1. Phân biệt thế nào là bột ngọt, thế nào là bột mặn
Về cơ bản, 2 loại bột ăn dặm này đều giống nhau, cung cấp cho bé đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên chúng lại khác nhau ở thành phần đạm.
1.1 Bột ngọt
Thành phần đạm chính là sữa, tức là nền bột sẽ là sữa kết hợp cùng các loại thực phẩm khác như gạo, trái cây, rau củ... để trở thành thức ăn dặm cho bé.
1.2 Bột mặn
Thành phần đạm chính là các thực phẩm “mặn” như thịt gà, cá... kết hợp cùng gạo, rau củ để làm thức ăn dặm cho bé.
1.3 Nên cho bé ăn bột ngọt hay bột mặn
Tuỳ theo khẩu vị của bé mà mẹ có thể lựa chọn các hương vị bột ăn dặm để bé ăn ngon miệng hơn. Đồng thời, mẹ cũng cần chú ý thay đổi vị bột thường xuyên để bé không ngán và làm quen được nhiều hương vị thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, với các bé chuẩn bị bắt đầu ăn dặm, mẹ nên ưu tiên lựa chọn các loại bột ngọt vì hương vị sữa thơm, gần giống sữa mẹ sẽ giúp bé dễ làm quen hơn so với các loại bột mặn.
Khi bé trên 8 tháng tuổi, mẹ vẫn nên cho bé ăn xen kẽ bột ngọt và bột mặn mà không nhất định chỉ cho bé ăn bột mặn. Vì bột ngọt không những có hàm lượng dinh dưỡng tương đương bột mặn, mà còn giúp bé đang dạng khẩu vị hàng ngày tốt hơn nữa đấy.
2. Hướng dẫn cách nấu bột mặn cho trẻ ăn dặm
Trong quá trình chế biến các món ăn dặm cho bé, nấu bột mặn tương đối khó hơn so với nấu dạng bột ngọt. Bởi chế biến bột mặn ăn dặm cần phải qua nhiều khâu chuẩn bị, sơ chế nguyên vật liệu....rồi mới bắt đầu nấu theo công thức. Do đó, Yeutre.vn sẽ ưu tiên hướng dẫn các mẹ cách chế biến một số món bột mặn phổ biến cho trẻ ăn dặm như dưới đây.
2.1 Bột trứng – cà rốt
Nguyên liệu:
- Bột gạo 20g (4 muỗng canh gạt)
- Trứng gà 30g (1 lòng đỏ trứng gà)
- Cà rốt 20g ( 2 muỗng canh)
- Dầu ăn 2,5g (1/2 muỗng dầu ăn)
- Nước 200ml (lưng 1 chén nước)
Cách chế biến:
Cà rốt đem gọt vỏ, nấu mềm, tán nhuyễn. Trứng gà đánh đều lòng đỏ. Cho cà rốt, trứng và quấy đều, thêm đủ lượng nước. Bắc lên bếp khuấy đều tay, đến khi bột chín cho ra chén, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn cho bé vào trộn đều.
2.2 Bột tôm – rau cải ngọt
Nguyên liệu:
- Bột gạo 20g (4 muỗng canh gạt)
- Tôm đã bóc vỏ 30g ( 2 muỗng canh)
- Lá cải ngọt 30g (3 muỗng canh, chỉ lấy lá không lấy cọng)
- Dầu ăn 10g (2 muỗng cà phê)
- Nước 200ml (lưng 1 chén)
Cách chế biến:
Lá cải ngọt đem rửa sạch, cắt nhỏ hoặc băm nhuyễn. Tôm rửa sạch, lột vỏ, băm nhuyễn đánh tan với một ít nước. Phần bột gạo đem hòa tan với một ít nước rồi bắc phần nước còn lại lên bếp cho tôm vào nấu cho sôi, thêm rau nấu cho chín. Cho bột vào từ từ khuấy đến chín, cho ra chén, thêm 2 muỗng cà phê dầu ăn cho trẻ.
2.3 Bột thịt bò – cà chua
Nguyên liệu:
- Bột gạo 20g (4 muỗng canh gạt)
- Thịt bò nạc 30g (2 muỗng canh)
- Cà chua 30g (1/2 trái nhỏ)
- Dầu ăn 10g (2 muỗng cà phê)
- Nước 200ml (lưng 1 chén)
Cách chế biến:
Băm nhuyễn thịt bò và cà chua, tán đều thịt với chút nước. Phần bột đem hòa tan với ít nước. Sau đó, nấu chín thịt với phần nước còn lại, cho cà chua, bột, khuấy đến khi chín bột. Cho bột ra chén, thêm 2 muỗng cà phê dầu ăn trộn đều.
Hy vọng từ thông tin lưu ý về loại bột, cùng cách nấu 3 món bột cho trẻ ăn dặm phổ biến mà Yeutre.vn chia sẻ ở trên, các mẹ hẳn cũng thấy dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị thức ăn dặm cho con. Cùng với sự khéo léo của các mẹ, bé nhà mình chắc chắn sẽ được nếm những món ăn thật thơm ngon, hấp dẫn và luôn đủ dinh dưỡng. Chúc mẹ nuôi con nhanh lớn và khỏe mạnh!
Hạnh Sử tổng hợp