi cà chua ra màu đẹp thì bạn đổ hỗn hợp này vào nồi nước dùng đang nấu.
Sau đó bạn lấy cái chảo vừa xào cà chua rồi cho thêm dầu ăn vào, dầu sôi thì cho hành tím, tỏi băm vào phi thơm rồi cho gạch cua xào. Bạn cho 1 chút hạt nêm vào cho cua đậm vị. Xào xong thì bạn cũng dổ vào nồi nước dùng luôn nhé. Ở nồi nước dùng trên bạn đợi cho đến khi nước sôi thì vớt hết toàn bộ sả ra ngoài, nêm nếm lại phần nước dùng một tý rồi tắt bếp.
3.3. Thành phẩm đạt được
Vậy là món lẩu cua đồng đậm chất miền Tây đã được hoàn thành với hương vị nước dùng ngọt từ nước cua. Thêm vào đó có cả nguyên con cua có gạch béo béo. Nhúng thêm rau ăn lẩu sau đó chan thêm nước dùng ăn với bún thì tuyệt với. Đây là một trong những món lẩu có khá nhiều chất dinh dưỡng cũng như hương vị dễ ăn nên rất được cả nhà yêu thích.
4. Mẹo để có món lẩu cua đồng ngon và chất lượng
Mỗi lần nấu một món ăn ngon bạn sẽ rất hứng thú với việc tìm được những mẹo hay để giúp cho món ăn của bạn ngon hơn. Tuy nhiên đối với món lẩu cua đồng này thì để có một món ăn ngon thì bạn cần lựa chọn những nguyên liệu tươi, chất lượng nhất. Dưới đây sẽ là một số kinh nghiệm hay bạn hãy tham khảo nhé.
4.1. Cách chọn những con cua đồng ngon và nhiều thịt
- Cua đồng ngon là cua có màu xám đục, phần mai của cua sẽ sáng hơn.
- Nên chọn những con cua vẫn còn sống, di chuyển nhanh, khỏe và càng luôn chĩa lên trên.
- Đặc biệt nên chọn những con cua có đủ chân.
- Khi bạn chọn cua có thể dùng tay ấn vào vỏ yếm của con cua xem nó có nổi bọt khí không. Nếu nổi thì chứng tỏ đó là con cua tươi.
- Ngoài ra nếu bạn chọn những con cua chắc thịt thì hãy thử lật ngửa cua và ấn vào phần yếm. Nếu như bạn không thấy bị lún tức là đó là một con cua chắc thịt.
- Nếu như con cua bị ốp thì thường sẽ ít thịt. Ngoài ra lúc ăn bạn sẽ thấy thịt bị khai và không được ngon cho lắm.
- Thời điểm mà cua ngon, chắc thịt và béo là đầu tháng và cuối tháng. Còn giữa tháng là lúc cua đang thay vỏ nên khá ốm.
4.1. Cách chọn thịt bò tươi
- Thịt bò tươi bạn nên chọn những miếng hơi đỏ sẫm. Trong mỗi miếng thịt sẽ được xen lẫn nhữn thớ thịt màu trắng.
- Lúc kiểm tra thịt bạn có thể ấn thử để xem thịt bò có đàn hồi hay không. Nếu như bạn vừa ấn và thịt trở về ngay miếng như ban đầu thì đó là miếng thịt tươi.
- Khi mua bạn cũng chú ý không nên mua những miếng thịt bò có mùi hôi, hay miếng thịt bị chảy nhớt.
Trên đây là 2 cách nấu cua đồng miền Nam siêu ngon và đơn giản mà Yeutre.vn muốn giới thiệu đến bạn. Cách làm khá đơn giản và được hướng dẫn từng bước khá chi tiết nên bạn sẽ dễ dàng hình dung, chuẩn bị đến vào bếp. Chúc bạn nấu thành công món lẩu này ngay từ lần đầu thực hiện nhé.
Thủy Tiên