Dưa góp là một trong những món ăn yêu thích của nhiều gia đình, nhất là trong dịp sum họp gia đình hay Tết cổ truyền Việt Nam. Ngoài dưa góp từ dưa chuột, dưa góp dưa chuột cà rốt, đu đủ thì món dưa góp su hào cũng rất phổ biến. Đặc biệt dịp gần cuối năm là mùa su hào thì món dưa góp su hào càng trơ nên phổ biến. Với đặc trưng giòn ngon, dưa góp su hào đã có mặt trong nhiều thực đơn gồm các món ăn mặn có cảm giác gây ngán.
1. Chuẩn bị nguyên liệu làm dưa góp su hào
- Su hào: 1 – 2 củ, trọng lượng khoảng 500 gram
- Cà rốt: 1 củ (nhỏ quá thì 2 củ) nên chọn củ tươi, kích thước vừa phải
- Tỏi: 5 tép
- Ớt tươi: 2 trái
- Bột canh: 1,5 muỗng cà phê
- Đường: 3 muỗng cà phê
- Nước mắm: 2 muỗng cà phê
- Giấm: 2 muỗng canh
- Muối: ½ muỗng cà phê
- Rau mùi, rau húng
- Dụng cụ: Hũ thủy tinh, nồi, đũa…
2. Cách làm dưa góp su hào ngon tại nhà
Cách làm dưa góp su hào chỉ qua một vài bước cơ bản nhưng bạn đã có được một món dưa giòn giòn, vừa miệng.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Su hào mua về, bạn mang đi gọt vỏ và rửa sạch sẽ, bổ đôi hoặc lát vừa. Ngâm sơ với nước để giảm bớt mủ cũng như giữ cho su có màu đẹp sáng. Sau đó thái thành từng miếng dài, có thể dùng dao lượn sóng cắt rau củ cắt su hào cho đẹp. Độ dài miếng chừng 3 – 4 cm, độ dày vừa phải khoảng 0,5 cm.
- Sơ chế cà rốt cũng tương tự như vậy, nạo vỏ rồi cắt miếng như su hào. Hoặc bạn cũng có thể thái su hào và cà rốt thành lát mỏng và tỉa hoa cho đẹp mắt.
- Ớt trái bỏ hạt và thái nhỏ. Nếu muốn tăng tính thẩm mỹ cho món góp thì thái thành sợi.
- Các thành phần khác gồm: Tỏi đập dập, băm nhuyễn; rau mùi, rau hút rửa sạch rồi cắt khúc.
Bước 2: Trộn muối với su hào và cà rốt
Cho phần su và cà rốt đã cắt sẵn vào chung một cái tô, sau đó cho một ít muối vào trộn đều tay, để chừng 10 – 15 phút. Lúc này chúng sẽ tiết ra một lượng nước, bạn chắt đổ nước đó đi.
- Chần sơ nguyên liệu rồi cho vào chậu nước đá. Việc làm này nhằm để su và cà rốt không bị chín mềm lại giúp cho nó có độ giòn nhất định, lại giảm mùi hăng đáng kể. Tiếp đến, bạn vớt tất cả ra rổ, để thật ráo nước.
Bước 3: Pha nước cốt trộn dưa góp su hào
Đây cũng là công đoạn rất quan trọng trong cách làm dưa góp su hào mà bạn nên chú ý. Nước cốt sẽ quyết định đến độ mặn ngọt chua, ngon hay không của món ăn. Trước tiên, bạn cho nước lọc, nước mắm, giấm, đường vào chảo/xoong theo tỉ lệ đã chuẩn bị ở trên. Đun sôi chừng 1 phút, có thể nếm điều chỉnh vị rồi cho tỏi băm, ớt vào khuấy đều, để nguội là xong.
Bước 4: Tiến hành ngâm dưa góp su hào
- Đỗ hỗn hợp nước cốt vào âu chứa su hào, cà rốt. Dùng đũa hoặc tay có đeo găng đảo đều, xong bạn cho vào hũ thủy tinh đã lau sạch. Nhớ đổ từ từ, không được đỗ quá nhanh sẽ gây tràn lên thành miệng. Để tầm 1,5 – 2 tiếng cho ngấm hết gia vị là đã có thể ăn được. Tuy nhiên, nếu muốn ngon hơn bạn nên đợi từ 1 – 2 ngày.
Bước 5: Trình bày món dưa góp su hào
- Sau thời gian ngâm, khi ăn bạn chỉ cần mở nắp và gắp một lượng vừa đủ ra đĩa. Trang trí thêm vài cành rau húng, chút đậu phụng rang (nếu thích) rồi thưởng thức thôi.
3. Dưa góp su hào ăn với món gì ngon?
Dưa góp su hào – một món ăn kèm đã quá đỗi quen thuộc với chúng ta. Không chỉ xuất hiện vào ngày Tết, dưa góp nói chung, dưa góp su hào nói riêng, binh thường những món này cũng đã trở thành món ăn được nhiều chị em nội trợ dùng để “chữa cháy” cho những bữa ăn quá nhiều chất đạm, dầu mỡ... gây ngán. Thậm chí trong mâm cỗ hay các bàn tiệc nhỏ đều không thể thiếu được dĩa dưa góp như dưa góp su hào màu sắc, giòn ngon này.
Món này thường được trộn cùng rau hung, rau thơm để tăng hương vị hấp dẫn. Bạn có thể dùng nó để ăn kèm với hầu hết các món ăn như: bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu , các món chiên, nướng.... Nhờ vị thanh chua của su hào, cà rốt sẽ làm giảm đi độ béo ngậy của thức ăn nhiều dầu mỡ, giúp bữa ăn được ngon miệng hơn.
4. Một số lưu ý khi làm dưa góp su hào
- Khi chọn nguyên liệu su hào với cà rốt để làm dưa góp, hãy chọn loại củ tươi, kích cỡ vừa phải. Thường những củ bị héo có thể bị đắng, làm dưa góp không ngon.
- Trong bước ngâm chần su hào qua nước sôi, lưu ý nhanh tay để su hào và cà rốt không bị chín sẽ mất đi độ giòn của món ăn. Khâu này nếu không khéo còn là nguyên nhân khiến dưa góp dễ bị nhớt nữa, bạn lưu ý nha.
- Bạn nên chọn hũ thủy tinh thay cho hũ nhựa, vì nó sẽ giúp bảo quản dưa góp su hào tốt hơn, ngon hơn. Nhớ rửa sạch sẽ, phơi thật khô rồi mới cho nguyên liệu vào, cách này cũng để đảm bảo dưa ngon không nhớt. Ngoài ra, lựa hũ kích thước vừa vặn, tránh gây chèn ép các nguyên liệu. Khác với muối mặn cần ấn chặt, thấm dần, dưa góp thì ngược lại, cần để vừa phải để dưa ngấm nhanh, nếu ấn chặt sẽ khiến dưa lâu ngấm.
- Khi ngâm dưa góp, bạn đổ nước cốt ngập nguyên liệu và để trong khoảng thời gian như đã nói ở trên. Nếu dưa đã chua, bạn để trong ngăn mát tủ lạnh để ăn dần, hãm chua, cũng như bảo quản dưa lâu hơn (thường thì dùng trong từ 7 – 10 ngày).
- Khi lấy dưa góp ra dùng bạn lấy lượng vừa đủ. Nếu dùng dư để riêng, không đổ ngược lại vào hũ dưa nhé.
- Dưa góp su hào tuy ngon nhưng những người mắc bệnh về tim, gian, huyết áp không nên ăn vì món này chứa men tiêu hóa cao, dễ gây các biến chứng bất lợi. Cũng không nên ăn thường xuyên, không ăn khi quá đói mà nên ăn kèm với món khác.
Cách làm dưa góp su hào nói siêu đơn giản, chỉ với một vài công đoạn bạn đã có được món ăn kèm ngon, kích thích vị giác cho cả nhà. Ngoài ra, bạn cũng có thể học cách làm dưa góp từ các nguyên liệu khác để tăng thêm tính đa dạng. Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn hy vọng với vị chua chua, thanh thanh của nó sẽ giúp bữa cơm của gia đình bạn ngon hơn, thú vị hơn.
Tuyết Nhi