1. Nguyên liệu làm lẩu Thái
- Khoảng 1kg xương ống
- 500g ngao
- 500g mực
- 500g tôm sú
- Nấm, bắp chuối, rau cần, rau muống, cải xanh, cà chua,...
- Sả, riềng, chanh tươi, lá chanh,...
- Đường, muối, hạt nêm, gia vị lẩu thái, sa tế, nước chấm hải sản,...
- Mì, bún
Lưu ý: Tôm, ngao và mực cũng như các loại rau phải thật tươi
2. Cách làm lẩu Thái
Sơ chế nguyên liệu
Bước 1:
Các loại rau ăn kèm, rửa sạch nhặt bỏ lá sâu ngâm nước muối rồi rửa sạch lần nữa, để ráo nước rồi cắt khúc vừa ăn.
Các loại rau ăn kèm đem rửa sach, cắt khúc - Ảnh Internet
Bắp chuối cắt khoanh mỏng rồi ngâm nước muối loãng.
Nấm rơm cắt chân sạch, ngâm nước muối loãng rồi bổ đôi.
Cà chua rửa sạch rồi bổ múi cau.
Sả rửa sạch bỏ bớt phần vỏ đập dập, cắt khúc. Riềng cắt lát mỏng.
Lá chanh rửa sạch để ráo nước.
Bước 2:
Mực mua về làm sạch, rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó cắt khoanh tròn, hoặc cắt miếng vừa ăn.
Tôm rửa sạch rồi bóc vỏ, bỏ đầu rửa sạch rồi chẻ lưng rút bỏ phần chỉ đen cho bớt mùi tanh. (nếu thích các bạn có thể để tôm nguyên vỏ nhé)
Ngao rửa qua nước rồi ngâm với nước muối pha loãng, có thể cho thêm vài lát ớt ngâm khoảng 45' cho ngao nhả hết đất cát bên trong, sau đó rửa sạch lại với nước.
Nấu lẩu thái
Bước 1: Chần xương ống qua nước sôi rồi cho nước dùng vào ninh cho xương ra chất ngọt để nước lẩu được đậm đà (nhớ hớt bọt để nước lẩu được trong nhé). Khi ninh được một khoảng thời gian, bạn cho sả đập dập, riềng thái mỏng và lá chanh vò nát vào để nước dùng thơm hơn.
Bước 2: Trong lúc đợi ninh xong nước lẩu thì cho một ít dầu ăn vào nồi rồi phi thơm tỏi, sả, hành tây, riềng, rồi cho cà chua, nấm rơm vào xào cho săn, dậy mùi thơm. Cà chua lúc này có tác dụng tạo màu tự nhiên cho nước lẩu, và tăng thêm vị chua.
Bước 3: Nước xương sau khi ninh xong thì lọc lấy phần nước rồi cho qua nồi lẩu mới. Lúc này cho phần cà chua, nấm đã xào thơm vào đun sôi. Nước lẩu có màu rất đẹp nhờ vào màu tự nhiên của cà chua. Đun sôi hỗn hợp lần nữa, sau cùng nêm nếm gia vị, nước mắm, nước cốt chanh và gói gia vị lẩu thái sao cho nước lẩu đậm đà và vừa ăn. Đảm bảo vị chua cay đúng điệu lẩu thái.
Bước 4: Khi nồi nước lẩu đã chuẩn bị xong, giờ chỉ còn việc bày rau, hải sản, bún, mì và nước mắm nguyên ra bàn. (có thể chấm nước mắm ngon thêm vài lát ớt, dùng cùng nước chấm hải sản). Có thể để mỗi nguyên liệu mỗi đĩa hoặc để chung nhưng xếp riêng từng loại để đẹp mắt, dễ thưởng thức. Các bạn nhớ đặt nồi nước lẩu chính giữa để tiện cho mọi người cùng ăn.
Bước 5: Khi ăn cho thêm 3-4 muỗng sa tế vào, lẩu cay thì mới đúng chất lẩu thái. Các bạn lần lượt nhúng rau, hải sản các loại (ngao, tôm mực,...) vào nồi nước lẩu đang sôi. Ăn cùng với bún hoặc mì để chắc bụng nhé.
Nồi lẩu sôi sùng sục cùng với mùi thơm của sả, ớt phảng phất vị chua cay, đậm đà sẽ làm cho hải sản ăn kèm không bị tanh mà lại rất ngon. Nếu như các bạn luôn lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì nấu lẩu tại nhà sẽ xua tan nỗi lo ấy. Nấu lẩu tại nhà vừa ngon vừa đảm bảo an toàn sạch sẽ.
Chú ý: nước lẩu luôn sôi thì các nguyên liệu ăn cùng mới ngon và ngọt. Các nguyên liệu ăn lẩu các bạn có thể sáng tạo và thay đổi tùy vào sở thích.
Cách làm lẩu thái ngon và đậm đà khá đơn giản phải không nào. Hãy tham khảo cách làm lẩu thái trên để vào bếp thuận lợi hơn chị em nhé. Trong thời tiết se lạnh thì món lẩu thái để gia đình quây quần bên nhau là rất tuyệt vời. Chúc chị em luôn thành công với món lẩu này nhé!
Lê Ngân - Tổng hợp